Mặc dù có giá trị về mặt mỹ thuật cũng như lịch sử, thế nhưng hiện nay di sản này đang đối mặt với nguy cơ thất truyền khi số lượng tranh hư hỏng rất lớn mà việc phục hồi lại gặp nhiều khó khăn.
Độc đáo tranh gương cung đình
Theo thống kê của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế (TTBTDTCĐ Huế) thì có khoảng gần 100 tranh gương còn lại, trong đó có hơn một nửa tác phẩm đã bị hư hỏng theo nhiều mức độ khác nhau. Tranh gương cung đình Huế được trang trí và cất giữ tại nhiều di tích như: tại Điện Long An, cung Diên Thọ (Hoàng cung Huế), điện Sùng Ân (lăng Minh Mạng), điện Hòa Khiêm và điện Lương Khiêm (lăng Tự Đức), điện Biểu Đức (lăng Thiệu Trị), điện Ngưng Hy (lăng Đồng Khánh)…
Đặc biệt tại điện Long An – ngôi điện trưng bày nhiều báu vật của triều Nguyễn như: Trấn phong bằng gỗ, Kiệu, Long sàng của vua Khải Định, Quả cầu Cửu long...những bức tranh gương được đóng trong những khung gỗ chạm, thếp vàng khá cầu kỳ, treo trên hàng cột tại không gian nối giữa chính điện và tiền điện vẫn thu hút được nhiều người xem bởi sự độc đáo của chúng. 6 bức tranh đều là thơ ngự chế, về những cảnh đẹp như Vĩnh Thiệu Phương Văn (truyền mãi hương thơm) ngợi ca cảnh đẹp của vườn Thiệu Phương, Khúc Chiểu Hà Huyên (khúc hát của sen), là vẻ đẹp của hoa sen hồ Tịnh Tâm ...
Theo nhận định của một số nhà nghiên cứu tại Huế, tranh gương cung đình triều Nguyễn hầu hết được đặt làm từ Trung Quốc, nhưng lại mang nội dung và những đặc trưng nghệ thuật riêng có của triều Nguyễn, với nhiều nội dung như: tranh thơ ngự chế về 20 thắng cảnh của đất Thần Kinh xưa do vua Thiệu Trị xếp hạng; tranh thơ vịnh các mùa trong năm, vịnh các cảnh mà vua bất chợt tức cảnh đề thi; tranh minh họa cho các điển tích trong lịch sử Nho giáo; tranh vẽ tĩnh vật với hai đề tài chính là bát bửu cổ đồ cùng các loại hoa quả…
PGS.TS Phan Thanh Bình, Hiệu trưởng Trường ĐH Nghệ thuật Huế cho biết: Chất liệu để vẽ loại tranh này là bột màu pha keo, hoặc sơn, được vẽ hoặc khảm xà cừ vào mặt sau của gương theo kiểu vẽ âm bản để nhìn mặt trước thành dương bản, ông Bình nhận định: “Kỹ thuật vẽ ngược chiều đòi hỏi họa sĩ, nghệ nhân phải hết sức tài hoa, khéo léo vàcó trí tưởng tượng cực kỳ phong phú mới có thể thực hiện được.
Do kỹ thuật phức tạp, sự tư duy về mặt hình tượng là rất riêng. Người vẽ phải tưởng tượng phía bên kia ( mặt trái) để nhìn xuyên từ kính qua (mặt phải) đòi hỏi dự phối hợp giữa tư duy, kỹ thuật, chất liệu và đặc trưng phản ánh. Vì thế mà trong từng đường nét cũng phải tính toán là nét trên hay nét dưới, độ đậm như thế nào, từng mảng màu chồng, phối hợp như thế nào để tạo ra hiệu quả của cách nhìn. Bố cục, không gian, tả về chiều sâu cũng cũng phải như vậy. Tất cả tạo nên nét riêng, độc đáo và cực kỳ tinh tế của tranh gương và đó cũng chính là những đặc trưng mà không có loại hình mỹ thuật nào của Huế có được"
Nguy cơ thất truyền
Mặc dù có giá trị cao về mặt lịch, sử thẩm mỹ . thế nhưng hiện nay di sản này đang đối mặt với nguy cơ thất truyền. Theo TS. Phan Thanh Hải giám đốc TTBTDTCĐ Huế cho biết trong số 100 bức tranh mà TTBTDTCĐ Huế có được thì trên 50% đã bị hư hỏng theo từng cấp độ. Trong nỗ lực bước đầu, đơn vị đã phục chế một số bức tranh bị xuống cấp để tái trưng bày, nhưng kết quả chưa được như mong đợi.
Để hạn chế sự tác động của khí hậu, TTBTDTCĐ Huế đã sử dụng giấy trung tính (phi axit) để bảo quản mặt sau. TS. Phan Thanh Hải trao đổi thêm: Công tác bảo quản này mang tính ngắn hạn, chỉ đưa lại hiệu quả tích cực trước mắt. Tuy nhiên về lâu dài, giải pháp tối ưu vẫn là chuyển toàn bộ số tranh gương đang treo trang trí tại các di tích về bảo quản tại Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế. Tại kho cổ vật, các tranh gương này sẽ được bảo quản bằng cách đặt trong môi trường nhiệt độ phù hợp, và kiểm soát bằng độ ẩm phù hợp. Đồng thời khi xây dựng hệ thống trưng bày tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế, hướng đến việc trưng bày các bức tranh gương trong hệ thống tủ trưng bày được kiểm soát bằng nhiệt độ phù hợp, có sự kiểm soát.
Ngoài ra, tại các cung điện, Trung tâm cũng chủ trương làm các phiên bản tranh gương để tái trưng bày một cách phù hợp. “Đây cũng là cách làm thông thường của các khu di tích ở các nước. Người ta đưa các hiện vật gốc đến lưu giữ, bảo quản, trưng bày tại các bảo tàng, conf ở các khu di tích sẽ thay thế bằng các phiên bản hoặc bản phục chế để tái hiện cảnh quan với mục đích tìm cách gìn giữ sự nguyên vẹn tối đa ở mức có thể cho các cổ vật có nguy cơ bị xuống cấp, hư hỏng tự nhiên”- TS. Phan Thanh Hải cho biết.
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất trong công tác bảo quản và bảo tồn tranh gương cung đình chính là nguồn nhân lực. TS. Phan Thanh Hải giải thích thêm : “Tranh gương cung đình có vật liệu chủ yếu gồm các phần: gương kính, hợp chất màu vẽ, gỗ, hợp chất sơn thếp. Ở đây ít nhất có đến bốn thành phần chất liệu để tạo thành loại hình hiện vật này, nên việc am hiểu vầ cấu tạo, đặc điểm hóa lý của tranh gương để phục vụ bảo quản là công việc đòi hỏi chuyên môn rất cao”.
TS Phan Thanh Hải GĐ Trung tâm BTDTCĐ Huế khẳng định: Với chúng tôi loại tranh gương có giá trị lịch sử rất lớn bên cạnh giá trị nghệ thuật, nhất là bộ Thần kinh nhị thập cảnh vịnh 20 cảnh đẹp của đất thần kinh hay một số thắng cảnh của cố đô Huế ngoài những cảnh chính còn được vẽ rất nhiều tiểu cảnh nổi tiếng như bộ tranh vẽ các cảnh của vườn Cơ Hạ hay vẽ về các cảnh của hồ Tịnh Tâm. Việc nghiên cứu phục hồi các di sản văn hóa, đặc biệt với các vườn thượng uyển, các danh thắng nổi tiếng của cố đô Huế phải căn cứ vào rất nhiều nguồn tư liệu. Tư liệu về tranh gương hết sức quý vì nó phản ánh rất trực quan, sinh động phong cảnh đúng của triều Nguyễn khi xưa.