Ngày 9/2, Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang tiếp nhận bệnh nhi Nhữ Mạnh Q. (nam, sinh năm 2008, trú tại TP Tuyên Quang) có tình trạng đau tức vùng bẹn bìu bên trái. Được biết, cháu bé đã sưng đau bìu trái từ 3 ngày trước đó, nhưng không đi khám và điều trị do lo ngại dịch bệnh Covid-19.
Sau khi thăm khám và thực hiện các cận lâm sàng, bác sĩ chẩn đoán cháu bé bị xoắn tinh hoàn trái, tiến hành mổ cấp cứu ngay.
Trẻ đến khám muộn, trong quá trình phẫu thuật thấy tinh hoàn trái bị xoắn 2 vòng, tím đen hoàn toàn.
Kíp phẫu thuật và kíp gây mê đã tiến hành tháo xoắn tinh hoàn trái, dùng nước ấm chườm, phong bế bằng thuốc giúp cung cấp máu lại cho tinh hoàn nhưng tinh hoàn vẫn tím đen, không hồi phục. Kiểm tra động mạch và tĩnh mạch thừng tinh hoàn toàn là máu đông. Do vậy đã phải cắt bỏ tinh hoàn trái.
Sau ca phẫu thuật, bệnh nhi hiện đã được chuyển về khoa Ngoại thận - Tiết niệu tiếp tục theo dõi và điều trị.
Đừng vì quá lo ngại dịch bệnh Covid-19 mà chậm trễ đưa trẻ đi viện
Theo TS.BS Lê Hồng Quang, Trưởng khoa Nội Tim mạch – Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, trong đợt dịch này, số trẻ bị ốm không đi khám kịp thời mà chỉ đến khi bệnh nặng, cần can thiệp hỗ trợ về hô hấp, hỗ trợ về tuần hoàn mới đến bệnh viện có xu hướng gia tăng.
Nhiều gia đình chủ quan, không cho con đến bệnh viện khám khi con bị ốm mà để con ở nhà và tự chữa theo đơn thuốc cũ, hay kinh nghiệm từ bạn bè, mạng xã hội… Chỉ đến khi con bị nặng mới đến khám và được chẩn đoán là mắc tim bẩm sinh nặng.
Bên cạnh đó, có những trường hợp bệnh nhi được chẩn đoán tim bẩm sinh phức tạp phải trải qua 2 – 3 lần phẫu thuật, nhưng sau khi được các bác sĩ tiến hành phẫu thuật tim bẩm sinh lần thứ nhất thành công lại không đến khám để phẫu thuật lần 2, lần 3 theo đúng lịch hẹn của bác sĩ hoặc không tái khám để uống thuốc điều trị trong giai đoạn phẫu thuật lần tiếp theo.
Ngoài ra, có những bệnh nhi sau khi được phẫu thuật triệt để, đã sửa được hết dị tật ở tim nhưng sau phẫu thuật, gia đình không đưa trẻ đến khám theo hẹn để được kê thuốc và điều chỉnh thuốc phù hợp theo từng giai đoạn.
“Với những trẻ này, khi đã quá thời điểm tốt nhất để can thiệp hay phẫu thuật thì việc điều trị sẽ trở nên rất khó khăn, nguy cơ tử vong cũng cao hơn. Trường hợp nếu có thể tiếp tục điều trị thì chi phí điều trị sẽ tăng cao và tiên lượng không tốt, chất lượng cuộc sống của trẻ giảm và để lại di chứng nặng nề” – Bác sĩ Lê Hồng Quang nhận định.
Không chỉ trường hợp trên, hiện có nhiều trường hợp vì sợ lây nhiễm SARS-CoV-2 khi đến các cơ sở y tế, ngại đi khám bệnh, tự mua thuốc về sử dụng, không ít trường hợp khiến bệnh càng trầm trọng hơn.
Một trường hợp điều trị tại Khoa Nội Tim mạch – Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Nhi Trung ương là bé gái K.N (10 tháng tuổi, Vĩnh Phúc). Gia đình cho biết, từ khi sinh ra thấy trẻ nhẹ cân, thấp còi hơn những trẻ cùng trang lứa nhưng gia đình không cho con đi khám.
Bốn ngày trước khi nhập viện, trẻ xuất hiện tình trạng ho, sốt, khò khè. Tuy nhiên, lo sợ dịch bệnh Covid-19 và nghĩ trẻ ốm, mệt thông thường nên gia đình tự mua thuốc điều trị tại nhà mà không cho trẻ đi khám. Sau 4 ngày điều trị tại nhà, khi thấy trẻ sốt cao kèm khó thở, tím tái thì gia đình mới đưa trẻ đến Bệnh viện Sản Nhi tỉnh để thăm khám và điều trị.
Tại đây, trẻ được các bác sĩ chẩn đoán suy hô hấp, viêm phổi, tim bẩm sinh. Do tình trạng chuyển biến nặng, trẻ sau đó đã được chuyển đến Khoa Nội Tim mạch – Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Nhi Trung ương để tiếp thục theo dõi và điều trị.
Không chỉ trẻ em, ngay cả người lớn, nhiều trường hợp cũng đã vì quá lo ngại dịch bệnh Covid-19 mà chậm trễ đến viện đã dẫn tới mất đi "cơ hội vàng".
Như trường hợp phát hiện khối u vú phải cách đây 3 tháng nhưng thay vì đến bệnh viện thăm khám và điều trị, một nữ bệnh nhân T.L (56 tuổi, ngụ tại huyện Hóc Môn, TP HCM) sợ nhiễm SARS-CoV-2 nên quyết định ở nhà, chờ hết dịch mới đi khám.
Đến khi đau đớn không chịu nổi, L. mới quyết định đến Bệnh viện Xuyên Á (TP HCM) thăm khám. Lúc này, khối u ngực trái của L. đã lở loét, chảy dịch, có mùi hôi.
Qua thăm khám và thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng, các BS xác định L. mắc ung thư vú trái. Sau khi cân nhắc, đánh giá tình trạng của bệnh nhân, các BS đã lên phác đồ điều trị, hóa trị hỗ trợ. Sau điều trị truyền hóa chất đợt 1, khối u đã không còn chảy dịch.
Một trường hợp tương tự khác, bệnh nhân nam M.N (28 tuổi, huyện Củ Chi) bị sốt dai dẳng, mệt nhiều, phù toàn thân kéo dài gần hai tháng cũng chỉ ở nhà uống thuốc giảm đau. Đến khi khó thở tăng, phải ngồi thở M.N mới chịu đến bệnh viện.
Lúc đưa đến Bệnh viện Xuyên Á, bệnh nhân N. được chẩn đoán mắc Covid-19 kèm theo đó là tình trạng tràn dịch màng ngoài tim. Kết quả siêu âm tim ghi nhận tim đang bị chèn ép bởi lượng dịch lớn, có dịch ổ bụng và tràn dịch màng phổi hai bên. Ngay sau khi có kết quả hội chẩn, các BS nhanh chóng thực hiện phẫu thuật dẫn lưu màng ngoài tim.
M.N. đã được phẫu thuật thành công thoát khỏi cơn nguy kịch và được chuyển sang khu hồi sức Covid-19 tiếp tục điều trị.