Bế mạc Paralympics Rio 2016: Kỳ tích của đoàn Việt Nam

GD&TĐ - Sáng 19/9 (giờ Việt Nam), Paralympics Rio 2016 đã khép lại sau 11 ngày thi đấu của các vận động viên (VĐV) khuyết tật bằng lễ bế mạc trên SVĐ Maracana (tại thành phố Rio de Janeiro của Brazil). 

Bế mạc Paralympics Rio 2016: Kỳ tích của đoàn Việt Nam

Lễ bế mạc Paralympics 2016 diễn ra khá giản dị, nhưng vẫn để lại ấn tượng bằng khung cảnh ấm áp khi hình ảnh xúc động của những VĐV khuyết tật được tôn vinh.

Cũng trong buổi lễ, 1 phút yên lặng đã được dành ra để tưởng nhớ VĐV đua xe đạp người Iran Bahman Golbarnezhad - người qua đời vào ngày 17/9 trong khi thi đấu vì tai nạn trên đường đua. Cuối buổi lễ, bà Yuriko Koike, Thị trưởng Tokyo - thành phố đăng cai Olympic và Paralympics 2020- nhận lá cờ Paralympics từ Chủ tịch Ủy ban Paralympics Quốc tế Philip Craven.

Paralympics Rio 2016 là kỳ đại hội lần thứ 5 mà các VĐV Việt Nam tham dự kể từ năm 2000. Đây cũng là kỳ Thế vận hội mà các VĐV được Nhà nước, ngành thể thao đầu tư kỹ lưỡng cùng với quyết tâm cao của các VĐV từng “khuấy đảo” các sàn đấu thế giới, châu lục và khu vực. Chính vì vậy, những tấm huy chương giành được không phải là do may mắn mà đó là nơi hội tụ của lòng mong đợi, sự khát khao của người Việt Nam, của các VĐV ước có giờ phút Quốc kỳ, Quốc ca Việt Nam ngân vang, tung bay trên bục trao huy chương của Thế vận hội trong sự chiêm ngưỡng, thán phục của toàn thế giới.

Chỉ với 10 VĐV thi đấu 3 môn (cử tạ, bơi, điền kinh), các anh, các chị đã làm được điều đó sau 20 năm chờ đợi. Ngay trong ngày thi đấu đầu tiên tại Paralympics Rio (đêm 8/9 giờ Hà Nội), VĐV cử tạ Lê Văn Công đã giành tấm HCV đầu tiên trong lịch sử tham dự Paralympics của Việt Nam; thậm chí anh còn lập kỷ lục Paralympics và phá luôn kỷ lục thế giới của chính mình ở hạng 49 kg với mức tạ 183 kg.

Sau đó 2 ngày, vào tối 10/9, nữ lực sĩ Đặng Thị Linh Phượng (lần đầu tiên dự Paralympics) đã tiếp nối thành công khi giành được HCĐ hạng dưới 50 kg với mức tạ 102 kg (HCV là 107 kg). Tấm huy chương của Linh Phượng như đã tiếp thêm sức mạnh cho các VĐV kế tiếp.

Đến ngày 13/9, kình ngư Võ Thanh Tùng dự tranh nội dung bơi tự do cự ly 50 m nam và xuất sắc giành được HCB với thời gian 33 giây 94 (HCV là 33 giây 55). Với tấm huy chương này, Thể thao người khuyết tật Việt Nam đã có “đủ bộ” huy chương - Vàng/Bạc/Đồng - trong 1 kỳ Thế vận hội.

Chưa dừng ở đó, cùng ngày (13/9), VĐV ném lao (điền kinh) Cao Ngọc Hùng xuất sắc giành thêm 1 HCĐ nữa với thành tích 42,96 m. Bên cạnh đó, dù không giành được huy chương nhưng nhiều VĐV khác cũng đã vượt qua giới hạn của chính mình. Có thể nói, thành tích của các VĐV người khuyết tật Việt Nam tại Paralympics Rio 2016 là niềm khích lệ lớn đối với các VĐV Việt Nam nói chung trong bước đường tiếp tục chinh phục thể thao đỉnh cao trong tương lai.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh sĩ NATO trong một cuộc tập trận tại Estonia.

Trung tâm mới của NATO

GD&TĐ - Bulgaria chuẩn bị xây dựng một khu phức hợp cơ sở vật chất để làm nơi đóng quân cho một lữ đoàn NATO đa quốc gia gồm 3.000 quân nhân.