Đa dạng phương thức tuyển sinh
Nhằm đa dạng nguồn tuyển và tạo cơ hội cho thí sinh, phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại Hà Giang dự kiến áp dụng đa dạng phương thức xét tuyển.
Trong đó, có 1 ngành Giáo dục Mầm non trình độ cao đẳng và 14 ngành trình độ đại học bao gồm: Giáo dục Tiểu học; Giáo dục Mầm non; Du lịch; Luật; Ngôn ngữ Anh; Kinh doanh quốc tế (chuyên ngành Xuất nhập khẩu nông lâm sản); Chăn nuôi thú y; Khoa học cây trồng; Nông nghiệp công nghệ cao; Quản lý tài nguyên và môi trường (chuyên ngành Quản lý tài nguyên và Du lịch sinh thái); Kỹ thuật máy tính; Kỹ thuật điện; Kỹ thuật môi trường; Kỹ thuật xây dựng.
Ông Lục Quang Tấn, Giám đốc Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại Hà Giang cho biết: Năm 2023, Phân hiệu phối hợp với các trường Đại học thành viên của Đại học Thái Nguyên dự kiến tuyển 1.150 cho 14 ngành trình độ đại học và 1 ngành trình độ cao đẳng với 3 phương thức xét tuyển gồm: Xét tuyển dựa vào kết quả học tập cấp THPT (học bạ); Xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi Tốt nghiệp THPT; Kết hợp kết quả thi tốt nghiệp THPT với điểm thi năng khiếu để xét tuyển (đối với ngành Sư phạm).
Thời gian xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2023 và tuyển thẳng sẽ căn cứ theo quy định của Bộ GD&ĐT, còn đối với hình thức xét tuyển theo học bạ THPT dự kiến từ ngày 12/6/2023 đến trước 17h00 ngày 04/7/2023.
Các sinh viên học tập tại Phân hiệu không chỉ được trải nghiệm môi trường học tập năng động, hiện đại, thân thiện để phát triển bản thân một cách toàn diện mà còn được học tập ngay trong tỉnh nên việc đi lại của các em thuận lợi, gần gia đình, người thân; thường xuyên nhận được tình cảm, sự thương yêu, chăm sóc, chia sẻ từ gia đình. Các chi phí sinh hoạt hàng ngày sẽ giảm thiểu tối đa so với đi học ngoài tỉnh.
Đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao
Theo báo cáo sơ kết học kỳ 1 năm học 2022 - 2023 của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Giang, toàn tỉnh thiếu hơn 3.000 cán bộ, giáo viên, nhân viên chủ yếu tại các huyện: Yên Minh, Mèo Vạc, Đồng Văn, Xín Mần, Bắc Quang.
Không chỉ đối với các ngành Sư phạm, nhu cầu nguồn nhân lực trình độ đại học và sau đại học đối với các ngành ngoài sư phạm rất lớn để thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, nhất là trong lĩnh vực dịch vụ, du lịch, thương mại.
Đảng, Nhà nước luôn dành sự quan tâm đặc biệt, thực hiện nhiều chính sách nhằm tạo môi trường học tập tốt nhất cho sinh viên. |
Chính vì thế, ông Lục Quang Tấn, Giám đốc Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại Hà Giang cho biết: Để học sinh có cơ hội học tập nhiều hơn, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực trong và ngoài tỉnh, nhà trường đã thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ, tạo môi trường học tập tốt nhất cho sinh viên như: miễn, giảm học phí, trợ cấp từ 100.000 đến 140.000 đồng/người/tháng, hưởng 10 đến 12 tháng/năm và hỗ trợ chi phí học tập cho các sinh viên là người dân tộc thiểu số ở những thôn, bản đặc biệt khó khăn theo quy định chung của Nhà nước.
Đối với các sinh viên các ngành sư phạm, bên cạnh việc được hỗ trợ tiền học phí, các sinh viên còn được hỗ trợ chi phí sinh hoạt, hưởng học bổng khuyến khích học tập và các khoản hỗ trợ theo quy định của Nhà nước.
Ngoài ra, để công tác tuyển sinh được hiệu quả, Phân hiệu đã tập trung nguồn lực và đề ra các kế hoạch, chương trình cụ thể. Các hoạt động tuyển sinh được triển khai bằng nhiều hình thức, nhiều kênh thông tin như: Tuyên truyền quảng bá qua các kênh thông tin phát thanh, panô, áp phích, băng rôn, phối hợp với các trường thành viên thuộc Đại học Thái Nguyên tuyển sinh liên thông hệ vừa học vừa làm, văn bằng 2, đào tạo sau đại học…
Đồng thời, xây dựng kế hoạch khảo sát nhu cầu các ngành, tư vấn tuyên truyền tại các trường THPT, các cơ sở giáo dục có học sinh THPT học tập trên địa bàn tỉnh và một số huyện lân cận thuộc tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng, Tuyên Quang.