Bất ngờ Nghiêm Nhan...

GD&TĐ - Không ai biết ông vẽ từ khi nào và cũng chẳng ai biết ông dành thời gian nào để vẽ khi mà công việc phim ảnh dường như đã chiếm trọn quỹ thời gian.

Bức tranh “Bay”.
Bức tranh “Bay”.

Chỉ biết rằng 60 bức vẽ trong căn phòng tranh ấm áp ấy là một “bức tranh” sống động về cuộc đời ông.

“Ông tuổi hổ” vẽ hổ

NSƯT Nghiêm Nhan.
NSƯT Nghiêm Nhan. 

Bất ngờ, đó là chia sẻ của nhiều người có mặt tại triển lãm mang tên “Nhâm Dần” diễn ra mới đây ở Nhà triển lãm Hội Mỹ thuật Việt Nam (số 16 Ngô Quyền, Hà Nội) của đạo diễn, NSƯT Nghiêm Nhan. NSƯT Nghiêm Nhan hiện công tác tại Trung tâm Phim tài liệu và Phóng sự, Đài Truyền hình Việt Nam...

Hà Nội vừa bước sang những ngày đầu năm mới dương lịch, NSƯT Nghiêm Nhan đã mở triển lãm mang tên đúng năm tuổi của mình và cũng là tên năm 2022 theo âm lịch. Triển lãm đặc biệt ngay từ cái tên và theo lý giải của ông thì đó chính là cuộc đời ông từ khi sinh ra đến năm 60 tuổi.

Dĩ nhiên ai nấy đều rất ngạc nhiên, bất ngờ. Bởi không chỉ vì ông vốn dĩ đang làm công việc của một đạo diễn, là hội viên chuyên ngành thơ của Hội Nhà văn Hà Nội mà đây còn là thành quả chỉ trong một năm say sưa, miệt mài. Thật là sức sáng tạo dồi dào, phong phú và đáng nể phục.

Đến đây và được chiêm ngưỡng mới thấy 60 bức họa về hổ được thể hiện bằng chất liệu acrylic trên toan và trên bìa giấy với nhiều cung bậc cảm xúc ẩn chứa bên trong người đạo diễn tài hoa này: Lúc hiền từ, khi năng động; lúc suy tư, khi mơ màng; lúc bay nhảy, khi rong chơi... để lại cho người xem những cảm xúc thân thương, chân thật như chính con người của ông vậy!

Là khách đến với triển lãm, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương cho biết, ông đã đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. “Nghiêm Nhan được nhiều người biết trên cương vị NSƯT, đạo diễn phim tài liệu, phóng sự truyền hình (VTV). Anh ấy có những thành công ở mảng chính luận, nghệ thuật, văn học...

Các phim tài liệu về “Nguyễn Du và Truyện Kiều”, “Chuyện tình bên dòng Vôn-ga”, “Thu Thủy - những giấc mơ gốm”, “Đời sống văn học nghệ thuật hôm nay”... thấm đẫm tính nghệ thuật và nhân văn. Nhưng một Nghiêm Nhan cầm cọ thì nhiều người chưa biết. Hổ của “Ông tuổi hổ” hiền nhưng nhiều xúc cảm, suy tư, khắc khoải.

Nét vẽ phóng khoáng mà giàu ý tưởng, hiện đại mà sâu lắng, ngẫu hứng mà chắc chắn. Nghiêm Nhan gây bất ngờ lớn với tôi và có thể với nhiều người...”, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ nhấn mạnh.

Dưới con mắt của người làm nghề, họa sĩ, NSƯT Chu Lượng, nguyên Phó Giám đốc Phụ trách Nhà hát Múa rối Thăng Long cho rằng: “Những nét vẽ của Nghiêm Nhan phóng khoáng và hồn nhiên.

Những người vẽ chuyên nghiệp đôi lúc cũng thèm những nét vẽ tự nhiên, thanh khiết, trở lại với bản ngã của chính mình như vậy. Tôi nghĩ mỗi nghệ sĩ phải đi tìm những nét riêng cá tính của mình và Nghiêm Nhan đang đi đúng con đường đó, khám phá nét riêng ấy để tạo nên “thương hiệu” cho mình.

Đây là triển lãm đầu tiên và chắc chắn Nghiêm Nhan sẽ không dừng lại. Sức sáng tạo trong hội họa của ông ấy mới bắt đầu “thức dậy” và hứa hẹn sẽ càng bay bổng hơn nữa”.

Cuộc rong chơi tùy hứng

Bất ngờ Nghiêm Nhan... ảnh 2
Bức tranh “Ký ức tuổi thơ”.
Bức tranh “Ký ức tuổi thơ”.
Bức tranh “Vũ điệu”.
Bức tranh “Vũ điệu”.
Bất ngờ Nghiêm Nhan... ảnh 5

Người bạn thân của ông, họa sĩ Nguyễn Quốc Thắng cho rằng: “Hội họa của Nghiêm Nhan là một cuộc rong chơi tùy hứng theo cảm xúc trào dâng”. Thật vậy, ông vốn theo học Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Trường Đại học Khoa học, Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) rồi học Khoa Đạo diễn điện ảnh, Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội, nhưng như ông tâm sự, đạo diễn là một nghề tổng hợp buộc những ai theo được nghề phải có phông văn hóa rộng, phải hiểu biết về các lĩnh vực văn học, nghệ thuật, trong đó có hội họa.

Thật thú vị khi ông chia sẻ bản thân đam mê hội họa từ những cuốn sách mà hồi nhỏ thường theo mẹ ra chỗ làm ở hiệu sách Tràng Tiền. Ông đã bắt đầu vẽ theo kiểu ghi chép từ rất sớm.

Sau này khi trở thành đạo diễn ông đã làm nhiều bộ phim về các họa sĩ nổi tiếng của Việt Nam và có những những người bạn rất thân thiết là họa sĩ nên “máu” hội họa cứ âm ỉ cháy trong ông.

Tuy nhiên phải đến đầu năm 2021 khi ông cảm thấy đã đến lúc phải đưa những ý tưởng lên trên bức vẽ, biến ý tưởng thành hiện thực thì công việc này mới bắt đầu được triển khai. Và đến chính ông cũng không thể hình dung được nguồn năng lượng ở đâu để ông có thể thực hiện được khối lượng công việc lớn như vậy.

Có lẽ là người chưa từng trải qua một lớp đào tạo hội họa chuyên nghiệp nào nên bản thân ông thích lối vẽ một hơi, cảm xúc, lối đi nét “nhất khí quán hạ”. Ông muốn đưa vào tranh những hiểu biết về cá tính tuổi Nhâm Dần. Hổ như con người - với cảm xúc mãnh liệt, nồng nàn, lãng mạn, ưa hoạt động, thích cái đẹp và độc đáo, phi thường.

Đạo diễn Nghiêm Nhan chia sẻ: “Tôi thích vẽ hổ bay. Đó là không gian hổ. Thế giới tưởng tượng của tôi. Mỗi bức tranh là một câu chuyện. Càng tìm hiểu thì càng cho ra nhiều ý tưởng tranh và phần còn lại là hiện thực hóa ý tưởng đó bằng ngôn ngữ hội họa. Khi cầm cọ vẽ, tôi thêm nhiều lần phát hiện ra mình. Phải chăng những người tuổi Dần cứ hay ham dấn thân, để đi tìm chân trời mới.

Có lẽ, tôi đã tìm ra mình ở góc hội họa. Điều mà rất nhiều năm trước tôi từng mơ ước mỗi khi ngồi vẽ, thì giờ đây tôi đã hiện thực được ước mơ đó. Triển lãm “Nhâm Dần” chính là lời chào 2022 của tôi và cũng là sự khởi đầu cho những triển lãm tiếp theo của mình”.

Một gia đình nghệ sĩ đích thực

Bất ngờ Nghiêm Nhan... ảnh 6
Bức tranh “Đoàn hổ lên trời”.
Bức tranh “Đoàn hổ lên trời”.

NSƯT Nghiêm Nhan được đồng nghiệp đánh giá là người có khả năng nghệ thuật xuất sắc ở loại hình sân khấu truyền hình và phim tài liệu. Ông đã có nhiều tìm tòi, sáng tạo, cách tân trong hình thức nghệ thuật ở hai loại hình này.

Tính đến nay ông sở hữu cho mình bộ sưu tập những giải thưởng lớn, như: Huy chương Vàng tại Liên hoan Phim Phóng sự và Tài liệu truyền hình toàn quốc năm 1994 với bộ phim tài liệu “Âm thanh không vọng tới”;

Huy chương Vàng tại Liên hoan Truyền hình toàn quốc năm 2003 với sân khấu truyền hình “Chuyện một người lính; Huy chương Bạc tại Liên hoan Truyền hình toàn quốc năm 2003 với sân khấu truyền hình “Gái ngoan dạy chồng”;

Huy chương Bạc tại Liên hoan Truyền hình toàn quốc năm 2005 với phim tài liệu “Danh họa Nguyễn Sáng”; Huy chương Bạc tại Liên hoan Truyền hình toàn quốc năm 2009 với sân khấu truyền hình “Nguyễn Công Trứ”;

Huy chương Bạc tại Liên hoan Truyền hình toàn quốc năm 2009 với phim tài liệu “Thức tỉnh thế giới tâm hồn”; giải Khuyến khích Giải Báo chí Quốc gia năm 2020 với bộ phim tài liệu “Trung đội báo chí đặc biệt”…

Gia đình ông là một gia đình nghệ sĩ đích thực. Vợ của ông là nhà văn, nhà báo Thu Hằng (từng công tác tại Báo Nhi đồng, hiện là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, chuyên ngành văn xuôi); con trai lớn là đạo diễn Nguyễn Lê Duy, tốt nghiệp đạo diễn điện ảnh và truyền hình ở Hollywood (Mỹ), hiện công tác tại Đài Truyền hình Việt Nam; con gái út là Nguyễn Đan Thi đang học cao học tại Pháp, dù mới sinh năm 1999 nhưng cũng đã cho ra mắt 3 tập truyện ngắn: “Nụ cười của thiên thần” (2011), “Nào cùng hát lên giai điệu gió” (2013) và mới đây là cuốn “Nghĩa trang của các vì sao”.

Đặc biệt, người cha của ông cũng là một đạo diễn có tiếng, từng làm việc tại Đài Truyền hình Việt Nam, như vậy là gia đình ông đã có 3 thế hệ làm đạo diễn ở đài quốc gia. Với đạo diễn Nghiêm Nhan thì việc các thành viên trong gia đình theo nghệ thuật là một niềm tự hào, bởi khi ấy các thành viên sẽ có những thấu hiểu và tôn trọng niềm đam mê của nhau.

“Có thể nói nghệ thuật chính là “sợi dây” kết nối giữa các thành viên trong gia đình tôi. Con trai thì theo nghề bố, con gái thì theo nghề mẹ. Chúng tôi tạo nên một khối gắn kết bền chặt, là động lực để mỗi người “cháy” hết mình với những đam mê”, ông bộc bạch.

Đến hết năm 2022, đạo diễn Nghiêm Nhan sẽ nghỉ hưu và khi ấy ông bảo bên cạnh việc làm phim ông vẫn sẽ miệt mài vẽ, bởi vẽ với ông là một sự thư giãn, là một thú vui để ông lấy lại cảm xúc tiếp tục nuôi dưỡng những sáng tạo trong nghề đạo diễn. Cứ như vậy, cạn nguồn thơ và kịch bản trên trang giấy thì ông lại lao vào những bức vẽ.

Dường như ông sinh là để làm nghệ thuật, là được cống hiến cho nghệ thuật bằng tinh thần lao động nghiêm túc, chỉn chu, bằng trái tim yêu cái đẹp nồng nàn, đắm say. Triển lãm “Nhâm Dần” sẽ là “ngòi nổ” cho những triển lãm tiếp theo của ông, hứa hẹn sẽ càng mạnh dạn, phóng khoáng và sâu sắc hơn.

Tất cả với ông vẫn đang ở phía trước, vẫn chờ đợi ông đến và chinh phục. Có lẽ sự lãng mạn, hào hoa của người con đất Hà thành đã đưa đến cho ông những cảm xúc bất tận như vậy.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Xóa định kiến

GD&TĐ - Xóa bỏ định kiến về giới tính trong lựa chọn ngành, trường học, nghề nghiệp là vấn đề đặt ra nhiều năm nay và đã có những chuyển biến tích cực.