“Thánh đường nghệ thuật” hút khách du lịch

GD&TĐ - Dự kiến từ tháng 6/2017, Nhà hát Lớn Hà Nội sẽ mở cửa đón khách du lịch thăm quan tìm hiểu về lịch sử, kiến trúc và thưởng thức nghệ thuật. Đây là hoạt động nhằm bảo tồn nghệ thuật truyền thống và xây dựng các tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao đưa vào biểu diễn thường xuyên tại “thánh đường nghệ thuật”.

Tour du lịch tham quan Nhà hát Lớn hứa hẹn nhiều thú vị
Tour du lịch tham quan Nhà hát Lớn hứa hẹn nhiều thú vị

Văn hóa bắt tay cùng du lịch

Theo đó, sẽ có hai chương trình dành cho du khách đến thăm quan Nhà hát Lớn gồm: Tham quan nhà hát; Tham quan nhà hát và xem biểu diễn nghệ thuật. Ở chương trình tham quan nhà hát và xem biểu diễn nghệ thuật, du khách sẽ được trải nghiệm lô VIP, được tiếp đón trong phòng Gương với trà, nước, được giới thiệu về lịch sử, kiến trúc, những vết tích của cuộc khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám.

Du khách sẽ được lên tầng 3 tham quan không gian trưng bày các tư liệu, hình ảnh, hiện vật gắn với Nhà hát Lớn cũng như các sự kiện diễn ra tại đây. Du khách cũng sẽ được tiếp cận rất gần với các hoa văn, họa tiết và mái vòm của khán phòng, được quan sát toàn bộ không gian sân khấu và khán giả từ trên cao… Sau đó, du khách sẽ xuống tầng 1 xem biểu diễn nghệ thuật. Sau đó có thể mua sắm các sản phẩm lưu niệm tại quầy lưu niệm và tìm hiểu các địa danh du lịch nổi tiếng của Việt Nam thông qua tranh ảnh đặt tại sảnh Nhà hát.

Nếu không có nhu cầu thưởng thức nghệ thuật, du khách có thể chọn sản phẩm tham quan nhà hát. Sản phẩm này đáp ứng nhu cầu tham quan, chụp ảnh, tìm hiểu kiến trúc, lịch sử Nhà hát Lớn.

Theo Giám đốc Nhà hát Lớn Hà Nội cho biết: Nhà hát Lớn xây dựng 2 gói sản phẩm du lịch gồm: Dành cho khách chỉ vào thăm quan với mức giá 120.000 đồng/người và gói 400.000 đồng với gói thăm quan và xem biểu diễn nghệ thuật.

Dự kiến, chương trình sẽ được tổ chức thường kỳ, kết nối với các hoạt động trên phố đi bộ, mua sắm, ẩm thực, triển lãm…trở thành sản phẩm du lịch văn hóa góp phần làm đa dạng sản phẩm du lịch trên địa bàn Hà Nội.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ VHTTDL cũng cho rằng, chương trình phục vụ du khách không nên quá hàn lâm, nặng tính nghệ thuật mà cần tươi vui, nhẹ nhàng, thể hiện được văn hóa Việt Nam mà không cần phải quá suy tư mới hiểu được. Một số tiết mục như: tuồng Ông già cõng vợ đi chơi hội, hát văn, độc tấu đàn bầu… được đánh giá cao song mỗi tiết mục cần hết sức ngắn gọn, súc tích, thể hiện được vẻ đẹp, tinh túy của loại hình nghệ thuật đó. Cả chương trình chỉ dài khoảng 30 phút, hết sức nhẹ nhàng, vui tươi, sân khấu cũng cần sáng hơn, tránh cảm giác căng thẳng cho du khách, để chương trình nghệ thuật thực sự là giây phút thư giãn của du khách sau khi tham quan Nhà hát Lớn…

Để tour du lịch hấp dẫn 

Các lữ hành, doanh nghiệp du lịch đã có một số góp ý để tour du lịch Nhà hát Lớn Hà Nội thành công. Theo giám đốc một công ty du lịch chuyên thị trường khách Pháp: Việc mở cửa, bán vé cho khách vào thăm quan Nhà hát Lớn Hà Nội rất có ý nghĩa. Đây là công trình kiến trúc nghệ thuật đặc sắc, nhưng lâu nay khách chỉ được đứng ở ngoài chụp ảnh. Thị trường khách Pháp có nhu cầu lớn muốn đi thăm quan tìm hiểu kiến trúc của Nhà hát Lớn.

Tuy nhiên, khung giờ thăm quan từ 10h15 phút-11h45 phút là quá hẹp do tình trạng ùn tắc giao thông tại Hà Nội khiến khách di chuyển thăm quan từ các điểm khác về sẽ không chủ động. Nên mở cửa từ 9h sáng đến gần 12h và chiều từ 14h-17h. Đồng thời nên mở cửa thường xuyên các ngày trong tuần, không nên chỉ mở có thứ 2 và thứ 5 như đề xuất, vì nhu cầu của nhóm khách lẻ không thể cố định. Việc mở cửa thăm quan, bán vé vào Nhà hát Lớn nên triển khai theo mô hình thăm quan một bảo tảng kiến trúc, nghệ thuật”.

Đại diện Công ty Du lịch Tia sáng Mê kông cũng cho rằng: Nếu đã xác định phục vụ khách du lịch thì nên mở tất cả các ngày trong tuần. Còn nếu vì những lý do bất khả kháng, thì Nhà hát Lớn Hà Nội nên mở cửa vào thứ 2 và thứ 6. Còn đối với sản phẩm du lịch có chương trình biểu diễn nghệ thuật nên thực hiện lúc cuối giờ chiều bởi như vậy sẽ hợp lý sau khi đi thăm quan phố cổ Hà Nội...

Ngoài ra các lữ hành du lịch còn góp ý trong khâu tổ chức để tour du lịch đi vào chiều sâu: Ví như việc thăm quan Nhà hát Lớn nên có một máy chiếu tự động với các ngôn ngữ khác nhau. Việc giới thiệu bằng máy chiếu tự động đã được triển khai tại nhiều bảo tàng các nước trên thế giới và một số bảo tàng của Việt Nam. Điều này sẽ thuận tiện cho du khách của nhiều nước.

Trên tinh thần xây dựng, đại diện Hanoitourist cho rằng: Nếu mới thực hiện mở cửa đón khách mà thu mức giá 120.000 đồng/người vào thăm quan và 400.000 đồng/người với gói sản phẩm vừa thăm quan và xem biểu diễn nghệ thuật là quá cao. Với doanh nghiệp và du khách thì yếu tố đầu tiên là xem xét về giá. Do đó, mức giá này ban đầu nên điều chỉnh thấp xuống để hút khách, sau này khi đã khẳng định được thương hiệu thì lúc đó mức giá có cao vẫn có khách vào thăm quan…

Để đi vào triển khai thành công thì các đơn vị thực hiện cần sớm hoàn thiện chương trình theo các ý kiến góp từ phía các nhà quản lý văn hóa, các đơn vị lữ hành du lịch.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Gần một nửa học sinh Trường Tiểu học 2 xã Viên An đến trường bằng đò.

Lên đò theo đuổi sự học

GD&TĐ - Trường Tiểu học 2 xã Viên An, huyện Ngọc Hiển nằm cách TP Cà Mau hơn 100 km là một trong những ngôi trường khó khăn nhất tỉnh Cà Mau.