Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa đồng bào Khmer Nam Bộ

Ngày hội VH-TT-DL đồng bào Khmer Nam Bộ và Lễ hội Oóc om bóc - Đua ghe Ngo Sóc Trăng lần thứ V khu vực ĐBSCL diễn ra từ 2 - 8/11/2022.

Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa đồng bào Khmer Nam Bộ

Theo ông Trần Minh Lý, Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Sóc Trăng: Ngày hội VH-TT-DL đồng bào Khmer Nam Bộ lần thứ VIII và Lễ hội Oóc om bóc - Đua ghe Ngo Sóc Trăng lần thứ V khu vực đồng bằng sông Cửu Long 2022 sẽ diễn ra tại TP Sóc Trăng trong suốt tuần lễ từ ngày 2 đến 8/11/2022. Trong đó, 3 ngày chính là 6, 7 và 8/11.

Với chủ đề “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa đồng bào Khmer Nam Bộ bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, hội nhập và phát triển”, ngày hội do Bộ VH-TT&DL phối hợp cùng UBND tỉnh Sóc Trăng tổ chức, có sự tham dự của 12 tỉnh, thành phố. Trong khuôn khổ ngày hội, kết hợp tổ chức Lễ hội Oóc om bóc - Đua ghe Ngo Sóc Trăng lần thứ V khu vực đồng bằng sông Cửu Long với sự tham gia của 56 đội ghe đến từ các tỉnh, thành trong khu vực.

Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Trịnh Thị Thủy đánh giá cao ý nghĩa của ngày hội: “Việc tổ chức Ngày hội sẽ góp phần tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào Khmer Nam Bộ trong nền văn hóa thống nhất, đa dạng của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Đây là hoạt động nhằm giới thiệu, quảng bá, kích cầu du lịch, tạo không gian văn hóa để các nghệ nhân, diễn viên, vận động viên quần chúng gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao nhận thức, ý thức trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer Nam Bộ trong thời kỳ hội nhập và phát triển của đất nước”.

Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa đồng bào Khmer Nam Bộ ảnh 1
Ngày hội VH-TT-DL đồng bào Khmer Nam Bộ với nhiều hoạt động.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Huỳnh Thị Diễm Ngọc cho biết, đến nay, Sóc Trăng đã sẵn sàng trong việc tổ chức Ngày hội, đồng thời kỳ vọng lần đăng cai tổ chức này sẽ để lại được nhiều dấu ấn và tình cảm đẹp đến toàn thể bè bạn gần xa, Sóc Trăng là điểm đến hấp dẫn, thân thiện trong lòng du khách.

Theo ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, Ngày hội sẽ được tổ chức trang trọng, thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm, không phô trương lãng phí, đồng thời tạo không khí vui tươi, phấn khởi, an toàn gắn với các sự kiện chính trị, văn hóa của đất nước, khu vực và địa phương. Đây là 2 sự kiện lớn của tỉnh và khu vực ĐBSCL nên tỉnh rất quan tâm, chuẩn bị chu đáo mọi mặt để tổ chức thật tốt.

“Ngày hội là dịp tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào Khmer trong nền văn hóa thống nhất, đa dạng của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam; góp phần giữ gìn, phát huy và tôn vinh bản sắc văn hóa các dân tộc; nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm trong việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước theo Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 đã đề ra”, ông Trần Văn Lâu cho biết thêm.

Trước ngày khai mạc lễ hội (6/11), Liên hoan ẩm thực đường phố với chủ đề “Hương vị Sóc Trăng” và hội chợ xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP vùng sẽ được khởi động từ 2/11. Đêm 7/11, người dân các tỉnh, thành miền Tây sẽ về Sóc Trăng xem đồng bào Khmer thả đèn nước và phục dựng lễ cúng Trăng.

Sôi nổi nhất là giải đua ghe ngo khu vực Đồng bằng sông Cửu Long diễn ra dưới sông Maspéro, TP Sóc Trăng vào ngày 7 - 8/11. Hàng nghìn tay bơi đến từ các tỉnh, thành khu vực Nam Bộ sẽ tranh tài ở cự ly 1 km nữ và 1,2 km nam.

Theo ban tổ chức, tổng kinh phí cho ngày hội lớn của đồng bào Khmer Nam Bộ tại Sóc Trăng được dự trù hơn 7,5 tỷ đồng. Ngoài kinh phí sự nghiệp của các đơn vị liên quan, ban tổ chức còn vận động xã hội hóa từ doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh và nguồn kinh phí dành cho ngày hội của Bộ VH-TT&DL.

Theo giaoducthoidai.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ