Không để “cháy” giáo án
Cô Lê Thị Huyền - GV Lịch sử Trường THPT Sơn Tây (Hà Nội) chia sẻ: “Tôi đã hoàn thành buổi ghi hình đầu tiên của môn Lịch sử lớp 12 - tiết 3, bài 22: Nhân dân hai miền trực tiếp chiến đấu chống đế quốc Mỹ xâm lược; Nhân dân miền Bắc vừa chiến đấu vừa sản xuất (1965 - 1973). Sau buổi dạy đầu tiên trên truyền hình, cô Huyền nhận được nhiều phản hồi tích cực từ bạn bè, đồng nghiệp và học sinh, phụ huynh. Cũng có người góp ý cho tôi, nên nói chậm hơn một chút để học sinh dễ tiếp cận với bài học hơn.
Sau buổi đầu tiên cô Huyền nhận thấy, việc dạy trên truyền hình cũng có nhiều trở ngại hơn so với dạy ở lớp học truyền thống. Dạy trên lớp, cô trò có thể tương tác với nhau và cùng phối hợp thực hiện các nhiệm vụ dạy - học. Nhưng dạy trên truyền hình, GV phải thực hiện từ A - Z. Cũng từ lý do này, nên việc soạn giáo án cũng phải cẩn thận và chỉn chu hơn. Giáo án ngắn gọn, súc tích và bảo đảm đủ kiến thức trong một bài học. Mục đích là để HS dễ hiểu và dễ làm. Quan trọng nhất là không được “cháy” giáo án và cũng không được “vượt khung” – cô Huyền bật mí; đồng thời cho biết đang chuẩn bị buổi ghi hình tiếp theo và sẽ khắc phục một số nhược điểm mà mọi người đã góp ý, xây dựng giáo án thật tốt để bài học hấp dẫn, thu hút HS hơn.
Là một trong những GV được giao dạy môn Tiếng Việt lớp 4, cô Nguyễn Lệ Thi - GV Trường Tiểu học Kim Liên (Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ: Không có tương tác với học trò nên việc việc dạy học trên truyền hình sẽ là truyền thụ kiến thức một chiều. Đây cũng là đặc trưng của hình thức dạy học trực tuyến. Vì thế, GV luôn phải trả lời được câu hỏi: Làm thế nào để chắt lọc nội dung trong bài giảng nhưng vẫn phải bảo đảm đầy đủ, không được thiếu kiến thức và đặc biệt là phải phù hợp với HS của toàn thành phố Hà Nội. Ngoài ra, việc soạn giáo án cũng phải thay đổi, hình thức thể hiện cũng khác để lôi cuốn HS vào bài học.
“Việc thiết kế giáo án phải vừa sinh động, rõ ràng, phù hợp và lôi cuốn HS. Có thể tìm thêm những đoạn video có trong thực tế để thu hút học sinh, hạn chế giáo viên độc thoại từ đầu đến cuối” - cô Lệ Thi chia sẻ, đồng thời cho biết: Sau buổi ghi hình đầu tiên cô đã rút ra được một số kinh nghiệm khi dạy học trực tuyến.
Thứ nhất, soạn giáo án theo hướng tinh giản, sinh động. Thứ hai, cách thể hiện khi giảng bài: Tránh “Thao thao bất tuyệt” mà nên có phong thái, biểu cảm thân thiện. Thứ ba, có thể tạo ra các tình huống tương tác với học sinh bằng cách đưa ra các câu hỏi rồi trả lời. Hoặc dành ít phút để khởi động trước khi vào nội dung chính của bài học. Bốn là rèn luyện kỹ năng đứng trước máy quay bằng cách: Đứng trước gương để tập giảng, dạy thử cho người nhà, đồng nghiệp nhận xét. Năm là, tuyệt đối không được để “cháy” giáo án khi giảng dạy.
Trau chuốt kỹ năng
Theo thầy Ngân Kỳ - GV Toán, Trường phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam, khi mới bắt tay thực hiện dạy học trực tuyến, nhiều thầy, cô sẽ có tâm lý ngại ngùng, lo lắng vì dạy học trực tuyến khác nhiều so với dạy học truyền thống. Khi dạy học trực tuyến nghĩa là, đối tượng tương tác đã được thay đổi nên bắt buộc GV phải thay đổi trạng thái. Vì thế, để dạy học trực tuyến, GV cần có kịch bản tốt hơn, trau chuốt hơn.
Từ kinh nghiệm thực tế của mình, cô Phạm Thị Thùy - GV Toán, Trường THCS Tây Sơn (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho rằng, việc soạn bài để dạy học trực tuyến đòi hỏi công phu hơn vì sự tương tác giữa GV với HS rất hạn chế. Do vậy, GV nên chọn nội dung phù hợp để thiết kế bài giảng. Cô Thùy thường dạy theo chuyên đề hoặc chủ đề chứ không dạy dàn trải kiến thức cho học sinh.
Theo Thạc sĩ Thiều Cẩm Sơn - Giảng viên Khoa Luật, Trường Đại học Mở Hà Nội, khi dạy học trực tuyến hoặc dạy học trên truyền hình, GV cần chú ý đến phương thức giao tiếp gián tiếp với người học. Có rất nhiều hình thức, có thể kết hợp hình ảnh, video có liên quan đến nội dung bài học trong bài giảng của mình để tăng hiệu quả cho bài học. “Tất nhiên cũng không nên quá ôm đồm khi chèn hình ảnh, clip vào bài giảng. Chỉ nên chọn những gì “đắt nhất” vào bài giảng của mình. Ngoài ra, giáo viên có thể hướng dẫn các nguồn tài liệu tham khảo uy tín người học có thể nghiên cứu và học tập” - Thạc sĩ Thiều Cẩm Sơn khuyến nghị.
TS Nguyễn Thành Nam - chuyên gia giáo dục của Trung tâm Hocmai chia sẻ, khi mới bắt tay vào dạy học trực tuyến, giáo viên có thể tổ chức một lớp học chỉ có mình với một vài người và số ít học sinh để thử nghiệm. Khi nào tự tin về phong thái và nội dung bài giảng thì sẽ mở rộng đối tượng.
“Với nhiều người chưa quen giảng trước ống kính quay, có thể sẽ lúng túng hoặc thiếu tự nhiên. Vì vậy, nếu được trong những giờ ghi hình của mình, nên có những người đồng nghiệp ngồi trước mắt và hãy coi đó là người học để có sự tương tác về cử chỉ, ánh mắt hoặc những động tác về hình thể… GV cần trau dồi kỹ năng diễn đạt trước ống kính máy quay, kỹ năng đọc thu âm. Đây là các kỹ năng cần thiết và là yêu cầu cơ bản đối với giáo viên dạy học trực tuyến”. - Thạc sĩ Thiều Cẩm Sơn