Bắt nhịp việc học sau Tết: Giúp học sinh nhanh chóng ổn định tâm lý

GD&TĐ - Sau kỳ nghỉ Tết dài, có học sinh, sinh viên (HSSV) mong ngóng được đến trường học trực tiếp, được gặp thầy cô bạn bè.

Học sinh Trường THPT Trần Đại Nghĩa (Cần Thơ) tham gia Hội chợ xuân năm 2020 – hoạt động mà các em không thể tham gia vì dịch bệnh 2 năm nay.
Học sinh Trường THPT Trần Đại Nghĩa (Cần Thơ) tham gia Hội chợ xuân năm 2020 – hoạt động mà các em không thể tham gia vì dịch bệnh 2 năm nay.

Tuy nhiên không ít em lại nảy sinh tâm lý uể oải, lo lắng; nhưng điểm chung là cảm thấy khó khăn - dù nhiều hay ít - khi bắt nhịp lại với nền nếp học tập.

Lo lắng, hào hứng đan xen

Được nghỉ Tết Nguyên đán từ 30/1 - 6/2/2022 với Nguyễn Kim Trọng - lớp 12A2, Trường THPT Trần Đại Nghĩa (Cần Thơ) đây là khoảng thời gian được nghỉ ngơi sau một học kỳ vất vả. Trước thông tin được đến trường học trực tiếp sau nghỉ Tết, Trọng vừa háo hức vừa cảm lấy lo lắng. Háo hức vì sắp tới được gặp bạn bè, thầy cô nhưng em cũng lo do đã dần quen với học trực tuyến sau thời gian khá dài không được đến trường.

“Tuy nhiên, tiếp tục học trực tuyến cũng bất lợi vì không còn bao lâu nữa chúng em sẽ thi tốt nghiệp THPT. Vì thế em mong sớm được học trực tiếp ở trường để nắm bắt tốt nhất kiến thức. Bản thân em sẽ chuẩn bị kỹ trước khi trở lại trường. Đầu tiên và quan trọng nhất chính là tiêm phòng vắc-xin, xét nghiệm Covid-19…

Cùng với đó, bồi dưỡng lại kiến thức các môn, chuẩn bị và chép bài, làm đầy đủ bài tập về nhà. Em cũng chuẩn bị tinh thần để có thể hòa nhập với bạn bè sau kỳ nghỉ dài. Em mong nhà trường chuẩn bị điều kiện tốt nhất trong phòng chống dịch bệnh, các bạn thực hiện tốt biện pháp phòng ngừa dịch bệnh; đồng thời thầy cô sẽ củng cố lại kiến thức giúp chúng em sau thời gian dài học trực tuyến”, Nguyễn Kim Trọng nêu nguyện vọng.

“Là phụ huynh, tôi mong con sớm được đến trường, nhất là giai đoạn chuẩn bị thi vào lớp 10 như hiện nay. Được biết Hà Nội dự kiến cho HS từ lớp 7 đến 12 trở lại trường sau Tết, tôi rất mừng. Tuy nhiên, chắc chắn con cần nhiều nỗ lực để bắt nhịp với việc học, nhất là học trực tiếp sau thời gian nghỉ dài”, anh Phạm Quang Hưng trải lòng.

Anh Phạm Quang Hưng (Mai Động, Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ thực sự lo lắng với việc bắt nhịp lại nền nếp học tập của con trai đang học lớp 9 sau nghỉ Tết. Lo vì từ đầu năm học đến nay học online 100%, con đã quen với nếp học này: Không phải dậy quá sớm và tự do hơn, ít bị kiểm soát. Gia đình lại có truyền thống ăn Tết ở quê, dành nhiều thời gian gặp họ hàng, người thân nên thời gian con dành cho việc học trong kỳ nghỉ không nhiều.

Với Nguyễn Hoàng Nhật Trung, sinh viên khoa Ngữ văn, Trường ĐH Sư phạm, ĐH Huế, thời gian dài học trực tuyến, lại thêm kỳ nghỉ Tết khiến em nhớ trường, lớp, muốn gặp lại bạn bè. “Em vẫn luôn tự trau dồi cho mình những kiến thức ngoài giáo trình, đọc thêm tài liệu, trao đổi với bạn bè, tạo không khí học tập như làm việc nhóm; nghe những bài nhạc có động lực thôi thúc bản thân tính kiên nhẫn và rèn luyện. Em mong dịch bệnh sớm được kiểm soát để được học trực tiếp, gặp lại thầy cô, bạn bè, sống những ngày tháng sinh viên đích thực” -  Nhật Trung mong mỏi.

Chuyên gia Trần Thị Loan - giảng viên chính bộ môn Tâm lý giáo dục, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2.
Chuyên gia Trần Thị Loan - giảng viên chính bộ môn Tâm lý giáo dục, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2.

Khó bắt nhịp nền nếp học

Cô Nguyễn Ngọc Hiền, Phó Bí thư Đoàn Thanh niên Trường THPT Trần Đại Nghĩa (Cần Thơ) nhận định: Thường sau các kỳ nghỉ dài, như nghỉ hè (kéo dài hơn 2 tháng), nghỉ Tết Nguyên đán (dao động khoảng 1 - 2 tuần), học sinh khi quay trở lại trường dễ gặp tình trạng học uể oải, mệt mỏi, chưa bắt kịp với việc thực hiện nghiêm túc giờ giấc; việc tiếp thu kiến thức trở nên chậm hơn, nền nếp và hứng thú học tập cũng giảm sút. Việc các em vi phạm nền nếp, tác phong khi đến trường cũng có chiều hướng tăng. Khoảng 2 - 3 ngày đầu sau kỳ nghỉ Tết, sĩ số học sinh quay trở lại trường cũng có biến động nhưng không quá lớn.

“Trước thực trạng trên, nhà trường tích cực tuyên truyền, giúp các em bắt nhịp lại việc học bằng nhiều kênh khác nhau: Giáo viên chủ nhiệm, Đoàn Thanh niên... Phổ biến rộng rãi kế hoạch nghỉ Tết để phụ huynh có thể sắp xếp cho con em quay trở lại trường đúng thời gian. Giáo viên chủ nhiệm, giám thị nắm bắt sĩ số ngay buổi đầu tiên đi học và tích cực liên hệ với phụ huynh để xác định nguyên nhân các em không đến trường; đồng thời tư vấn, hỗ trợ kịp thời” - cô Nguyễn Ngọc Hiền cho biết.

Cô Nguyễn Ngọc Hiền cho rằng, việc học sinh có vấn đề tâm lý sau nghỉ Tết và sĩ số có biến động do nhiều nguyên nhân, nhưng chung quy lại có hai lý do chủ yếu. Đầu tiên là nguyên nhân chủ quan từ phía học sinh: Thời gian nghỉ Tết là lúc các em được vui chơi, nghỉ ngơi, không vướng bận việc học tập, kiểm tra... nên việc quay trở lại trường sẽ cảm thấy ngại học. Nguyên nhân khách quan do một số gia đình về quê ở xa, phụ huynh chưa sắp xếp được thời gian quay trở lại khi hết kỳ nghỉ Tết sẽ quyết định cho con em của mình nghỉ thêm 1 - 2 ngày sau đó.

Góc nhìn từ trường đại học, ThS Nguyễn Bá Anh - Phó phòng Truyền thông Trường ĐH Nguyễn Tất Thành (TPHCM) - cũng chia sẻ thực trạng đại đa số sinh viên đều có tâm trạng uể oải, chưa muốn quay lại với việc học tập trực tiếp tại trường. Theo ThS Nguyễn Bá Anh, đây là biểu hiện tâm lý dễ hiểu bởi sinh viên đã quen với nền nếp sinh hoạt, cách thức học online.

Thay vì phải dậy sớm để chuẩn bị đến trường thì học online sẽ thoải mái hơn, chỉ cần gần đến giờ học bật máy tính lên điểm danh là được. Tuy nhiên, việc đến trường rất quan trọng, nhất là với những em năm cuối cần đi thực tập. Học online sẽ khiến sinh viên bị dồn quá nhiều lý thuyết mà không được ứng dụng thực hành. Các buổi thực tập chuyên ngành bị gián đoạn và nếu muốn ra trường đúng lộ trình thì ngay sau đó các em phải học tăng cường gấp đôi, thậm chí gấp ba thời lượng bình thường.

Trước tình hình trên, ngoài tiếp tục bảo đảm công tác phòng chống dịch, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành đồng thời thay đổi phương thức giảng dạy, tăng tính tương tác, tổ chức nhiều hoạt động mới giúp khơi dậy hứng thú học tập cho sinh viên. Ở góc độ khoa, các thầy cô cố vấn học tập quan tâm, sâu sát, động viên học trò. Với những em năm nhất, Khoa tăng cường tổ chức hội thảo hướng nghiệp; tập huấn phương pháp nghiên cứu khoa học, học tập và đổi mới tư duy năng động sáng tạo. Sinh viên cũng được hướng dẫn cách thức tham gia vào câu lạc bộ học thuật tại khoa để vừa hoạt động tập thể, vừa có thể sinh hoạt chuyên môn với thầy cô, giúp tạo hứng khởi, say mê trong học tập.

Bà Ngô Thị Bích Ngọc nói chuyện chuyên đề “Tạo động lực cho HS khối 9” tại Trường Đoàn Thị Điểm, Hà Nội.
Bà Ngô Thị Bích Ngọc nói chuyện chuyên đề “Tạo động lực cho HS khối 9” tại Trường Đoàn Thị Điểm, Hà Nội.

Dễ phát sinh tâm lý tiêu cực

Làm việc trong lĩnh vực tâm lý giáo dục nhiều năm, cùng với kinh nhiệm có được qua quan sát thực tế và đang nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực trên, bà Ngô Thị Bích Ngọc - nhà tâm lý giáo dục thực hành, chuyên gia kỹ năng sống - nhận thấy: Học sinh sau thời gian nghỉ Tết dài thường có tâm lý ham chơi, sinh hoạt tự do và sức ỳ do ở nhà quá lâu. Những học sinh được tiếp cận với thiết bị điện tử hàng ngày có thể sẽ bị lôi cuốn vào trò chơi điện tử, mạng xã hội, các kênh giải trí; từ đó mất tập trung trong việc học, thậm chí có thể bị lệ thuộc vào chúng mà mất đi hứng thú học tập.

Một số nhóm học sinh có thể rơi vào trạng thái tâm lý cô đơn, thu mình do ở nhà lâu ngày, khó kết nối với bạn bè để giải tỏa nhu cầu trò chuyện giao lưu (nhất là nhóm trẻ vị thành niên, nhu cầu giao lưu xã hội rất cần trong nhịp sống hàng ngày, trong khi đã không được gặp bạn tới 8 tháng). Có em thì vừa thiếu vắng bạn bè, vừa do bố mẹ hay người chăm sóc ít dành thời gian chơi đùa, trò chuyện… cộng việc học tập áp lực, nên có thể là điều kiện thuận lợi dẫn tới các bệnh về sức khỏe tâm thần như trầm cảm, lo âu...

Giúp các em nhanh chóng ổn định tâm lý khi trở lại trường, theo bà Ngọc, nhà trường có thể tổ chức các hoạt động ấm áp, gần gũi, vui nhộn đón chào học sinh quay trở lại trường; tổ chức các buổi nói chuyên đề giúp học trò làm chủ tinh thần, cảm xúc… Giáo viên chủ nhiệm trò chuyện để tạo động lực ngay khi học sinh quay lại học tập; có những cách khen ngợi, khích lệ, giúp các em tìm thấy giá trị của mình trước bạn bè, thầy cô.

Với trẻ nhỏ, sự ghi nhận hay góp ý khéo léo thay vì chê thẳng thắn sẽ giúp các em lấy lại tinh thần học nhanh chóng hơn. Với trẻ lớn, ngoài cách trên, việc ghi mục tiêu, kế hoạch làm việc phù hợp cho mình dán trên bảng lớp hay trên phần mềm có thể tạo hiệu ứng tích cực, giúp các con lấy lại tinh thần học. Lớp học vui vẻ, có nguyên tắc và thầy cô nói cho học sinh hiểu trách nhiệm, lợi ích của nhiệm vụ học sẽ giúp trẻ cùng nỗ lực trước khó khăn. Bên cạnh đó, gia đình đồng hành với nhà trường, cô giáo, các nhà tâm lý giáo dục vì mục tiêu hỗ trợ, giáo dục trẻ cũng là vũ khí quan trọng để vượt qua sự lười biếng hay khó khăn tâm lý.

Với sinh viên, khó khăn đầu tiên được chuyên gia Trần Thị Loan - giảng viên chính bộ môn Tâm lý giáo dục, Trường ĐHSP Hà Nội 2 - đề cập là do thay đổi môi trường học tập. Sinh viên có gần 1 năm học online tại nhà, đã hình thành thói quen ăn, ngủ, học tập với môi trường gia đình. Khi quay lại trường, các em sẽ có buổi đi học, buổi không, buổi đi học đúng giờ, buổi đi học muộn. Khó khăn này cần một khoảng thời gian để thích ứng. Đặc biệt là năm nhất, từ ngày thi đỗ chưa từng lên trường, chưa gặp thầy, cô; khi quay trở lại trường như ngày đầu đi nhập học, không tránh được bỡ ngỡ, lo lắng, tạo ra những khủng hoảng nhất định. Thay đổi về phương pháp giảng dạy, học tập cũng là một khó khăn khi các bạn quay lại trường.

“Khi trò chuyện với sinh viên trong buổi tư vấn ngày 7/1/2022, tôi nhận thấy các em gặp rất nhiều khó khăn về tâm lý như: Thời gian học online quá dài mà môn nào cũng có những yêu cầu phải hoàn thành, dẫn đến bài tập quá tải, không biết sắp xếp thời gian như nào cho hợp lý. Các em lo lắng, hoang mang về nội dung kiến thức, kiểm tra, thi hết học kỳ. Mâu thuẫn với bố mẹ, người thân trong gia đình do ở nhà lâu; kinh tế gia đình thay đổi do bố mẹ mất việc, hoặc chứng kiến cảnh chia lìa người thân cũng là điều một số bạn gặp phải... Từ đó, dẫn đến hiện tượng vui buồn thất thường, căng thẳng, trầm cảm, ngại giao tiếp, kết quả học tập giảm sút” - chuyên gia Trần Thị Loan cho hay.

Trước khó khăn này, theo chuyên gia Trần Thị Loan, giảng viên cần ghi nhận cảm xúc, khó khăn của người học để tìm cách trợ giúp, định hướng để sinh viên nhận ra rằng: Không nên trốn tránh cảm xúc tiêu cực, khó khăn của bản thân, mà coi nó như một cơ hội để trưởng thành. Giảng viên cũng cần khái quát hóa lại kiến thức giúp SV tổng hợp, bắt kịp kiến thức mới, xây dựng lộ trình phù hợp cho giai đoạn tiếp theo. Các phòng chức năng, câu lạc bộ tăng cường hoạt động trợ giúp về tâm lý và các thủ tục hành chính. Với sinh viên, cần hiểu đúng về những khủng hoảng, khó khăn đang gặp là cơ hội để trưởng thành; mọi thứ đến rồi lại đi nên hãy nghĩ đến điều tích cực. Cùng với đó, chuẩn bị cho mình một tâm thế sẵn sàng để chuẩn bị quay lại trường; học cách   lập kế hoạch, quản lý thời gian của bản thân.

Hàng ngày, tôi vẫn có giờ tư vấn online cho phụ huynh, học sinh, giáo viên và nhận thấy những khó khăn học tập; hay học sinh dễ suy nghĩ tiêu cực, thu mình, không sắp xếp tốt việc học, để việc chơi lấy đi thời gian của mình quá nhiều là những hiện tượng tâm lý giáo dục điển hình. Nhóm học sinh tăng động, giảm chú ý, hay đơn giản là sức tập trung ngắn cũng gặp nhiều khó khăn trong việc hoàn thành nhiệm vụ, bài vở hơn nhóm trẻ khác. - Bà Ngô Thị Bích Ngọc

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lá bài cuối cùng

GD&TĐ - Sau hơn một năm xung đột dữ dội, cả dải đất Gaza gần như đã bị biến thành đống đổ nát và trở thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ.