Bảo tồn các loài lan có nguy cơ tuyệt chủng

GD&TĐ - Việt Nam có tài nguyên hoa lan phong phú bậc nhất thế giới song nhiều loài đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.

Một loài lan quý đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.
Một loài lan quý đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.

Các nhà khoa học đã tổ chức tìm kiếm, đánh giá và lên danh sách loài có nguy cơ biến mất để bảo tồn.

Định danh những loài lan đang dần biến mất

Với mục tiêu cập nhật tình hình, xây dựng danh mục các loài lan bị đe dọa ở Việt Nam và đề xuất biện pháp bảo vệ, TS Trần Huy Thái và nhóm nghiên cứu Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật đã phối hợp với Viện Thực vật Komarov, Liên bang Nga thực hiện đề tài: “Đánh giá các loài lan (họ Orchidaceae) ở Việt Nam và hiện trạng bảo tồn”.

TS Trần Huy Thái cho biết, lan là họ thực vật có hoa, lớp một lá mầm, có số lượng loài lớn nhất trong các họ thực vật Việt Nam (khoảng 870 đến trên 1.000 loài).

Các loài lan thuộc họ lan (Orchidaceae) là cây thảo, hầu hết sống dưới dạng phụ sinh trên cây gỗ trong rừng, rễ khí sinh phát triển mạnh bao phủ bởi lớp mô xốp dày để dự trữ nước. Ở một số loài rễ có khả năng quang hợp, một số loài mọc ở đất có thân rễ hay củ.

Thân phình lên ở các gióng thành hành giả, làm nhiệm vụ dự trữ. Lá mọc sát nhau ở gốc hay mọc so le, hình dạng khác nhau. Hoa mọc thành cụm, bông hay chùm dài buông thõng.

Lan phân bố rộng nhưng tập trung chủ yếu ở một số khu vực rừng núi phía Bắc, Trung Bộ, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ. Các loài lan nói riêng và hệ thực vật nói chung có ảnh hưởng lớn đến sinh quyển góp phần cân bằng giữa oxygen và carbon dioxide nhờ quá trình quang hợp.

Hoa lan có vai trò quan trọng trong kinh tế và văn hóa của Việt Nam như làm cây cảnh, trang trí và cây thuốc (chữa ho, viêm phế quản, viêm gan, chữa vết thương...).

Tuy nhiên, những nghiên cứu ở trong nước về số lượng các loài lan bị đe dọa gồm 68 loài lan theo Sách Đỏ Việt Nam (2007) với 54 loài ở mức phân hạng E (Nguy cấp), 10 loài ở mức VU (Sẽ nguy cấp), 4 loài ở mức CR (Rất nguy cấp) là chưa cập nhật và đầy đủ.

Việt Nam có nhiều loài lan quý hiếm, nhưng bị khai thác theo lối tận diệt và không được bảo tồn tốt nên nhiều chủng loài đang dần bị biến mất. Làm thế nào để định danh các loài có nguy cơ tuyệt chủng, từ đó có biện pháp bảo tồn phù hợp?

Nhóm nghiên cứu đã điều tra thực địa tại một số tỉnh phía Bắc Việt Nam (Lào Cai, Điện Biên, Cao Bằng...) nhằm thu thập các dữ liệu cho những loài mới đánh giá và cần đánh giá bổ sung (phân loại, phân bố và hiện trạng bảo tồn, số lượng cá thể, ảnh... các loài lan bị đe dọa theo thứ hạng, tiêu chuẩn của IUCN. Đồng thời, lập danh lục các loài lan bị đe dọa (Rất nguy cấp - CR, Nguy cấp - EN và Sẽ nguy cấp - VU).

252 loài lan ở dạng nguy cấp

Sau 2 năm tiến hành, nhiệm vụ đã xây dựng được danh lục 200 loài lan bị đe dọa chọn lọc hiện nay ở Việt Nam. Trong đó có 75 loài ở phân hạng Rất nguy cấp (CR), 74 loài ở phân hạng Nguy cấp (EN) và 51 loài ở phân hạng Sẽ nguy cấp (VU).

Có 16 loài nằm trong Sách Đỏ Việt Nam. Còn lại đánh giá mới là 184 loài, nâng tổng số loài lan bị đe dọa ở Việt Nam lên 252 loài. Trong đó, có 114 loài là đặc hữu Việt Nam, 27 loài nằm trong Phụ lục IA và 173 loài nằm trong Phụ lục IIA theo Nghị định 84/2021 của Chính phủ.

Đây là những dẫn liệu mới có giá trị cao, làm cơ sở cho việc xây dựng kế hoạch bảo tồn theo khu vực phân bố của chúng và đề xuất được một số giải pháp bảo vệ các loài lan nói trên.

Việc hợp tác khoa học đối với việc đánh giá các loài lan bị đe dọa ở Việt Nam là vấn đề rất hiệu quả, có ý nghĩa khoa học và thực tiễn. Cần tiếp tục duy trì nghiên cứu đánh giá các loài bị đe dọa ở mức độ phân hạng chi tiết hơn theo khu vực phân bố, lưu trú và số lượng cá thể, quần thể của loài.

Từ danh sách này, các nhà khoa học sẽ lên phương án bảo tồn bằng các phương pháp như invitro (nuôi cấy mô tế bào thực vật) để nhân giống nhanh. TS Trần Huy Thái cho biết, một điểm rất thú vị ở hoa lan đó là cây chỉ ra hoa trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt như mùa khô, mùa lạnh, khi rụng hết lá…

Khi điều kiện sống bất lợi cây sẽ trổ hoa để duy trì nòi giống. Chính đặc điểm này đã được các nhà khoa học tận dụng để tạo môi trường, điều kiện sống thích hợp giúp cây lan ra hoa như mong muốn bằng một số biện pháp kỹ thuật như xử lý lạnh (nhiệt độ thấp) cho lan Hồ điệp, xử lý sốc khô cho lan Vũ nữ, Đai châu, tăng cường ánh sáng cho lan Hoàng thảo…

Hoa lan bản địa có rất nhiều đặc tính quý báu. Từ lâu việc tìm kiếm và sưu tầm những giống lan quý hiếm đã trở thành niềm say mê của người chơi hoa. Tuy nhiên, hiện nay do việc khai thác quá mức loài lan này trong tự nhiên đã làm các nguồn gen quý có nguy cơ mất dần và trở nên cạn kiệt.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Các căn cứ quân sự Nga ở Syria đang bị đe dọa.

Kế hoạch Nga rút quân khỏi Syria?

GD&TĐ -Các căn cứ quân sự Nga ở Syria đang phải đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng kể từ khi chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad sụp đổ.