Ông Bùi Kiến Thành:

Bảo vệ nhà đầu tư không chuyên mua trái phiếu riêng lẻ!

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - “Thay vì gọi là trái phiếu riêng lẻ, có thể gọi là TRÁI PHIẾU CHUYÊN NGHIỆP, trái phiếu dành cho người chuyên nghiệp”, ông Bùi Kiến Thành đề xuất.

Bảo vệ nhà đầu tư không chuyên mua trái phiếu riêng lẻ!

Ngân hàng thương mại phải mua lại trái phiếu riêng lẻ nếu…

PV: Thưa ông, mới đây, cử tri TP.HCM đã có văn bản kiến nghị các ngân hàng thương mại có trách nhiệm mua lại trái phiếu doanh nghiệp đã trung gian bán cho các nhà đầu tư. Ngân hàng Nhà nước cũng đã có văn bản trả lời kiến nghị trên. Ông bình luận như thế nào về các động thái nói trên?

Ông Bùi Kiến Thành: Các vấn đề liên quan tới trái phiếu doanh nghiệp, trong đó có việc ngân hàng thương mại đứng ra là tổ chức trung gian phân phối trái phiếu cho các nhà đầu tư đã nhận được sự quan tâm của dư luận và cử tri trong thời gian vừa qua. Tại TP.HCM, sau vụ việc của Vạn Thịnh Phát, nhiều khách hàng đã tìm đến một ngân hàng thương mại để tìm câu trả lời về số trái phiếu mua qua trung gian là ngân hàng này. Vì vậy, việc cử tri TP.HCM đưa ra vấn đề trái phiếu doanh nghiệp, chờ đợi câu trả lời của các cơ quan hữu quan là hoàn toàn hợp tình hợp lý.

Tôi không có điều kiện tiếp cận với toàn bộ văn bản kiến nghị của cử tri TP.HCM. Tuy nhiên, kiến nghị ngân hàng thương mại mua lại trái phiếu doanh nghiệp đã trung gian phân phối cho trái chủ cần phải được xem xét trong những trường hợp sau:

Thứ nhất, như trả lời của Ngân hàng Nhà nước, ngân hàng thương mại có trách nhiệm mua lại trái phiếu doanh nghiệp trong trường hợp ngân hàng đó thực hiện hoạt động đại lý phát hành và có cam kết, ký hợp đồng với nhà đầu tư về việc mua lại trái phiếu doanh nghiệp đã phát hành.

Thứ hai, việc phân phối trái phiếu thông qua các tổ chức trung gian, trong đó có ngân hàng thương mại vi phạm các quy định của pháp luật, dẫn đến tình trạng trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ được chào bán tới nhà đầu tư không chuyên nghiệp.

Cụ thể là có hiện tượng một số lượng nhất định các công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại chào bán lại cho nhà đầu tư cá nhân… hoặc hợp thức hoá dưới dạng hợp đồng như “hợp đồng hợp tác chiến lược”, “gửi tiết kiệm linh hoạt”. Các đơn vị phân phối trái phiếu riêng lẻ cho các nhà đầu tư không chuyên nghiệp có trách nhiệm mua lại nếu trái chủ có yêu cầu.

PV: Về lý thuyết là như vậy nhưng sẽ không dễ dàng với những nhà đầu tư không chuyên nghiệp, vốn không có nhiều kinh nghiệm và tiềm lực về tài chính tìm kiếm những biện pháp pháp lý thích hợp. Ông có quan điểm như thế nào về vấn đề này?

Ông Bùi Kiến Thành: Đầu tiên, phải giúp những nhà đầu tư không chuyên nghiệp vướng vào việc đầu tư trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ hiểu rõ tình thế và quyền được pháp luật bảo vệ của họ. Trong vụ việc liên quan tới ngân hàng thương mại kể trên, lãnh đạo TP.HCM đã yêu cầu ngân hàng này phải thông tin rõ, không được né tránh yêu cầu của khách hàng. Đối với vấn đề không chỉ liên quan tới một ngân hàng thương mại mà còn các đơn vị kinh tế khác, nên chăng Ngân hàng Nhà nước cũng lập một đường dây nóng giải đáp các thắc mắc về trái phiếu riêng lẻ được phân phối qua trung gian là ngân hàng thương mại, tương tự như đường dây nóng tiếp nhận thông tin phản ánh về việc ngân hàng ‘ép’ khách hàng mua bảo hiểm.

Khi nhà đầu tư đã ý thức rõ được quyền của mình, họ sẽ lựa chọn được biện pháp ứng xử để tự bảo vệ lợi ích. Họ hiểu phân phối trái phiếu thuộc dạng giao dịch dân sự, khi có tranh chấp, xung đột thì sẽ tiến hành theo các thủ tục dân sự, hai bên hoà giải, nếu không đạt thoả thuận thì sẽ đưa vụ việc ra toà dân sự. Họ cũng biết chỉ một trái chủ đứng lên đòi lại quyền lợi sẽ không hiệu quả bằng việc hàng trăm, thậm chí hàng ngàn trái chủ cùng lên tiếng. Họ sẽ tập hợp lại để tạo nên sức mạnh lớn hơn, họ sẽ lựa chọn được người đại diện cho họ.

Đầu tháng 3/2023, Toà án Nhân dân Quận 1, TPHCM đã thông báo thụ lý vụ trái chủ kiện Chứng khoán Tân Việt và Ngân hàng SCB đề nghị tuyên hủy các hợp đồng mua trái phiếu trước đó. Vì vậy, về phần mình, các ngân hàng thương mại, công ty chứng khoán nếu có tham gia vào việc phân phối trái phiếu riêng lẻ không đúng đối tượng thì nên chủ động liên lạc với trái chủ để hợp tác xử lý, tránh để xảy ra những vụ việc dẫn đến hậu quả pháp lý nặng nề hơn.

Trái phiếu doanh nghiệp là một kênh dẫn vốn quan trọng.

Trái phiếu doanh nghiệp là một kênh dẫn vốn quan trọng.

Lành mạnh hoá trái phiếu riêng lẻ thế nào?

PV: Có thể thấy, một số hiện tượng tiêu cực xảy ra trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp chủ yếu liên quan tới trái phiếu riêng lẻ. Nghị định 08/2023 giúp doanh nghiệp có thêm thời gian xử lý những tồn tại liên quan tới việc phát hành và phân phối trái phiếu, dù vậy, trong dài hạn, theo ông, cần có những quy định hiện hành cần thay đổi, bổ sung để giảm thiểu tối đa các hệ luỵ liên quan tới trái phiếu riêng lẻ, góp phần lành mạnh hoá kênh dẫn vốn quan trọng cho nền kinh tế?

Ông Bùi Kiến Thành: Đầu tiên, bản thân cách gọi “trái phiếu riêng lẻ” đã không phù hợp, dễ khiến người dân hiểu lầm. Đáng lý ra tên gọi phải giúp nhà đầu tư nhận thức được rõ ràng việc họ có nên tham gia đầu tư vào loại hình trái phiếu này không? Thay vì gọi là trái phiếu riêng lẻ, có thể gọi là TRÁI PHIẾU CHUYÊN NGHIỆP, với hàm ý rất rõ ràng, trái phiếu dành cho người chuyên nghiệp.

Vấn đề thứ hai là ai được phát hành trái phiếu riêng lẻ? Nghị định 08/2023 lùi thời gian thực hiện quy định về kết quả xếp hạng tín nhiệm đối với doanh nghiệp phát hành trái phiếu tại điểm e khoản 2 Điều 12 Nghị định số 153/2020 được sửa đổi tại khoản 9 Điều 1 Nghị định 65/2022 tới 31/12/2023. Theo điều khoản này, doanh nghiệp phát hành trái phiếu với tổng giá trị huy động trong 12 tháng lớn hơn 500 tỷ và lớn hơn 50% số vốn chủ sở hữu, hoặc có tổng dư nợ trái phiếu tới thời điểm chào bán lớn hơn 100% vốn chủ sở hữu dựa trên báo cáo tài chính gần nhất buộc phải được xếp hạng tín nhiệm. Việc áp dụng điều kiện này cần được thực hiện sau thời điểm 31/12/2023, không nên có một sự châm chước, trì hoãn thêm nữa.

Vấn đề thứ ba là kiểm soát việc phân phối trái phiếu riêng lẻ như thế nào? Như đã nói ở trên, ở Việt Nam đang tồn tại hiện tượng ngân hàng thương mại trung gian phân phối trái phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư không chuyên nghiệp. Ngoài ra, vai trò của các công ty chứng khoán trong vấn đề này cũng cần làm rõ. Chúng ta cần có chế tài giám sát chặt chẽ và xử lý những vi phạm dạng này.

Cuối cùng là việc ai được mua trái phiếu riêng lẻ? Nghị định 08/2023 đã hoãn áp dụng quy định về xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân theo Nghị định 65/2022 tới ngày 31/12/2023. Những quy định trong Nghị định 65/2022 tương đối tiệm cận với chuẩn chung của thế giới và cần được áp dụng ngay khi có thể. Bên cạnh đó, cần quy định chặt chẽ hơn về số lượng nhà đầu tư chuyên nghiệp được tham gia đầu tư trong một đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ. Theo luật của Mỹ, trái phiếu riêng lẻ có giá trị trên 1 triệu USD (khoảng 24 tỷ đồng) chỉ được bán cho “không nhiều hơn 35 nhà đầu tư”. Pháp luật Việt Nam chưa giới hạn số lượng nhà đầu tư theo giá trị phát hành trái phiếu mà chỉ yêu cầu “ chào bán chứng khoán riêng lẻ cho dưới 100 nhà đầu tư, không kể nhà đầu tư chuyên nghiệp và chỉ chào bán cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp”, theo Luật Chứng khoán 2019.

Trả lời văn bản kiến nghị của cử tri TP.HCM về việc các ngân hàng thương mại có trách nhiệm mua lại trái phiếu đã trung gian chào bán cho các nhà đầu tư, Ngân hàng Nhà nước khẳng định, doanh nghiệp phát hành có trách nhiệm thanh toán đầy đủ, đúng hạn nợ gốc và lãi trái phiếu cho nhà đầu tư theo các điều khoản, điều kiện của trái phiếu.

Đối với trái phiếu chào bán tại thị trường trong nước, trường hợp doanh nghiệp phát hành không thể thanh toán đầy đủ, đúng hạn nợ gốc, lãi trái phiếu theo phương án phát hành đã công bố cho nhà đầu tư, doanh nghiệp có thể đàm phán với người sở hữu trái phiếu để thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn bằng tài sản khác.

Ngân hàng thương mại có trách nhiệm mua lại trái phiếu doanh nghiệp trong trường hợp ngân hàng đó thực hiện hoạt động đại lý phát hành và có cam kết, ký hợp đồng với nhà đầu tư về việc mua lại trái phiếu doanh nghiệp đã phát hành.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà ga xe lửa ở thành phố Dnipro, một trong những trung tâm hậu cần lớn nhất của quân đội Ukraine bị tấn công tên lửa ngày 19/4/2024

Phòng không Ukraine suy yếu

GD&TĐ - Ngày 19/4/2024, Nga đã tiến hành một cuộc tấn công quy mô lớn vào nhiều khu vực quân sự quan trọng của lực lượng Kiev.