Bảo vệ người tiêu dùng trên không gian mạng

GD&TĐ - Bảo vệ người tiêu dùng trên không gian mạng là nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội đề cập trong phiên làm việc của Quốc hội ngày 26/5.

Đại biểu Phan Thị Nguyệt Thu - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh.
Đại biểu Phan Thị Nguyệt Thu - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh.

Sáng 26/5, Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) được Quốc hội thảo luận tại hội trường. Vấn đề bảo vệ người tiêu dùng trên không gian mạng được các đại biểu thảo luận sôi nổi.

Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vì lợi ích công cộng

Theo đại biểu Phan Thị Nguyệt Thu - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh, qua nghiên cứu cho thấy, dự thảo Luật lần này đã được tiếp thu, chỉnh lý và giải trình kỹ lưỡng các ý kiến đóng góp của đại biểu Quốc hội, thể hiện được tính nhân văn, đặc biệt là các quy định bảo vệ được quyền lợi của người tiêu dùng trên không gian mạng và các giao dịch xuyên biên giới…

Đại biểu Nguyễn Thị Sửu - Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế.

Đại biểu Nguyễn Thị Sửu - Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế.

Đề cập đến trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh với người tiêu dùng trong các giao dịch trên không gian mạng; đại biểu Nguyễn Thị Sửu – đoàn ĐBQH Thừa Thiên Huế kiến nghị, trong hoạt động của tổ chức xã hội, tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cần được luận giải tường minh, tránh cách hiểu khác nhau, gây khó khăn cho việc áp dụng trong thực tế. Đó là người tiêu dùng có quyền tự mình khởi kiện vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vì lợi ích công cộng, trong khi lợi ích công cộng chưa được làm rõ và chưa được quy định trong luật nào.

Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh – đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh.

Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh – đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh – đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh, dự thảo luật mới chỉ giới hạn việc công khai thông tin cảnh báo về danh sách các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên không gian mạng có vi phạm, còn các hình thức bán hàng khác như: là bán hàng trực tiếp, cung cấp dịch vụ liên tục thì chưa được đề cập. Trong khi các giao dịch ngoài không gian mạng chiếm một tỷ lệ không nhỏ trong đời sống xã hội.

Người tiêu dùng bị “bao vây” trong không gian mạng

Đại biểu Trần Thị Thu Phước - Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum.

Đại biểu Trần Thị Thu Phước - Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum.

Đại biểu Trần Thị Thu Phước – đoàn ĐBQH Kon Tum thống nhất với Ban soạn thảo về quy định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh với người tiêu dùng trong các giao dịch trên không gian mạng.

Việc này theo hướng không quy định lại, mà chỉ dẫn chiếu nghĩa vụ chung, nghĩa vụ đặc thù trong giao dịch từ xa của tổ chức, cá nhân kinh doanh theo Điều 37, 38 và chỉnh lý một số điểm khác để không làm phát sinh chi phí bất hợp lý, nghĩa vụ cho tổ chức và cá nhân kinh doanh.

Đối với các quy định giao dịch từ xa; đại biểu Phạm Thị Kiều – Đoàn ĐBQH Đắk Nông đề nghị rà soát quy định các nội dung liên quan đến giao dịch điện tử như: giao kết hợp đồng trong giao dịch từ xa tại Điều 38, giao dịch trên không gian mạng tại Điều 39 cho phù hợp; Đồng thời thống nhất với quy định tại dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi).

Mặt khác, Ban soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của dự thảo luật với một số luật hiện hành như: Luật Thương mại, Luật Chất lượng sản phẩm, Luật Hàng hóa, Luật An toàn thực phẩm…

Đại biểu Phạm Thị Kiều – Đoàn ĐBQH Đắk Nông.

Đại biểu Phạm Thị Kiều – Đoàn ĐBQH Đắk Nông.

Ngày nay, nhờ sự phát triển của khoa học, công nghệ công nghiệp cao mà người tiêu dùng được thụ hưởng nhiều loại hàng hóa, dịch vụ chất lượng, tiện lợi. Tuy nhiên, theo đại biểu Phạm Thị Kiều, lợi dụng vấn đề này, một bộ phận chủ thể kinh doanh, kinh doanh trá hình các loại hàng giả, kém chất lượng, thậm chí gây ra nguy hại cho sức khỏe, tính mạng và tinh thần của người tiêu dùng đã và đang rình rập, bao vây người tiêu dùng trong không gian mạng.

“Với thực trạng trên, việc Quốc hội thông qua Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) tại kỳ họp này sẽ là hành lang pháp lý cơ bản đủ vững chắc, cùng với các giải pháp khác để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, chính là bảo vệ chủ thể sản xuất, kinh doanh”- đại biểu Phạm Thị Kiều nói.

Bổ sung quy định về trách nhiệm của cơ quan truyền thông

Đại biểu Huỳnh Thị Phúc – đoàn ĐBQH Bà Rịa - Vũng Tàu đề nghị, Ban soạn thảo xem xét, bổ sung nội dung về quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại về tính mạng, tài sản của người tiêu dùng khi sử dụng sản phẩm, dịch vụ hàng hóa không phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đo lường chất lượng an toàn như đã cam kết theo quy định.

Theo đại biểu, trong thời đại 4.0 của thế giới phẳng, việc giao dịch mua bán hàng hóa, dịch vụ qua nền tảng số, qua không gian mạng là tất yếu. Việc Luật Bảo vệ người tiêu dùng (sửa đổi) bổ sung các quy định có liên quan là kịp thời và phù hợp.

Đại biểu Huỳnh Thị Phúc – đoàn ĐBQH Bà Rịa - Vũng Tàu.

Đại biểu Huỳnh Thị Phúc – đoàn ĐBQH Bà Rịa - Vũng Tàu.

Tuy nhiên, đại biểu Huỳnh Thị Phúc đề nghị bổ sung cụm từ “sản phẩm hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân kinh doanh cung cấp”. Cụ thể, cho phép người tiêu dùng phản hồi, đánh giá về tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân kinh doanh cung cấp.

Đồng thời hiển thị đầy đủ và chính xác kết quả phản hồi, đánh giá, trừ trường hợp phản hồi, đánh giá đó vi phạm các quy định của pháp luật và trái với đạo đức của xã hội để các điều khoản này phù hợp với thực tiễn, tăng tính khả thi, hiệu lực khi áp dụng, thi hành.

Đại biểu cũng đề nghị cần xem xét, bổ sung Điều 39 dự án luật các quy định về việc tổ chức thiết lập, vận hành nền tảng số phải thực hiện các biện pháp giám sát, phản biện, cảnh báo cho người tiêu dùng, về các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên nền tảng số có dấu hiệu nghi ngờ bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng có nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng và quy định thời hạn loại bỏ khỏi nền tảng số những cá nhân, tổ chức vi phạm.

Toàn cảnh phiên họp.

Toàn cảnh phiên họp.

Liên quan đến nội dung này, đại biểu đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu đề nghị, Ban soạn thảo cần xem xét, bổ sung quy định về trách nhiệm của cơ quan truyền thông trong việc quảng cáo, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ phải đảm bảo không được sai lệch về chất lượng, giá, công dụng cũng như thổi phồng chức năng của sản phẩm dẫn đến các hành vi lừa dối, gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng, người sử dụng dịch vụ và cũng không được vi phạm thuần phong mỹ tục của Việt Nam.

“Tôi đề nghị trong dự thảo luật lần này nên cập nhật bổ sung các quy định để đảm bảo tính chặt chẽ hơn trong áp dụng và tính khả thi của pháp luật đối với các nội dung như tôi vừa trình bày”- đại biểu Huỳnh Thị Phúc đề xuất.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bom lượn FAB-3000 của Nga.

Chật vật đối phó bom lượn

GD&TĐ - Bom lượn Nga đang là ám ảnh với hệ thống phòng thủ Ukraine dù lực lượng này đang được trang bị những vũ khí đánh chặn tối tân của phương Tây.