Bất cập định chế xử lý kỷ luật giáo viên

GD&TĐ - Một hội đồng xử lý kỷ luật giáo viên tiểu học, nhưng thành phần không có hiệu Trưởng, không có Trưởng phòng GD&ĐT. Nhà trường nói riêng, cơ quan quản lý giáo dục nói chung phải chăng đang có quá ít “quyền” với giáo viên?

Bất cập định chế xử lý kỷ luật giáo viên

Chồng chéo quy định xử lý kỉ luật giáo viên

Câu chuyện này được Phó Giám đốc Sở GD&ĐT một thành phố lớn chia sẻ trong Hội nghị Giám đốc Sở GD&ĐT được tổ chức mới đây. Theo vị lãnh đạo này, việc xử lý kỉ luật giáo viên hiện đang rất chồng chéo, vì thầy cô ngoài thực hiện nhiệm vụ trong nhà trường còn là một viên chức. Nhà trường không phải nơi quản lý toàn diện giáo viên.

Luật viên chức quy định 9 nội dung quản lý viên chức gồm: Xây dựng vị trí việc làm; tuyển dụng; ký hợp đồng làm việc; bổ nhiệm, thay đổi chức danh nghề nghiệp; thay đổi vị trí việc làm, biệt phái, chấm dứt hợp đồng làm việc, giải quyết chế độ thôi việc; bổ nhiệm, miễn nhiệm viên chức quản lý; sắp xếp, bố trí và sử dụng viên chức theo nhu cầu công việc; thực hiện việc đánh giá, khen thưởng, kỷ luật; thực hiện chế độ tiền lương, các chính sách đãi ngộ, chế độ đào tạo, bồi dưỡng; lập, quản lý hồ sơ viên chức, thực hiện chế độ báo cáo về quản lý viên chức thuộc phạm vi quản lý.

“Nhà trường phổ thông không đủ các nội dung quản lý Nhà nước đó nên khi đưa ra xử lý kỷ luật không hề đơn giản” – vị này cho hay.

Lãnh đạo Sở GD&ĐT Long An trong hội nghị Giám đốc Sở GD&ĐT cũng đồng quan điểm và cho rằng: Việc phân cấp quản lý, tuyển dụng, kỉ luật... đã được quy định rõ trong Nghị định 115/2010/NĐ-CP quy định trách nhiệm quản lý Nhà nước về giáo dục theo quy định của Luật Giáo dục năm 2005. Nhưng ở Long An, việc phân cấp quản lý chưa theo đúng tinh thần của Nghị định trên. Sở GD&ĐT đã nhiều lần tham mưu với UBND tỉnh nhưng Sở Nội vụ không đồng ý nên gặp khó khăn.

Cần giao cho Hiệu trưởng đủ quyền

Một cán bộ từng là hiệu trưởng 2 Trường THPT tại Đồng Tháp cho rằng: Hiệu trưởng là người trực tiếp quản lý trong nhà trường nên phải là thành phần chính và chủ trì xử lý giáo viên theo thẩm quyền. Nếu bỏ quan vai trò của hiệu trưởng là sai lầm lớn vì đây là người vừa xử lý, vừa có thể bệnh vực, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho giáo viên.

Ngay cả kỷ luật ở mức cách chức hiệu trưởng ở một trường tiểu học chẳng hạn, quyền là UBND huyện thì đúng, nhưng phải thực hiện quy trình từ Phòng GD&ĐT là đơn vị quản lý trực tiếp. Thành phần hội đồng kỷ luật phải có đại diện lãnh đạo Phòng GD&ĐT.

“Hiện nay đã giao tự chủ kinh phí cho hiệu trưởng nhưng chưa giao tự chủ về nhân sự, nghĩa là quyền tuyển dụng, sa thải giáo viên; trong khi đó lại yêu cầu phải chịu trách nhiệm về chất lượng thì quả là khó cho người hiệu trưởng. Tôi cho rằng, cần giao quyền nhiều hơn cho hiệu trưởng, đồng thời phải gắn trách nhiệm nhiều hơn” – cán bộ này nêu quan điểm.

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM Nguyễn Văn Hiếu cũng nhấn mạnh vị trí, vai trò của hiệu trưởng và cho rằng: Hiện nay, hiệu trưởng còn thiếu rất nhiều quyền, cần giao cho hiệu trưởng đủ quyền và chịu trách nhiệm trong quản lý nhà trường, nơi họ đang công tác.

Việc phải làm tiếp theo là bồi dưỡng hiểu biết pháp luật cho hiệu trưởng. Hiệu trưởng có trách nhiệm làm cho đội ngũ giáo viên trong trường đều hiểu quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ, cũng như đạo đức nhà giáo, kể cả các quy định về xử lý kỷ luật giáo viên... theo quy định. Không thể để ngay cả hiệu trưởng cũng không biết giáo viên sẽ bị xử lý kỷ luật như thế nào nếu có vi phạm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ