Cần thiết điều chỉnh việc phân cấp quản lý Nhà nước về giáo dục

GD&TĐ - Trước sự việc UBND huyện Krông Pắk (Đắk Lắk) dự kiến chấm dứt hợp đồng lao động ngoài chỉ tiêu biên chế đối với hơn 500 giáo viên đang gây xôn xao dư luận thời gian qua, mới đây Bộ GD&ĐT đã có Văn bản số 1215 /BGDĐT-NGCBQLGD gửi Văn phòng Chính phủ và Văn bản số 1216/BGDĐT-NGCBQLGD gửi Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, báo cáo sự việc cũng như đề xuất những hướng giải quyết mang tính bền vững.

Các giáo viên được huyện Krông Pắk (Đắk Lắk) ký hợp đồng vẫn lo lắng về tương lai công việc của mình
Các giáo viên được huyện Krông Pắk (Đắk Lắk) ký hợp đồng vẫn lo lắng về tương lai công việc của mình

Kịp thời bảo vệ quyền lợi nhà giáo

Văn bản số 1215 /BGDĐT-NGCBQLGD của Bộ GD&ĐT gửi Văn phòng Chính phủ cho biết, ngay sau khi tiếp nhận thông tin qua báo chí, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các đơn vị chức năng của Bộ trực tiếp trao đổi với Sở GD&ĐT tỉnh Đắk Lắk để nắm tình hình; đồng thời chỉ đạo Sở có ý kiến với các cơ quan hữu quan trên địa bàn khẩn trương vào cuộc, làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan, có phương án bảo vệ quyền lợi chính đáng cho giáo viên, đặc biệt quan tâm tới những trường hợp khó khăn, gia đình chính sách (nếu có).

Ngày 10/3/2018, Công đoàn Giáo dục Việt Nam có Công văn số 57/CĐN gửi Liên đoàn Lao động, sở GD&ĐT và Công đoàn Giáo dục tỉnh Đắk Lắk, đề nghị các đơn vị liên quan sớm tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương kịp thời có giải pháp hợp lý, đảm bảo quyền lợi và chế độ, chính sách cho các thầy cô giáo.

Ngày 15/3/2018, UBND tỉnh Đắk Lắk đã có báo cáo về việc này. Theo đó, UBND tỉnh Đắk Lắk đã chỉ đạo UBND huyện Krông Pắk, các đơn vị liên quan phối hợp giải quyết vụ việc với tinh thần đảm bảo quyền lợi cho người lao động theo quy định của pháp luật và ổn định an ninh trật tự trên địa bàn huyện Krông Pắk nói riêng, tỉnh Đắk Lắk nói chung.

Trước mắt, UBND tỉnh Đắk Lắk đã yêu cầu UBND huyện Krông Pắc tạm dừng việc thực hiện chấm dứt hợp đồng lao động giáo viên ngoài chỉ tiêu tuyển dụng năm 2017. Đồng thời, yêu cầu huyện Krông Pắk rà soát, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người lao động; báo cáo, đề xuất cụ thể với UBND tỉnh giải quyết căn cơ các vấn đề, trong đó, nghiên cứu việc xét tuyển bổ sung đối với các giáo viên đã có hợp đồng lao động ngoài chỉ tiêu biên chế nhưng không còn vị trí việc làm để tuyển dụng.

Bộ GD&ĐT cũng cho biết, Bộ đang tiếp tục nắm bắt diễn biến tình hình vụ việc, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để chỉ đạo, xử lý theo thẩm quyền được giao.

Bất cập trong quản lý Nhà nước về giáo dục ở cơ sở

Theo Bộ GD&ĐT, để xảy ra vụ việc nêu trên tại huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk là do một số nguyên nhân chính như sau:

Công tác xây dựng quy hoạch, dự báo nhu cầu về đội ngũ giáo viên của địa phương chưa kịp thời, không hiệu quả dẫn đến bị động trong bố trí số lượng giáo viên, đặc biệt đối với bậc học mầm non, tiểu học và THCS;

Huyện Krông Pắk đã thực hiện việc tuyển dụng giáo viên không đúng các quy định hiện hành (hợp đồng ngoài chỉ tiêu biên chế được giao). Trong khi đó, các cơ quan có thẩm quyền quản lý trực tiếp và liên quan như ngành Nội vụ, ngành Giáo dục và UBND tỉnh chưa kiểm tra, giám sát thường xuyên đối với công tác tuyển dụng, sử dụng đội ngũ giáo viên của huyện dẫn đến sai phạm diễn ra trong một thời gian dài, gây hậu quả nghiêm trọng;

Việc phân công đầu mối phụ trách công tác tuyển dụng, sử dụng và quản lý đội ngũ giáo viên của địa phương còn nhiều bất cập. Cũng như hầu hết các tỉnh/thành phố khác, việc ngành Giáo dục (đặc biệt là Phòng GD&ĐT) không được giao nhiệm vụ chủ trì, đầu mối tham mưu giúp UBND huyện tuyển dụng giáo viên nên không chủ động được trong việc điều tiết số lượng, cơ cấu đội ngũ theo môn học, cấp học.

Đã đến lúc sửa đổi Nghị định số 115/2010/NĐ-CP

Từ vụ việc xảy ra tại huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk cũng như tại một số địa phương khác trong thời gian qua, Bộ GD&ĐT cho biết sẽ tăng cường việc thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác tuyển dụng, sử dụng và quản lý giáo viên của các địa phương.

Đồng thời, Bộ GD&ĐT cũng đề nghị Văn phòng Chính phủ tổng hợp ý kiến của các bộ, ngành liên quan, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét một số vấn đề trọng tâm, trong đó tập trung chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác tuyển dụng, sử dụng và quản lý đội ngũ giáo viên của các địa phương; xử lý nghiêm các địa phương tuyển dụng, sử dụng giáo viên không đúng quy định hiện hành của pháp luật.

Bộ GD&ĐT cũng đề nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định số 115/2010/NĐ-CP ngày 24/12/2010 của Chính phủ quy định trách nhiệm quản lý Nhà nước về giáo dục, trong đó điều chỉnh việc phân cấp quản lý Nhà nước về giáo dục: Giao Sở GD&ĐT/Phòng GD&ĐT là cơ quan chuyên môn chủ trì, đầu mối tham mưu giúp UBND tỉnh/huyện trong công tác tuyển dụng, sử dụng và quản lý đội ngũ giáo viên các cấp để đảm bảo việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý đội ngũ giáo viên hợp lý theo đúng quy định và yêu cầu thực hiện nhiệm vụ giáo dục tại các địa phương.

Trong Văn bản số 1216/BGDĐT-NGCBQLGD gửi Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Bộ GD&ĐT cũng đề nghị Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tăng cường giám sát công tác tuyển dụng, sử dụng đội ngũ viên chức trên toàn quốc, đồng thời có ý kiến với Bộ Nội vụ (cơ quan được Chính phủ giao đầu mối quản lý, chỉ đạo công tác tuyển dụng, sử dụng đội ngũ viên chức) phối hợp, chỉ đạo UBND tỉnh Đắk Lắk xử lí dứt điểm vụ việc này cũng như có sự kiểm tra và xử lí kịp thời đối với các địa phương, đảm bảo cho đội ngũ nhà giáo yên tâm công tác.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

PGS.TS Đỗ Duy Cường thăm khám cho bệnh nhân mắc sởi. Ảnh: BVCC

Gia tăng bệnh sởi ở người lớn

GD&TĐ - Gần đây, số ca mắc sởi có xu hướng gia tăng trên phạm vi nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt ở những nơi đông dân cư.