Cảnh báo liên tiếp trẻ nhỏ bị hóc dị vật đường tiêu hoá

GD&TĐ - Đây là tai nạn hi hữu có thể xảy ra ở bất kì lứa tuổi nào, đặc biệt các trẻ nhỏ là đối tượng dễ gặp nhất do bản tính hiếu động, luôn muốn khám phá xung quanh.

Một số hình ảnh dị vật được điều trị can thiệp tại bệnh viện trong tháng 5. Nguồn: BV.
Một số hình ảnh dị vật được điều trị can thiệp tại bệnh viện trong tháng 5. Nguồn: BV.

Dị vật đường tiêu hóa là một trong những cấp cứu thường gặp tại Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An. Đây là tai nạn hi hữu có thể xảy ra ở bất kì lứa tuổi nào, đặc biệt các trẻ nhỏ là đối tượng dễ gặp nhất do bản tính hiếu động, luôn muốn khám phá xung quanh.

Theo các bác sĩ khoa Tiêu hoá – HHLS, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, chỉ riêng trong tháng 5/2022, bệnh viện đã tiếp nhận và điều trị gần 10 trường hợp trẻ nuốt dị vật đường tiêu hóa, chủ yếu là ở trẻ trong lứa tuổi dưới 5 tuổi.

Dị vật cũng rất đa dạng, là những vật thường thấy trong đời sống hàng ngày, do trẻ vô tình hay cố ý nuốt phải trong quá trình ăn uống, sinh hoạt, chơi đồ chơi, như: đồng xu, pin, ốc vít, que kẹo mút, móc ổ khóa, nhẫn,…

Đối với những dị vật có hình thù sắc nhọn có thể gây chảy máu, thậm chí gây thủng nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng của trẻ.

Khi bị mắc dị vật, trẻ có thể có 1 số biểu hiện: nuốt đau, buồn nôn hoặc nôn, quấy khóc,… tuy nhiên không phải lúc nào trẻ nuốt dị vật cũng có các biểu hiện trên, chỉ đến khi có các biểu hiện nặng, đi khám mới biết có dị vật.

Để hạn chế tối đa những dị vật đường tiêu hóa cho trẻ, gia đình và đặc biệt là những người trông trẻ cần thật sự cẩn thận khi cho trẻ ăn, khi đưa đồ chơi cho trẻ, hạn chế tối đa những dị vật có thể có trong môi trường chơi xung quanh trẻ.

Trong trường hợp nghi ngờ trẻ đã nuốt phải dị vật, dù có hay không có biểu hiện rõ ràng, các bậc phụ huynh cần đưa trẻ đến khám tại các cơ sở y tế có chuyên khoa để được thăm khám và điều trị kịp thời. Đặc biệt, là tuyệt đối không được tự ý điều trị tại nhà, chữa mẹo, nuốt thêm thức ăn…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ