Bé trai 11 tuổi đi tắm suối bị kẹt sỏi trong tai

GD&TĐ - Xuất hiện tình trạng đau nhức tai sau khi tắm suối về, bé trai được đưa vào viện kiểm tra thì phát hiện một viên sỏi nằm ở trong tai. Bác sĩ chuyên khoa đánh giá, đây là 1 ca gắp dị vật tai tương đối khó.

Ảnh: BV.
Ảnh: BV.

Bệnh nhi H., (11 tuổi, trú tại huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang) sau khi đi tắm suối về phát hiện đau nhức tai phải (nhất là khi nằm nghiêng), nên gia đình đã đưa bệnh nhi đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang để thăm khám.

Sau khi nội soi tai, các bác sĩ phát hiện ống tai phải bệnh nhi bị viêm nề, có dị vật sát màng nhĩ nên có chỉ định nội soi gây mê gắp dị vật.

ThS.BS Nguyễn Bắc Hải, Khoa Tai Mũi Họng cho biết: Đây là 1 ca gắp dị vật tai tương đối khó, quá trình nội soi được kíp phẫu thuật của khoa phối hợp với Khoa Phẫu thuật - Gây mê hồi sức thực hiện rất cẩn thận và tỉ mỉ để tránh làm tổn thương màng nhĩ và ống tai của bệnh nhi.

Viên sỏi nằm sát màng nhĩ, có bờ sắc nhọn, gây viêm phù nề ống tai. Kíp mổ đã gắp thành công trong tai bệnh nhi ra 1 viên sỏi nhỏ (kích thước bằng khoảng hạt đỗ đen).

Qua trường hợp này, các bác sĩ khuyến cáo: Mùa hè, trẻ em ở vùng nông thôn thường đi tắm tại suối, ao, hồ… nên có thể bị các dị vật nhỏ như sỏi, côn trùng nhỏ, hoặc vắt chui vào tai. Nếu dị vật trong tai không được gắp ra sớm sẽ dẫn đến viêm tai, đau nhức, ảnh hưởng đến thính giác và chất lượng cuộc sống của trẻ.

Trẻ nhỏ cũng thường hiếu động, khi chơi đùa có thể tự đút di vật vào tai, mũi của bản thân hoặc bạn khác gây nguy hiểm.

Nếu phát hiện trẻ có các dấu hiệu đau nhức, ngứa, sưng… tại các khu vực mắt, tai mũi họng, các gia đình không nên tự ý tìm cách lấy dị vật trong tai của trẻ, tránh trường hợp vô tình đẩy dị vật vào sâu hơn, mà nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để được các bác sĩ thăm khám, tư vấn, điều trị sớm và gắp dị vật đúng cách.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ