Bất cập trong quản lý Nhà nước về giáo dục

GD&TĐ - Quản lý Nhà nước (QLNN) về GD và phân định thẩm quyền, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan Nhà nước có vai trò rất quan trọng, nhưng Luật GD 2005 chưa quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của các Bộ QLNN về GD; Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND cấp tỉnh trong việc phối hợp QLNN về GD. Quy định QLNN về GD của các cơ quan này được đề cập trong các Nghị định của Chính phủ mà chưa quy định cụ thể trong Luật.

Ngành GD cần được chủ động về con người và tài chính
Ngành GD cần được chủ động về con người và tài chính

Chỉ tuân theo ngành dọc?

TS Nguyễn Vinh Hiển - nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT - chỉ ra những bất cập trong hoạt động QLNN về GD. Trong đó có việc cơ quan ra quyết định lại không phải chịu trách nhiệm cuối cùng về quyết định của mình như các quyết định về tài chính (do ngành Tài chính tham mưu hoặc quyết định), về tổ chức và nhân sự (do ngành Nội vụ tham mưu hoặc quyết định) nhưng hậu quả thì ngành GD phải gánh.

Một bất cập khác: Cơ quan quản lí địa phương ra quyết định về chuyên môn, kĩ thuật không đúng hoặc trái với chỉ đạo của chuyên ngành; cơ quan quản lí chuyên ngành lại làm những việc thuộc thẩm quyền quản lí theo lãnh thổ của cơ quan QLNN của địa phương, vi phạm nguyên tắc về phân công và thống nhất QLNN theo ngành và theo lãnh thổ.

Không xác định được hoặc qui sai trách nhiệm cho cơ quan QLNN (nhất là sự nhầm lẫn trách nhiệm giữa cơ quan QLNN theo ngành với cơ quan QLNN theo lãnh thổ) khi có sai phạm xảy ra ở các đơn vị sự nghiệp GD.

Tình trạng chỉ tuân theo ngành dọc: Các cơ quan chuyên môn của UBND cấp tỉnh, cấp huyện chỉ thực hiện các quyết định về quản lí GD theo ngành dọc. Ví dụ, đã từng có tình trạng sở Tài chính chỉ thực hiện khi có văn bản chỉ đạo của Bộ Tài chính, sở Nội vụ chỉ thực hiện khi có chỉ đạo của Bộ Nội vụ, dẫn đến làm giảm hiệu lực quản lí theo ngành và sự phối hợp liên ngành trong cả nước và ở từng địa phương.

Tình trạng chỉ báo cáo theo ngành dọc các vấn đề thuộc về GD dẫn đến thực tế là Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT không nắm được đầy đủ thực trạng các vấn đề của ngành nên không thể có các quyết định, giải pháp quản lí, chỉ đạo phù hợp.

Ảnh minh họa. Internet
 Ảnh minh họa. Internet

Cần rõ trách nhiệm, thẩm quyền của Bộ GD&ĐT

Dự thảo Luật GD (sửa đổi) sửa đổi, bổ sung các quy định về cơ quan QLNN về GD (Điều 103) theo hướng quy định cụ thể trách nhiệm của Chính phủ (tại Khoản 1), Bộ GD&ĐT (tại Khoản 2), Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Khoản 3), Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Khoản 4); Bộ Nội vụ (Khoản 5), Bộ Tài chính (Khoản 6) và các Bộ khác, UBND các cấp trong lĩnh vực GD cho phù hợp với chức năng, vị trí vai trò của cơ quan đó.

Để khắc phục những hạn chế nói trên, TS Nguyễn Vinh Hiển cơ bản nhất trí với đề xuất của Ban soạn thảo về sửa đổi bổ sung Điều 103 nhưng vẫn còn một số băn khoăn như sau:

Theo tôi, cần quy định bổ sung để nêu rõ trách nhiệm và thẩm quyền của Bộ GD&ĐT trong việc xây dựng các chủ trương, chính sách phát triển ngành; các qui hoạch, kế hoạch, dự án phát triển ngành; tiêu chuẩn hoá về mục tiêu, nội dung GD-ĐT, các chỉ đạo về chuyên môn trên toàn quốc; thanh tra và xử lí các sai phạm trong lĩnh vực quản lí ngành 

 
TS Nguyễn Vinh Hiển đề xuất.

Thứ nhất, về trách nhiệm của Chính phủ: Theo dự thảo thì Chính phủ phải “trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi quyết định việc thí điểm chính sách mới trong GD mà việc thí điểm đó sẽ ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ học tập của công dân trong phạm vi cả nước”. Qui định này sẽ khó cho Chính phủ và việc tìm ra các chính sách mới sẽ rất chậm và rất ít, không thể đáp ứng kịp các yêu cầu thực tiễn thường xuyên thay đổi. Theo TS Nguyễn Vinh Hiển, chỉ nên quy định: Thí điểm chỉ được trong diện hẹp, trong tầm kiểm soát, nếu có vấn đề gì thì Chính phủ khắc phục kịp thời và sẽ có tổng kết, báo cáo Thường vụ Quốc hội hoặc Quốc hội kết quả thí điểm.

Về trách nhiệm của các Bộ: Theo Dự thảo khoản 6 Điều 103 thì Bộ Tài chính toàn quyền quản lí về tài chính GD, Bộ GD&ĐT chỉ có vai trò tham gia, không có gì khác so với thực tế hiện nay và các hậu quả ở tầm vĩ mô đã được chỉ ra ở trên. Ở tầm vi mô, đã có tình trạng phòng Tài chính không biết rõ thực tế công việc của nhà trường nên không chấp nhận chi trả tiền dạy thêm giờ cho giáo viên dạy thay người đi làm công tác thanh tra, kiểm tra, dự tập huấn... do cấp trên điều động hoặc dạy thay cho giáo nghỉ ốm, nghỉ đẻ vì cho rằng trường đã đủ biên chế giáo viên.

“Theo tôi, nên sửa Dự thảo theo hướng: Bộ GD&ĐT phải nắm được thực trạng và trách nhiệm quản lí tài chính của ngành mình. Các định mức về kinh phí, kĩ thuật của ngành GD phải do Bộ GD&ĐT chủ động đề xuất. Các cơ sở GD phải được tự chủ sử dụng các nguồn tài chính hợp pháp của trường theo quy định của pháp luật. Bộ Tài chính và các cơ quan quản lí tài chính địa phương chịu trách nhiệm về các vấn đề lớn thuộc về chính sách và kế hoạch tài chính GD, thanh tra hoạt động tài chính GD. Như vậy, về quản lí tài chính GD phải có những việc do Bộ Tài chính chủ trì, Bộ GD&ĐT tham gia phối hợp, nhưng cũng phải có những việc do Bộ GD&ĐT chủ trì, Bộ Tài chính phối hợp” - TS Nguyễn Vinh Hiển đề xuất.

Về trách nhiệm của Bộ Nội vụ (Dự thảo Khoản 5 Điều 103), theo TS Nguyễn Vinh Hiển, cũng trong tình trạng tương tự, cần xem xét sửa lại.

Mặt khác, khoản 6 mới chỉ đề cập đến trách nhiệm của Bộ Nội vụ về nhân sự, chưa đề cập trách nhiệm của Bộ này về tổ chức bộ máy mà trong thực tế đã xảy ra không ít vụ việc phức tạp ở các địa phương trong thời gian vừa qua khi sắp xếp lại Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT và các nhà trường do không có sự phối hợp tốt giữa ngành Nội Vụ với ngành GD từ Trung ương đến địa phương.

Về trách nhiệm của Bộ GD&ĐT: Ban soạn thảo đề xuất “Bộ GD&ĐT giúp Chính phủ thực hiện chức năng QLNN về GD theo quy định của Luật này, Luật GD ĐH, Luật GD nghề nghiệp và theo phân cấp của Chính phủ”. Với quy định này, TS Nguyễn Vinh Hiển cho rằng, chưa đủ để phân định trách nhiệm, thẩm quyền của Bộ GD&ĐT và không tương xứng với nội dung quy định trong Luật đối với các bộ khác và UBND cấp tỉnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thực phẩm đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển não bộ ở trẻ. Ảnh minh họa: INT

Thực phẩm ảnh hưởng tới trí nhớ

GD&TĐ - Chế độ ăn thực phẩm nhiều dầu mỡ và chiên rán, nhiều đường làm giảm khả năng học tập và trí nhớ, cũng như tăng nguy cơ viêm nhiễm.