Vợ tôi bị một căn bệnh rất nặng, có thể nói là bệnh nan y khó chữa từ thời con gái. Bệnh của vợ tôi càng trở nặng hơn từ lúc lấy chồng. Bệnh này của vợ phát tác 30 ngày mỗi tháng, bệnh có lẽ đã âm ỉ từ bé và là bệnh... đường miệng rất khó chữa.
Bệnh này bác sĩ cũng bó tay, bệnh viện trả về. Chỉ có người nhà chăm sóc, động viên nhưng vẫn không bớt. Tuy bản thân bệnh này, bệnh nhân không đau đớn nhưng lại gây đau đầu cho những người xung quanh. Đó là bệnh than thở.
Đây là hoạt động mà vợ tôi làm nhiều nhất trong ngày, hơn cả thời gian ngủ với công suất công lực tối đa át tiếng ve, đe tiếng sấm. Sáng sớm vừa mở mắt là cô ấy mở miệng. Cô ấy than nào phải đút con ăn, phải đưa con đi học, phải đi làm, phải đi chợ. Trưa về cô ấy vừa nấu ăn vừa than, ngồi vào bàn ăn là than, xong xuôi lại vừa dọn dẹp vừa than. Lời than thở như những câu thần chú mà vợ tôi phải khấn trước khi làm bất cứ việc gì.
Cô ấy không đoái hoài về khủng hoảng tài chính làm suy giảm lương, không lo lắng cho tình trạng giao thông kém an toàn gây nguy hiểm tính mạng, không cần quan tâm đến sự suy đồi đạo đức con người.
Cô ấy chỉ ngày ngày gào lên với 10 vạn câu hỏi vì sao. Thậm chí nhiều lúc còn gửi mail cho chồng chỉ để hỏi: “vì sao anh không thay vớ?”, “vì sao anh chỉ đưa chừng này tiền?”, “vì sao anh lại ngồi xem tivi trong khi em dọn dẹp?”, “vì sao con không tự dọn màu vẽ?”, “vì sao em lại béo thế này?”, “vì sao cái váy kia không hạ giá?”, “vì sao con abc nào đó xấu hơn em mà lại sướng hơn?”, "vì sao thằng cu nhà hàng xóm gặp em không chào", "vì sao cái B già khú đế mà cứ ngúng nga ngúng ngoẩy như trẻ ranh"...
Tôi đưa vợ mấy tờ báo và chỉ các chuyên mục về những mảnh đời bất hạnh, các câu chuyện thương tâm rồi tệ nạn xã hội để cô ấy hiểu những gì mà cô ấy đang than thở hàng ngày chỉ đáng là hạt đậu. Nhưng cô ấy lại ngấu nghiến vào mục thời trang, mỹ phẩm rồi nào nữ doanh nhân thành đạt, chuyện chồng con nhà người ta nên lại tiếp tục than thở về cuộc đời “thất bại” của mình. Có thể nói việc gì cô ấy cũng có thể suy ra rồi sau đó chụp vào mình rồi ngồi than ngắn thở dài.
Tôi không chỉ là nạn nhân mà còn là đối tượng thường xuyên nhất mỗi khi vợ trở bệnh nan y này. Lúc ở nhà, vợ theo sát tôi từ phòng ngủ đến phòng khách, từ phòng ăn đến phòng tắm. Nếu tôi đi toilet thì vợ đứng ngoài cửa để bắt tôi nghe cô ấy than. Tôi ngồi xuống làm việc vợ cũng ngồi theo. “Ngày nào anh cũng làm việc mà có thấy đưa cho em được mấy đồng đâu. Anh có biết nào giá cả chợ đò... nào chi phí cho con... nào giỗ tết hai bên bố mẹ... bla bla bla”.
Thất vọng với chính mình không làm được việc trí tuệ tôi đành bỏ dở để xuống bếp lao động chân tay đỡ đần vợ bằng cách lau dọn và lôi chén bát ra rửa. Vợ lại tiếp tục đi theo “khấn”. “Anh có biết cái bát ngọc kia giá bao nhiêu không mà mạnh tay thế?”, “Sao lại cho nhiều xà phòng quá vậy?”, “lau nhà phải lau bằng tay ai lại dùng chân thế”, “ôi sao anh lại vụng về thế này, phúc đức cho em quá”. Ngày nào em cũng lèo nhèo vào tai tôi những điều đó làm tôi tự kỷ ám thị. Nhiều lúc bỗng dưng tôi thấy cuộc đời tăm tối còn mình là một thằng bất tài thảm hại làm gì cũng không xong.
Mà cô ấy đâu chỉ than thở với tôi về tôi, gặp ai cô ấy cũng than như thế. Tôi đi cà phê với đồng nghiệp thì nghe đâu từ bàn bên kia vẳng sang một âm thanh đều đều nheo nhéo với những nội dung vô cùng quen thuộc. Đám bạn tôi cũng phải giật thót “ve đâu kêu nghe quen quá chúng mày ạ”. Chả là chúng nó đặt biệt danh cho vợ tôi là “ve” mà. Thật là muối mặt cho người làm chồng như tôi.
Khổ nỗi xung quanh tôi đâu chỉ mình vợ tôi là phụ nữ mắc chứng bệnh nan y này mà đi đâu tôi cũng nghe thấy lời than thở của các chị, các em, các bà. Nói ra lại bảo kể xấu, nhưng dường như "bệnh than" đã trở thành căn bệnh cố hữu của họ rồi.
Mỗi sáng chiều đến công ty tôi làm, không ngày nào là tôi không bắt gặp hình ảnh các cô gái trẻ trung xinh đẹp phơi phới nhưng thường xuyên than vãn với nhau về người yêu, nhà người yêu, về công việc, về những sự chán đời chẳng có lý do, không đầu không cuối. Họ thường bảo nhau: “Sao bỗng dưng tao cứ thấy chán chán”, tôi nghe mà thấy nực cười. Có những hôm đang căng óc, tập trung lập kế hoạch bỗng giật thót mình vì tiếng kêu "trời ơi tôi chán" của cô đồng nghiệp bên cạnh. Hỏi cô ấy vì sao thì cô ấy giọng nhẹ tênh "tự dưng nhìn trời thì chán". Đúng là “nhàn rỗi sinh nông nổi” và sinh bệnh nan y như vợ tôi.
Những chị em đã có gia đình thì ít than vãn kiểu trời ơi đất hỡi này hơn. Nhưng cứ mỗi sáng sớm đến công ty hay buổi trưa nghỉ ngơi thì họ tìm đến nhau tụ tập chẳng khác một cái chợ. Họ ngồi rủ rỉ, buôn than với nhau đủ thứ chuyện. Và điệp khúc than thở về chồng con, gia đình chồng, công việc họ than từ ngày này qua ngày nọ, từ tháng nọ sang tháng kia không biết chán và chẳng bao giờ có hồi kết. Các chị than bằng miệng dường như chưa đủ còn mang lên diễn đàn, mạng xã hội, lập thành hàng trăm "thớt" để thút thít, ỉ ôi...
Khổ nỗi xung quanh tôi đâu chỉ mình vợ tôi là phụ nữ mắc chứng bệnh nan y này mà đi đâu tôi cũng nghe thấy lời than thở của cánh đàn bà (Ảnh minh họa) |
Về đến nhà, ngoài sân tập thể rộng, tôi lại chẳng khó khăn để bắt gặp những phụ nữ trung niên độ tuổi đang làm mẹ chồng, mẹ vợ, bà ngoại, bà nội quây quần ở đó. Tưởng họ đã hết tuổi than nào ngờ vẫn thấy họ than vãn về con cái, con dâu, chuyện nhà...
Có lẽ rất nhiều chị em cho rằng cánh đàn ông luôn rảnh thân nên không thể thấu hiểu cho các chị nên cứ mạnh mồm! Thực ra chúng tôi cũng giống như các chị em đâu phải trâu ngựa. Mệt thì chúng ta cần kêu, mỏi thì la. Nhưng mà các chị em nên tiết chế,. Chứ để cái thành tích than thở nó thành bệnh kinh niên thì khiến cho các ông chồng và những người xung quanh mệt mỏi. Gặp các chị, không thấy cuộc đời tươi tỉnh nở hoa chút nào mà chỉ toàn thấy màu xám ngoét của những so đo, chi li. Cứ như cánh đàn ông chúng tôi, mệt thì thở dài một phát, uống một chai bia rồi lên giường đi ngủ thẳng chân đến sáng hôm sau mọi chuyện lại đâu vào đó.
Tôi thiết nghĩ, không biết có giây phút nào các chị mắc "bệnh than" thử đặt địa vị mình vào vai người phải nghe những lời cà ràm thâu đêm suốt sáng, từ ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng khác... có cảm giác gì không? Chứ như tôi nghe vợ lần thứ nhất, lần thứ 2 đến lần thứ 3 là đã coi như đó là cái máy nói tự động đến giờ phát sóng những thứ chuyện mà không ai muốn nghe.
Thôi thì làm chồng là phải biết yêu vợ bằng lương tâm, lương tháng và chịu đựng vợ bằng... màng nhĩ vậy. Nghĩ và hành động như thế xong thâm tâm tôi vẫn muốn những quý ông khác và ngay cả cánh chị em “hiến kế” xem có cách nào cải tạo được “bệnh than” này chút xíu thì cánh đàn ông chúng tôi cũng được nhờ. Tôi cũng băn khoăn liệu trên thế giới này có còn chị em nào không mắc phải cái "bệnh than" kinh niên, khó chữa đó không?