'Bất thường' khi người trồng ké rừng được giao đất còn chủ lại không

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Nhận hơn 4ha rừng phòng hộ, tuy nhiên người trồng cây ké trên diện tích của gia đình bà Nghiệm được giao cấp đất còn gia đình bà thì không.

Bà Nghiệm cho biết rừng phi lao ven biển là công sức của vợ chồng bà và các con trồng từ những năm 1992.
Bà Nghiệm cho biết rừng phi lao ven biển là công sức của vợ chồng bà và các con trồng từ những năm 1992.

Đứng tên trong giấy tờ nhưng không được cấp đất

Theo phản ánh của bà Lê Thị Nghiệm (83 tuổi, trú tại phường Tĩnh Hải, thị xã Nghi Sơn, Thanh Hóa), năm 1992 tỉnh Thanh Hóa có thành lập Ban quản lý Dự án 4304 để huy động nhân dân tham gia trồng rừng ven biển nhằm phủ xanh đất trống, chống xâm thực. Thời điểm này, ông Lê Văn Ấn (chồng bà Nghiệm, hiện đã qua đời) là người tiên phong trong thôn Liên Vinh (nay là phố Liên Vinh) nhận trồng 4,2ha đất trống ven biển.

Nhận 4,2ha để trồng rừng phòng hộ, gia đình bà có gọi thêm hộ ông Lê Quang Trạch (là thông gia) cùng trồng rừng để hai bên gia đình chia nhau số gạo được cấp phát.

Bà Nghiệm cũng cho biết, để có được rừng phi lao ven biển xanh tốt như bây giờ không chỉ hai ông bà mà cả các con cái cũng được huy động ra cùng trồng và chăm sóc, cứ cây chết lại trồng bổ sung.

Tuy nhiên, đến đầu năm 2022, gia đình bà Nghiệm nghe tin một phần diện tích đất rừng tại khu vực gia đình bà được giao trồng, chăm sóc hiện đã đứng tên người khác và có việc chuyển nhượng, mua bán.

Gia đình bà đã đến UBND phường Tĩnh Hải để xác minh, phát hiện gần một nửa diện tích (hơn 1,9ha) lại được giao cấp cho nhà ông Trạch và ông này đã chia cho bảy người con (gồm các con ruột và con rể), riêng phần diện tích hơn 2ha còn lại không rõ có bị giao cấp cho ai khác không bởi chính quyền vẫn chưa thông tin.

“Việc gia đình tôi tham gia trồng rừng nhiều người dân trong thôn và lãnh đạo thời kỳ đó đều biết cả, hồ sơ vẫn còn thể hiện rõ”, bà Nghiệm bức xúc.

Để minh chứng cho lời mình nói, bà Nghiệm cung cấp sổ cấp phát lương thực PAM 4304 năm 1992-1996 (sổ gốc, có dấu đỏ) mà Ban quản trị dự án PAM 4304 huyện Tĩnh Gia (nay là thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa) cấp cho chồng bà (ông Lê Văn Ấn). Trong cuốn sổ cấp phát lương thực thể hiện rõ từ năm 1992-1995, gia đình bà Nghiệm có 5 lần nhận lương thực để trồng rừng (lần đầu nhận ngày 15/10/1992, lần thứ 5 nhận ngày 5/6/1995).

Bà Nghiệm cũng khẳng định đến nay, khu vực đất rừng nói trên gia đình vẫn đang trực tiếp trông coi, bảo vệ và chưa nhận được bất kỳ thông báo, quyết định thu hồi nào liên quan tới diện tích đất rừng gia đình bà trồng từ những năm 1992.

Theo ông Lê Văn Xường, nguyên Phó Chủ tịch UBND xã Tĩnh Hải (từ năm 1994-1999) khẳng định thời điểm có dự án PAM (1992-1996), ông Lê Văn Ấn là người tham gia trồng rừng ven biển khu vực đồi Chăn Cát (thôn Liên Vinh) là đúng thực tế.

Cũng theo ông Xưởng, thời kỳ đó, để huy động nhân dân trồng rừng là rất khó, nhưng ông Ấn là người tiên phong nhận cây giống và sổ gạo để trồng rừng.

Nhiều mâu thuẫn trong phản hồi của chính quyền

Phản hồi liên quan đến vụ việc, nhiều nội dung được UBND phường Tĩnh Hải đưa ra rất "bất nhất", mỗi nơi trả lời một kiểu. Cụ thể, tại văn bản số 129/BC-UBND ngày 11/7/2022 báo cáo UBND thị xã Nghi Sơn và trả lời cho gia đình bà Nghiệm, UBND phường này khẳng định khu đất rừng bà Nghiệm đang kiến nghị được xác định là đất do ông Lê Quang Trạch sử dụng từ năm 1991, sau đó ông Trạch chia thành 7 thửa cho các con, sử dụng ổn định, liên tục từ năm 1991 đến nay. Đồng thời phủ nhận việc gia đình bà Nghiệm có trồng rừng trên khu đất này.

Tuy nhiên, đến ngày 28/11/2022, tại báo cáo số 274/BC-UBND, phường Tĩnh Hải thừa nhận từ năm 1992-1993 ông Lê Văn Ấn được cấp sổ gạo và có trồng cây cùng với ông Lê Trí Trạch ở khu đất trên, nhưng số cây trồng chết hết nên không đủ điều kiện nghiệm thu của dự án PAM, đất sau đó bị bỏ hoang từ năm 1994 - 1998. Đến năm 1999, các con nhà ông Trạch ra trồng lại cây và sử dụng ổn định tới bây giờ.

Gia đình bà Nghiệm cho rằng phường trả lời thiếu nhất quán và không chính xác, bởi khu đất đó chồng bà là người nhận sổ gạo và gọi ông Trạch trồng cùng, gia đình bà còn nhận gạo trồng, chăm sóc rừng tới năm 1995 (trong sổ phát gạo còn thể hiện) mà phường nói chỉ trồng trong 2 năm (1992-1993) là không đúng.

Ngoài ra, gia đình bà Nghiệm không đồng tình với báo cáo của phường này cho rằng khu đất được ông Trạch sử dụng ổn định từ năm 1991, sau đó chia thành 7 phần khác nhau cho các con sử dụng vì ông Trạch mất khi dự án vẫn chưa kết thúc.

“Ông Trạch mất năm 1995, trong khi dự án PAM 4304 tới tận năm 1998 mới kết thúc, tuy nhiên phường lại nói ông Trạch chia cho các con là không có căn cứ”, bà Nghiệm khẳng định.

Về việc này, bà Tuyết, nguyên kế toán Ban quản trị Dự án PAM 4304 huyện Tĩnh Gia (nay là thị xã Nghi Sơn) khẳng định bà chính là người trực tiếp cấp phát gạo cho những người tham gia trồng rừng theo dự án PAM 4304. Đồng thời khẳng định ông Lê Văn Ấn (chồng bà Nghiệm) là người tham gia trồng rừng. “Ngày đó, chỉ giao cây cho người dân trồng rừng ven biển chứ không giao đất. Cây trồng và chăm sóc phải đảm bảo sống, sau đó cán bộ của ban về nghiệm thu cụ thể mới có căn cứ để cấp phát gạo. Dự án được thực hiện từ năm 1992 đến năm 1998 mới kết thúc”, bà Tuyết thông tin.

Liên quan đến sự việc, ông Nguyễn Trọng Niềm, Phó trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã Nghi Sơn cho biết đã nhận được báo cáo của UBND phường Tĩnh Hải liên quan tới vụ việc bà Lê Thị Nghiệm.

Theo ông Niềm, trên cơ sở báo cáo của xã, phòng sẽ tham mưu cho lãnh đạo thị xã để cử cán bộ xuống làm việc trực tiếp với UBND phường, đồng thời mời những gia đình có liên quan lên làm việc, đối chất.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh lớp 12 đăng ký phương thức xét tuyển sớm của Trường Đại học Công Thương TPHCM, tháng 4/2024. Ảnh: Mạnh Tùng

Điểm cao chẳng thể chủ quan

GD&TĐ - Dù đạt điểm cao ở các kỳ thi đánh giá năng lực, thí sinh vẫn cần tập trung tốt cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT, đồng thời đăng ký nguyện vọng hiệu quả nhất.