Tại phiên thảo luận chiều nay (29/7) về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu 6 tháng cuối năm 2016, các đại biểu chỉ ra rằng kinh tế chững lại còn do một số lĩnh vực khác như công nghiệp khai khoáng cũng tăng trưởng âm.
Đại biểu Nguyễn Hoàng Anh (đoàn Cao Bằng) phân tích, công nghiệp khai khoáng chiếm vị trí quan trọng trong việc phát triển kinh tế của nước ta, nhưng nếu chỉ tính riêng ngành dầu khí diễn biến 6 tháng đầu năm cho thấy xu hướng đáng lo ngại vì hiện đang tăng trưởng âm.
“Cứ 1 triệu tấn dầu khai thác được sẽ đóng góp khoảng 0,3% GDP. Với tình hình hiện nay mục tiêu cả năm khó đạt được nếu không bù đắp vào sự suy giảm của công nghiệp khai khoáng”, ông Hoàng Anh nói.
‘Nhiều em bé vừa sinh ra đã phải gánh nhiều phí vô lý’
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: TTXVN
Trong khi đó, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (đoàn TP Hà Nội) nêu thực tế, còn tình trạng lạm thu ở một số địa phương.
“Các khoản thu này đều tính trên đầu người dân, có những em bé vừa ra đời đã phải gánh những khoản phí vô lý như phí bảo vệ nhà trường, phí hỗ trợ ban công an xã… Điều đó gây bức xúc trong nhân dân. Các địa phương cần kiểm soát, xử lý nghiêm minh các đối tượng vi phạm chuyện này”, bà Lưu Mai nhấn mạnh.
Bà Mai cũng cho rằng một số nhiệm vụ, mục tiêu chưa được bao quát, đề cập tới trong báo cáo trình Quốc hội như kết quả từ việc khẩn trương cơ cấu lại thu chi ngân sách, kết quả từ việc giảm tỉ lệ thất nghiệp, tỉ lệ hộ nghèo hay trong công tác chống tham nhũng…
Cùng với đó, theo vị đại biểu quốc hội này, báo cáo kinh tế xã hội và báo cáo ngân sách còn nhiều điểm chưa thống nhất. Cụ thể báo cáo kinh tế xã hội cho rằng tình hình hoạt động của các doanh nghiệp (DN) rất khả quan trong khi báo cáo ngân sách cho rằng họ rất khó khăn.
Đại biểu này nêu thêm một thực tế là ở Hà Nội, cơ sở hạ tầng còn chắp vá, nhiều dự án lớn chưa thể thực hiện do chưa có sự hỗ trợ từ ngân sách trung ương.
“Việc hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng chưa được thực hiện theo đúng quy định thành phố được hưởng. Số đầu tư trở lại cho Hà Nội lẽ ra là 3.276 tỷ đồng, tuy nhiên, theo báo cáo do điều kiện cân đối ngân sách khó khăn, trung ương đã không đầu tư hỗ trợ Hà Nội số tiền nêu trên”, bà Lưu Mai cho biết.
‘Đã loại bỏ hàng trăm điều kiện kinh doanh không hợp lý’
Đã loại bỏ được hàng trăm điều kiện kinh doanh bất hợp lý
Phát biểu tại nghị trường, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã làm rõ nhiều nội dung liên quan việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và những vấn đề về chống thất thoát, lãng phí, nâng cao hiệu quả của đầu tư công.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, thời gian qua, bằng việc ban hành và thực thi Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư và các luật khác có liên quan thì quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp đã được mở rộng, mức độ an toàn trong hoạt động kinh doanh được nâng cao; đã loại bỏ và giảm đáng kể các rào cản kinh doanh, rủi ro và chi phí cho doanh nghiệp.
Mức độ thuận lợi cho hoạt động kinh doanh được cải thiện rõ rệt và mục tiêu của Chính phủ là phấn đấu đến cuối năm 2016, môi trường đầu tư kinh doanh sẽ đạt mức trung bình của ASEAN 6 và đến năm 2020, trong nền kinh tế sẽ có khoảng 1 triệu doanh nghiệp hoạt động một cách có hiệu quả.
“Chúng ta đã chuyển từ quan niệm quản lý sang phục vụ, từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Đó là thay đổi lớn giúp cải thiện đáng kể môi trường đầu tư, kinh doanh ở Việt Nam”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng, tới đây, Chính phủ chỉ đạo thực hiện giải pháp giảm chi phí cho doanh nghiệp (DN) thông qua việc giảm lãi suất cho vay, giảm ít nhất 20% phí giao thông đường bộ, không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự, hàng tháng đối thoại với DN, trực tiếp giải quyết các khó khăn của DN…
“Chúng ta đã loại bỏ được hàng trăm điều kiện kinh doanh không hợp lý, cải cách hành chính về thuế, giảm thời gian kê khai về thuế, bảo hiểm xã hội, giảm chi phí lưu kho, lưu bãi với DN… Bộ cũng đã giao cho VCCI thường xuyên theo dõi, đánh giá các bộ trong tiếp nhận xử lý phản ánh của DN”, Bộ trưởng nói.
Cùng với đó, Bộ chỉ đạo các địa phương tích cực cung cấp thông tin, hướng dẫn DN tận dụng các cơ hội từ các hiệp định đã ký.
Nói về việc chống thất thoát đầu tư công, Bộ trưởng cho hay nhiều năm qua, một số cơ quan còn chưa chấp hành đầy đủ quy định về bố trí vốn, theo dõi, kiểm tra vốn dự án chưa tốt, nhiều dự án còn tự ý điều chỉnh quyết định đầu tư làm tăng tổng mức đầu tư, việc kiểm soát quy mô dự án, định mức, đơn giá còn lỏng lẻo gây thất thoát, lãng phí, khó khăn trong bố trí vốn.
“Một số dự án sử dụng vốn vay không hiệu quả, còn dàn trải, làm tăng nợ đọng. Theo luật, các địa phương không được phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản, nhưng thực tế một số địa phương số nợ đọng còn lớn. Một số địa phương còn ỷ lại vào vốn của nhà nước. Cùng với đó, việc xác định tổng chi phí dự án còn bất cập đặc biệt dự án BOT, BT”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Từ thực tế trên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương tổ chức, triển khai, thực hiện nghiêm các văn bản pháp luật liên quan đến công tác quản lý đầu tư công; nâng cao trách nhiệm người đứng đầu; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm pháp luật...