Thông tin này được tờ báo Chosun đăng tải, theo đó kế hoạch cập nhật liên quan đến việc thay thế tiêm kích F-35B bằng máy bay không người lái, phản ánh những ưu tiên chiến lược đang thay đổi cũng như mong muốn có được quyền tự chủ lớn hơn trong công nghệ quốc phòng.
Thay vì mua máy bay chiến đấu F-35B có khả năng cất và hạ cánh thẳng đứng do Mỹ sản xuất, học thuyết mới của Hàn Quốc liên quan đến việc sử dụng UAV nội địa.
Giải pháp này giúp giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu và góp phần phát triển công nghiệp quốc phòng. Ngoài ra điều này còn liên quan tới những cân nhắc về tài chính vì chi phí mua và bảo dưỡng F-35B rất lớn.
Việc chuyển sang sử dụng UAV dự báo sẽ trở thành cách tiết kiệm chi phí hơn để thực hiện nhiệm vụ trinh sát, giám sát và thậm chí là tấn công.

Cần lưu ý rằng dự án ban đầu, được khởi xướng dưới thời tổng thống Moon Jae-in, mang tên "Tàu đổ bộ đa năng cỡ lớn II". Hàn Quốc dự kiến đến năm 2033 sẽ đóng một tàu sân bay hạng nhẹ có lượng giãn nước 30.000 tấn, dài 260 mét và rộng 40 mét.
Ban đầu, thiết kế nhằm triển khai 20 tiêm kích cất cánh thẳng đứng F-35B trên tàu sân bay, nhưng theo khái niệm mới, chúng sẽ được thay thế bằng máy bay không người lái chiến đấu, trinh sát và tấn công, bao gồm cả UAV cảm tử. Một phần phi đội bao gồm trực thăng sẽ vẫn được giữ lại.
Hải quân Hàn Quốc giải thích sự thay đổi trong kế hoạch là do sự phát triển của công nghệ không người lái và các yêu cầu mới đối với hoạt động hàng hải.

Nền tảng mới này sẽ trở thành tàu chỉ huy lực lượng di động có khả năng thực hiện các nhiệm vụ tấn công, đổ bộ, an ninh và cứu hộ.
Dự kiến chi phí sẽ giảm đáng kể: thay vì 7 nghìn tỷ won ( khoảng 5,1 tỷ đô la) cho kế hoạch trước đó, việc sử dụng UAV sẽ tiết kiệm được hàng nghìn tỷ won.
Tháng trước, Seoul đã đặt hàng Tập đoàn Hyundai thiết kế một mẫu tàu mới. Việc phê duyệt thay đổi dự kiến sẽ diễn ra sau cuộc họp vào cuối tháng 5. Nếu quyết định được đưa ra vào cuối năm, việc khởi công đóng mới có thể bắt đầu vào nửa cuối năm 2030.