Học sinh đi học trực tiếp: Trường học sẵn sàng kịch bản ứng phó dịch

GD&TĐ - Giáo viên, học sinh quay trở lại trường đầy hào hứng tuy nhiên, trong bối cảnh dịch diễn biến phức tạp các nhà trường vẫn đặt việc chuẩn bị, ứng phó dịch bệnh, đảm bảo an toàn sức khỏe học sinh lên hàng đầu.

Trường Tiểu học Khánh Nhạc B (Yên Khánh, Ninh Bình) đo thân nhiệt và phân luồng học sinh từ sân trường. Ảnh: NTCC
Trường Tiểu học Khánh Nhạc B (Yên Khánh, Ninh Bình) đo thân nhiệt và phân luồng học sinh từ sân trường. Ảnh: NTCC

Phòng F từ cổng trường

Thầy Liễu Tiến Sơn, Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Hầu Thào (Sa Pa, Lào Cai), cho biết: Trước khi nghỉ Tết, trường đã in phiếu khai báo y tế chuyển cho từng học sinh. Mặt khác thông báo đến trưởng thôn, phụ huynh các bước chuẩn bị trở lại trường sau Tết (khai báo y tế, kiểm tra thân nhiệt, đeo khẩu trang…) để hiểu và sẵn sàng trước khi đưa trẻ tới trường.

Ngoài trang thiết bị y tế để đảm bảo 5K, trường còn chuẩn bị 2 phòng khép kín, đủ công trình phụ để phục vụ công tác cách ly tạm thời khi phát hiện học sinh diện F tại trường. Nhân viên y tế cũng được tập huấn kỹ công tác phòng dịch, sẵn sàng bắt tay vào việc.

“Sáng 7/2, hơn 95% học sinh tiểu học, 88% THCS tới trường. Dự kiến hơn 800 HS toàn trường sẽ đi học đầy đủ trong 1 - 2 ngày tới. Các biện pháp ứng phó dịch tại trường đã sẵn sàng và hướng tới hiệu quả, kịp thời với tình huống “khó” nhất…”, thầy Sơn bày tỏ.

Trường Tiểu học thị trấn Hương Sơn (Phú Bình, Thái Nguyên) với hơn 1.000 học sinh. Công tác chuẩn bị phòng, chống dịch khi học sinh trở lại trường được cô Vũ Thị Thanh, Hiệu trưởng, trao đổi: Từ 6/2 giáo viên toàn trường đã làm công tác vệ sinh và diễn tập phương án phòng, chống dịch.

Để loại trừ dịch từ cổng trường, giáo viên chủ nhiệm các lớp phối hợp chặt với phụ huynh nhằm theo dõi sức khỏe, đo thân nhiệt học sinh trước khi tới trường. Trường hợp có biểu hiện ốm, ho, sốt… trường khuyến khích cha mẹ đưa đi khám và cho ở nhà theo dõi tới khi hết bệnh.

Theo cô Thanh, hiện một bộ phận phụ huynh có tâm lý lo lắng học sinh tiểu học chưa được tiêm phòng dịch, khi học tập trung dễ lây nhiễm… Do đó, ổn định tâm lý phụ huynh qua tuyên truyền rất quan trọng. Một mặt trường đảm bảo cơ sở vật chất, thông báo các phương án ứng phó dịch trong trường, mặt khác thực hiện test nhanh toàn bộ cán bộ, giáo viên, nhân viên trước khi tới trường tránh lây nhiễm chéo sang học sinh… Từ đó phụ huynh mới yên tâm, chủ động đưa trẻ tới trường.

Tỷ lệ học sinh ngày đầu trở lại trường sau Tết đạt 70%. Theo cô Nguyễn Hương Nhài, Hiệu trưởng Trường MN Thanh Thủy (Thanh Hà, Hải Dương), số trẻ chưa trở lại trường đều được nhà trường nắm bắt lý do, sức khỏe.

“Giữ an toàn, sức khỏe cho giáo viên cũng chính là giữ gìn cho học sinh. Vì vậy, trường yêu cầu và đòi hỏi ý thức cao từ giáo viên…”, cô Nhài nói.

Để chuẩn bị đón học sinh trở lại lớp an toàn nhất, trước Tết trường yêu cầu giáo viên thông qua nhóm Zalo lớp, hoặc gọi điện trực tiếp cùng phụ huynh nắm bắt sức khỏe, test nhanh tại nhà trước khi tới trường.    Đặc biệt với giáo viên quán triệt nghỉ Tết không đi du lịch, tham gia lễ hội, tụ tập chỗ đông người để hạn chế tối đa việc lây nhiễm bệnh cho học sinh. Yêu cầu giáo viên tiêm phòng đủ mũi 2, mũi 3. Test nhanh Covid-19 toàn bộ cán bộ, giáo viên, nhân viên trước khi tiếp xúc với học sinh ngày tới trường.

Cô Đỗ Thị Mỹ, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ninh Mỹ (Hoa Lư, Ninh Bình), cũng khẳng định: Kiểm soát dịch phải bắt đầu từ ngoài trường học là biện pháp hiệu quả nhất. Vì vậy trước trở lại trường 1 ngày, giáo viên đã gửi tin nhắn cho phụ huynh yêu cầu theo dõi sức khỏe, khuyến khích test nhanh học sinh. Trường hợp có biểu hiện ốm, ho… không rõ nguyên nhân theo dõi tại nhà.

Cô Mỹ cũng cho rằng ứng phó dịch phải bắt đầu bằng cả hiểu biết của học sinh. Vì vậy, buổi học đầu tiên khi học sinh tới trường không phải là dạy kiến thức mới mà dành thời gian nhắc nhở, hướng dẫn học sinh kỹ năng phòng, chống dịch…

Ngày đầu tiên trở lại trường sau nghỉ Tết của học sinh Trường Tiểu học & THCS Hầu Thào (Sa Pa, Lào Cai). Ảnh: NTCC
Ngày đầu tiên trở lại trường sau nghỉ Tết của học sinh Trường Tiểu học & THCS Hầu Thào (Sa Pa, Lào Cai). Ảnh: NTCC

Phối hợp chặt chẽ nhà trường, gia đình

Đón học sinh trở lại học trực tiếp cần chuẩn bị kỹ càng các điều kiện. Tuy nhiên, để hiệu quả cao nhất phải có sự phối hợp chặt chẽ từ gia đình. Chia sẻ điều này, cô Vũ Thị Thanh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn Hương Sơn (Phú Bình, Thái Nguyên), nói:

Khi mỗi gia đình, phụ huynh có ý thức trong phòng, chống dịch sẽ chủ động quan tâm tới sức khỏe học sinh, thực hiện tốt việc khai báo, tránh tình trạng giấu hành trình di chuyển, sinh hoạt, triệu chứng bệnh, chủ quan đưa trẻ tới trường… Mặt khác, hiểu đúng, hiểu đủ về phòng, chống dịch, các điều kiện đảm bảo cho trẻ tới trường thì phụ huynh mới yên tâm cho học sinh đi học. Loại bỏ tâm lý tiếp tục học trực tuyến cho an toàn trong khi các điều kiện phòng dịch cơ bản đảm bảo…

Ông Lê Mạnh Trường, Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT Lào Cai, cho biết: Ngành chuẩn bị và ứng phó với dịch khi học sinh trở lại học trực tiếp trên cơ sở  khoa học, tùy theo tình hình thực tiễn và đặc biệt có sự kết hợp của phụ huynh.

Đối với các trường có học sinh ăn, ở bán trú buổi trưa tại trường, trước mắt, sở yêu cầu tạm dừng từ ngày 7 - 12/2 để theo dõi diễn biến, tình hình dịch bệnh Covid-19 tại đơn vị, địa phương.

Sau thời gian trên, căn cứ tình hình thực tiễn, các trường chủ động báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của phòng GD&ĐT, Trung tâm chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 tại địa phương để tiếp tục thực hiện (hoặc tạm dừng) tổ chức ăn, ở bán trú cho học sinh. Mặt khác, sở khuyến khích phụ huynh có điều kiện thực hiện đưa đón học sinh về nhà sinh hoạt buổi trưa, sau đó tiếp tục tham gia các hoạt động giáo dục buổi chiều tại trường theo quy định.

Đối với các trường PTDT nội trú, bán trú, trường có học sinh ở nội trú tại trường, cũng khuyến khích phối hợp, thống nhất với gia đình tổ chức xét nghiệm SARS-CoV-2 cho học sinh ngay trước khi đến trường (hoặc ngay khi đến trường) sau thời gian nghỉ Tết.

Cô Nguyễn Thị Phi Nga, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Phú (Sơn Tây, Hà Nội) cũng bày tỏ quan điểm phòng dịch cho học sinh phải có sự kết hợp của phụ huynh. “Trường yêu cầu giáo viên chủ nhiệm phối hợp chặt với phụ huynh chuẩn bị trang thiết bị y tế cá nhân như khẩu trang, khăn tay, cốc/bình uống nước riêng… trước khi tới trường. Có sự hợp tác của phụ huynh các điều kiện ứng phó dịch sẽ đảm bảo hơn. Hơn thế, phụ huynh sẽ giảm lo lắng, hiểu và yên tâm cho trẻ tới trường theo từng cấp độ dịch đã được quy định…”, cô Nga nói. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.