Ồ ạt tuyển dụng, đau đầu sử dụng
Nhiều năm qua, tại Nghệ An vẫn đang tồn tại việc dôi dư GV và chưa có dấu hiệu giảm. Năm 2018, qua tổng hợp, toàn tỉnh vẫn còn 1.089 GV thuộc diện dôi dư bậc THCS ở 18/21 huyện, thành, thị và chủ yếu là ở hai môn Ngữ văn và Toán. Dẫn đầu là Diễn Châu thừa 219 GV (chiếm tỷ lệ 21,6% so với tổng chỉ tiêu của cả huyện). Tiếp đó là Yên Thành với 165 GV (15,83%), Thanh Chương với 132 GV (14,23%), Đô Lương với 89 GV, Anh Sơn với 69 GV...
Đầu năm học 2018 - 2019, nhiều huyện trên địa bàn tỉnh Nghệ An thực hiện luân chuyển GV từ bậc THCS xuống tiểu học, như một giải pháp tình thế giải quyết thừa thiếu GV cục bộ. Trong đó, huyện Diễn Châu biệt phái 109 GV THCS chuyên môn Ngữ văn và Toán xuống bậc tiểu học.
Ông Mai Ngọc Long - Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Diễn Châu - cho biết: Hơn 10 năm qua, ngành GD huyện không được nhận thêm bất cứ biên chế nào. Ngay cả việc hợp đồng GV cũng không được phép. Vì vậy, biệt phái là giải pháp tối ưu nhất trong thời điểm hiện tại. Sau thời gian biệt phái 2 năm, các GV được trở về dạy THCS, nếu có nguyện vọng tiếp tục dạy tiểu học thì làm đơn xin ở lại.
Ở huyện Nam Đàn, năm học 2018 - 2019, việc luân chuyển GV được giao quyền “tự chủ” cho các nhà trường. Kèm theo đó là hướng dẫn lập danh sách thuyên chuyển của trưởng phòng GD&ĐT huyện. Nhưng nhiều hiệu trưởng tỏ ra bị động, không biết căn cứ vào tiêu chí nào để sàng lọc GV. Thầy Lê Thăng Long - Hiệu trưởng Trường THCS Hưng Thái Nghĩa cho biết khi nhận trách nhiệm tự chủ này vô cùng khó khăn, phải “nâng lên, đặt xuống” từng trường hợp.
Trong nhiều hội nghị, họp tổng kết ngành GD của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Sở GD&ĐT Nghệ An, nguyên nhân của việc thừa thiếu GV cục bộ được nhận định do: Số lượng HS giảm, dẫn đến quy mô trường lớp thu hẹp; hệ lụy từ việc tuyển dụng ồ ạt, vượt quy định của chính quyền địa phương và các nhà quản lý, đặc biệt là tuyển hợp đồng; do việc dự đoán quy mô phát triển trường lớp thiếu chính xác dẫn đến việc xây dựng kế hoạch cho các trường, các địa phương phát triển lớn so với thực tế.
|
Được tuyển cũng vất vả
Năm học 2018 - 2019, duy nhất TP Vinh được giao chỉ tiêu tuyển dụng GV tiểu học và THCS. Bà Hoàng Phương Thảo - Trưởng Phòng GD&ĐT TP Vinh cho biết: Toàn TP đang thiếu 76 GV THCS và gần 140 GV tiểu học. Tháng 1/2019, TP Vinh được duyệt cho 36 chỉ tiêu gồm 15 GV tiểu học, 25 GV THCS và 1 tổng phụ trách Đội.
Tuy nhiên, theo Trưởng Phòng GD&ĐT TP Vinh, quá trình tuyển dụng còn chậm, mất nhiều thời gian, không kịp thời trong khi trường đang chờ GV từng ngày, khiến cơ sở rất nóng ruột. “Đến tháng 1/2019, TP mới được giao biên chế cho năm học 2018 - 2019, trong khi chúng tôi đã thực hiện năm học được một nửa. Mà quá trình tuyển dụng cũng rất vất vả và rắc rối: Sau khi lập kế hoạch xin tuyển GV dựa trên cơ sở số HS, số lớp gửi sang Sở Nội vụ, được phê duyệt rồi mới chuyển lại về cho TP căng biển tuyển dụng. Thời gian đăng tin tuyển dụng phải dài 1 tháng theo quy định. Sau đó mới tiến hành thi tuyển hoặc sát hạch và xin ý kiến Sở Nội vụ một lần nữa. Rồi chờ phê duyệt của UBND tỉnh gửi về UBND thành phố mới ra quyết định” - bà Phương Thảo nói.
Cũng theo bà Phương Thảo: “Hiện TP cũng đề xuất với tỉnh Nghệ An, khi giao tổng định biên cho thành phố, thì giao sớm đừng để dạy một học kỳ rồi mới giao, rất bất cập. Đồng thời, để thành phố chủ động có kế hoạch để làm, đảm bảo không nhận quá số định biên, tuyển dụng theo đúng các quy định, nghị định của Chính phủ. Nếu làm sai phải chịu trách nhiệm trước tỉnh. Chứ “báo cáo đi báo cáo lại” chiếm thời gian rất dài, phân cấp mà thành ra không phân cấp, cứ kèm nhau như thế rất khó”.
Tăng quyền chủ động cho đơn vị giáo dục
Nói về quy mô mạng lưới trường lớp của TP Vinh, lãnh đạo Phòng GD&ĐT cho rằng: TP đang làm tốt công tác dự báo, xây dựng kế hoạch quy mô trường lớp qua từng năm và từng giai đoạn. Đơn cử như năm học 2019 - 2020 tới đây, TP Vinh sẽ tăng gần 2.000 HS tiểu học và 1.500 HS THCS, hiện Phòng GD&ĐT đã lên kế hoạch dự trù về số lớp, số GV. Tuy nhiên, địa bàn dân cư đông, đặc biệt nhiều TP lao động trong độ tuổi sinh đẻ đổ về làm việc sinh sống, nên dù chuẩn bị cũng có những lúc “trở tay không kịp”.
Bà Hoàng Phương Thảo bày tỏ mong muốn, trong Luật GD (sửa đổi) có những quy định rõ, tạo điều kiện cho các đơn vị sử dụng lao động được quyền tham gia vào công tác tuyển dụng GV. Bà đề xuất: “Chúng tôi nhất trí UBND huyện là người sử dụng viên chức, thì UBND đứng ra tuyển dụng là hợp lý. Nhưng cần trao quyền chủ động cho Phòng GD&ĐT hơn nữa. Quy trình và cách thức phân cấp quản lý gọn nhẹ, có cơ chế hạn chế tiêu cực, đừng có đẻ ra những quy trình dài dòng, sai sót”.
Liên quan đến phân cấp quản lý và tuyển dụng GV hiện nay, một cựu cán bộ quản lý GD ở Nghệ An cho rằng: Việc dôi dư GV có nhiều nguyên nhân cả về khách quan, chủ quan nhưng không có lỗi từ phía nhà trường. Tuy nhiên, các nhà trường lại là đơn vị chính gánh chịu hậu quả, trách nhiệm phải bố trí GV dạy học như: Dạy chéo môn, người dạy ít tiết, người dạy nhiều tiết tạo ra sự bất bình đẳng trong lao động nhà trường. Ngoài ra, khi luân chuyển GV như một trong những giải pháp tình thế để giải quyết thực trạng này, thì cấp trên lại “yêu cầu nhà trường lựa chọn để giữ GV nào lại, đưa GV nào đi, như thế là không được”.