Bệnh nhân đau đớn trên xe cứu thương, người đi xe không nhường đường

Quan chức, chuyên gia ngành Y cầu mong người đi đường vì tính mạng của bệnh nhân mà hãy nhường đường cho xe cấp cứu.

PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết - Giám đốc Bệnh viện Việt Đức. Ảnh: VNN
PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết - Giám đốc Bệnh viện Việt Đức. Ảnh: VNN
Chỉ vì tắc đường mà bệnh nhân tử vong

Sau khi xem video người Đức nhường đường xe cứu thương , PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) đã có những ý kiến về vấn nạn thiếu văn hóa nhường đường ở Việt Nam.

"Ở nước ngoài, giao thông rất hiếm khi xảy ra ùn tắc, đặc biệt là người dân của họ luôn có ý thức tự giác nhường đường cho xe cứu thương, còn ở Việt Nam thì nhiều người hầu như không chịu nhường đường. Đó là do ý thức của một số người dân nước ta kém.

Các nước tiên tiến, họ thường có đường dành riêng cho xe ưu tiên. Ngay cả khi tắc đường xảy ra thì chỉ có xe của công an, xe cấp cứu và các loại xe ưu tiên khác mới được đi. Ở nước ta không có loại đường này nên nhiều khi xe cứu thương cũng không chạy được.” - ông Quyết nói.

Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cũng cho biết, về mặt luật pháp các phương tiện phải tránh đường cho xe cấp cứu nói riêng và xe ưu tiên nói chung. Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện nay, do tình trạng giao thông lộn xộn, đặc biệt là tình trạng tắc đường mà công tác cấp cứu người bệnh gặp rất nhiều khó khăn.

2 chiếc xe cứu thương bất lực trong đám đông tắc đường thờ ơ - Ảnh: PLTPHCM
2 chiếc xe cứu thương bất lực trong đám đông tắc đường thờ ơ - Ảnh: PLTPHCM 

Chẳng hạn những người bị chấn thương sọ não, vết thương mạch máu, dập phổi… cần phải đưa đến bệnh viện mổ cấp cứu rất nhanh. Nhưng vì tắc đường nên nhiều khi bệnh nhân đến bệnh viện thì gần như có bệnh nhân đã tử vong, việc cấp cứu rất là khó.

PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết   

“Mặc dù là xe cấp cứu có còi ủ, mặc dù là có xin đường ưu tiên nhưng nhiều khi cũng không chạy được. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến bệnh nhân cần cấp cứu, đặc biệt những trường hợp cấp cứu về chấn thương. Khi xe cấp cứu đến muộn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng của bệnh nhân ,” ông Quyết chia sẻ.

PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết cho rằng, việc bệnh nhân tử vong do xe cấp cứu bị tắc đường là điều khó tránh khỏi trên thực tế.

“Nhưng nhiều bệnh nhân là như thế. Chẳng hạn những người bị chấn thương sọ não, vết thương mạch máu, dập phổi… cần phải đưa đến bệnh viện mổ cấp cứu rất nhanh. Nhưng vì tắc đường nên nhiều khi bệnh nhân đến bệnh viện thì gần như có bệnh nhân đã tử vong, việc cấp cứu rất là khó. Các trường hợp như vậy, tỷ lệ tử vong cao hơn,” ông Quyết khẳng định.

Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cho biết thêm, thời gian qua, Bộ Y tế cũng phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải đã có những chỉ đạo quyết liệt để hạn chế ảnh hưởng xấu của giao thông tới công tác cấp cứu người bệnh. Tuy nhiên, cho tới nay tình trạng này vẫn không được cải thiện bao nhiêu.

“Bộ Y tế, Cục Quản lý khám chữa bệnh cùng với Bộ Giao thông Vận tải đã chỉ đạo quyết liệt vấn đề này. Nhưng tình trạng này hiện nay vẫn chưa được khắc phục nhiều. 

Trong điều kiện hiện nay, tôi rất mong người dân khi gặp xe cứu thương thì hãy nhường đường.
Khi mọi người nhường đường, xe cấp cứu sẽ đưa bệnh nhân tới bệnh viện nhanh hơn. Điều này có thể ảnh hưởng tới sự sống còn của người bệnh”, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức mong muốn.

Chúng tôi lo lắm!

PGS.TS Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh Bộ Y tế cũng tỏ ra lo ngại khi nói về thực trạng về giao thông và văn hóa giao thông ở Việt Nam.

Theo ông Khuê, công tác cấp cứu phải được dành những điều kiện tốt nhất, nhanh nhất… Nhưng thực tế ở nước ta, khi gặp cảnh tắc đường thì xe cấp cứu muốn chạy nhanh cũng không được.

“Ùn tắc giao thông có thể dẫn tới sự chậm trễ trong việc cấp cứu người bệnh. Chúng tôi cũng lo lắng lắm. Chúng tôi cũng mong giao thông nước ta được thông thoáng để công tác cứu người được triển khai nhanh, kịp thời. Nhưng khi gặp tắc đường thì bất khả kháng chứ biết làm sao được,” ông Khuê nói.
Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh cho biết: “Ngay bản thân tôi khi đi tổ chức cấp cứu tại các sự kiện lớn, nhiều lúc gặp tắc đường không thể đi chiều thuận được, cảnh sát phải dẫn đường đi ngược chiều.
Trước đây, khi chúng ta tổ chức sự kiện 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, kể cả Chủ tịch nước cũng phải đi bộ. Những vấn đề như vậy thực sự là không mong đợi.”
Ông Khuê cho rằng, việc gây khó khăn cho công tác cấp cứu chỉ là một phần hậu quả của việc ùn tắc giao thông. Nó không chỉ ảnh hưởng tới việc vận chuyển cấp cứu, ảnh hưởng tới người tham gia, mà còn ảnh hưởng tới cả sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
"Chúng tôi chỉ biết chữa bệnh cứu người và rất muốn giao thông ở nước ta tốt lên. Điều này cần phải sự có sự vào cuộc đồng bộ và quyết liệt của của các cấp, các ngành. Và người dân cũng phải tự nâng cao ý thức tham gia giao thông của mình, biết nhường đường cho xe ưu tiên.” PGS.TS Lương Ngọc Khuê chia sẻ.
"Phải hỏi bác Đinh La Thăng"
PGS.TS. Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh Bộ Y tế. Ảnh: VGP
PGS.TS. Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh Bộ Y tế. Ảnh: VGP

Trong khi đó, ông Hoàng Đức Hạnh – Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cũng tỏ ra ngán ngẩm khi nói tới việc tắc đường, không nhường đường cho xe cứu thương ở Việt Nam.

“Mới đây, tại buổi giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức, có người hỏi tôi cũng giống như nội dung mà bạn đang đề cập. Khi đó, cả hội trường người ta cười ồ lên. 

Điều đó đủ để biết là mọi người đều biết thực trạng giao thông ở nước ta hiện nay là như thế nào. Có lẽ về việc tắc đường như thế nào, nguyên nhân, giải quyết ra sao… thì chúng ta phải hỏi bác Đinh La Thăng,” ông Hạnh nói.

Khi so sánh giao thông của Việt Nam với các nước châu Âu, ông Hoàng Đức Hạnh chia sẻ: “Nếu bạn có dịp đi nước ngoài thì quá hiểu tại sao giao thông ở nước ta nó lại như thế. Ý thức người dân là một phần, bên cạnh đó hệ thống hạ tầng giao thông ở nước ta còn kém.

Người dân chúng ta dù có ý thức muốn nhường đường cho xe ưu tiên thì đôi khi cũng không nhường được. Vào giờ cao điểm, chúng ta thử đi ra đường xem. Tôi lấy ví dụ đường Xuân Thủy, hoặc các đường mà hiện nay đang được quây để làm công trình thì thử hỏi người dân biết nhường vào chỗ nào.”

Ông Hoàng Đức Hạnh cho biết, để cấp cứu người trong điều kiện giao thông thường xuyên xảy ra ùn tắc, lực lượng 115 Hà Nội đã chia làm rất nhiều trạm. Khi có người bị nạn, lực lượng cấp cứu sẽ huy động xe cứu thương gần nhất để chở nạn nhân tới bệnh viện.

“Lực lượng 115 đã bố chí nhiều trạm. Trước kia chỉ có ở Phan Chu Trinh, nhưng bây giờ thì có cả ở Gia Lâm, Hà Đông… 

Rất may là ở Việt Nam, các quận huyện đều có bệnh viện, trung tâm y tế. Nên khi có người gặp nạn, xe cứu thương sẽ đưa bệnh nhân tới nơi cấp cứu gần nhất,” ông Hạnh nói.

Tuy nhiên, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội thừa nhận, giải pháp nói trên cũng chỉ mong rút ngắn được phần nào thời gian cấp cứu bệnh nhân. Trên thực tế, vì tắc đường mà công tác cấp cứu nhiều khi không thể thực hiện như ý muốn.

“Những giải pháp này nhằm đưa bệnh nhân tới bệnh viện nhanh nhất có thể trong hoàn cảnh giao thông thường xuyên ùn tắc.
Nhưng làm như vậy cũng chỉ mong muốn đỡ phần nào thôi. Thực ra, chúng ta thừa biết thực tế ở ngoài đường như thế nào rồi, nhiều khi chật cứng không đi được,” ông Hoàng Đức Hạnh nói. 
Theo vtc

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ