Bảo tàng Di sản các nhà khoa học Việt Nam - Địa chỉ của niềm tin và sự trân trọng

GD&TĐ - Bảo tàng Di sản các nhà khoa học Việt Nam là một bảo tàng duy nhất ở Việt Nam về di sản nhà khoa học, nơi nghiên cứu lịch sử cuộc đời nhà khoa học thông qua các tư liệu hiện vật của họ...

Cấp giấy phép hoạt động cho Bảo tàng Di sản các nhà khoa học Việt Nam.
Cấp giấy phép hoạt động cho Bảo tàng Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

Lễ công bố Quyết định cấp giấy phép hoạt động cho Bảo tàng Di sản các nhà khoa học Việt Nam và tiếp nhận tài liệu hiện vật của nhà khoa học thứ 2000 – PGS.TS Lê Văn Truyền là một sự kiện quan trọng ghi dấu một giai đoạn phát triển mới của thiết chế văn hóa đặc biệt này.

Buổi lễ “hai trong một” đã diễn ra rất trang trọng tại Công viên Di sản các nhà  khoa học Việt Nam, tọa lạc tại xã Bắc Phong, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình, sáng 28-11-2021.

Đến dự sự kiện đặc biệt này có bà Nguyễn Thúy Anh – Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban xã hội của Quốc hội; TS Hoàng Đạo Cương – Thứ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch; lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND, HĐND và lãnh đạo các sở ban ngành của tỉnh Hòa Bình và huyện Cao Phong cùng nhiều nhà khoa học Y-Dược và các lĩnh vực khác.

Trân trọng di sản nhà khoa học

Nói Bảo tàng Di sản các nhà khoa học Việt Nam (BTDSNKH) là một thiết chế văn hóa đặc biệt, bởi đây là một bảo tàng duy nhất ở Việt Nam về di sản nhà khoa học, nơi nghiên cứu lịch sử cuộc đời nhà khoa học thông qua các tư liệu hiện vật của họ, lưu giữ và phát huy giá trị của các tư liệu hiện vật này. Hơn nữa, đây là một bảo tàng ngoài công lập, không sử dụng ngân sách nhà nước mà hoàn toàn do Tập đoàn Medlatec Group đầu tư kinh phí, sự ủng hộ của các nhà khoa học và gia đình họ.

Như TS Hoàng Đạo Cương – Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã đánh giá: Bảo tàng Di sản các nhà khoa học Việt Nam là một thiết chế văn hóa mới mẻ về loại hình, về tổ chức và phương thức hoạt động. Việc Bảo tàng được cấp phép hoạt động sẽ là dấu ấn quan trọng hiện thực hóa chủ trương của Đảng và Nhà nước trong việc xã hội hóa các hoạt động văn hóa nói chung.

TS Hoàng Đạo Cương – Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch phát biểu tại buổi lễ
TS Hoàng Đạo Cương – Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch phát biểu tại buổi lễ

14 năm qua kể từ ngày thành lập, đến nay Trung tâm và Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam (gọi chung là MEDDOM) đã sưu tầm và lưu trữ được hơn 800.000 tài liệu, hiện vật, hàng trăm ngàn phút ghi âm, ghi hình tư liệu của 2000 nhà khoa học ở mọi lĩnh vực. Tất cả đã và đang được trân trọng lưu giữ và bảo quản theo quy chuẩn, được tổ chức thành những triển lãm, trưng bày rất có sức lan tỏa giá trị lớn trong xã hội. Đây thực sự là những di sản có ý nghĩa không chỉ đối với cá nhân mỗi nhà khoa học, mà còn là di sản của quốc gia, của lịch sử dân tộc. Song song với hoạt động nghiên cứu, sưu tầm, lưu giữ và phát huy di sản, Bảo tàng Di sản các nhà khoa học Việt Nam đã được chuẩn bị cơ sở vật chất khá đầy đủ và hiện đại tại Công viên Di sản ở Cao Phong, Hòa Bình. Đó là một bước đi đúng đắn khi vừa chuẩn bị nội dung, vừa chuẩn bị cơ sở vật chất cho sự ra đời của tổ hợp bảo tàng - lưu trữ - thư viện về di sản của các nhà khoa học Việt Nam.

Nội dung bảo tàng về khoa học và các nhà khoa học ở Việt Nam sẽ phản ánh lịch sử nền khoa học, lịch sử các ngành khoa học nước ta theo diễn trình lịch sử từ những năm đầu thế kỷ XX trở đi. Bảo tàng này, sẽ giúp công chúng hiểu được trong tiến trình lịch sử khoa học khoảng 100 năm qua, đã hình thành nên những thế hệ các nhà khoa học Việt Nam với những đóng góp của họ cho khoa học và cho cuộc sống như thế nào. Như PGS.TS Nguyễn Văn Huy – Giám đốc chuyên môn của MEDDOM đã khẳng định: Bảo tàng Di sản các nhà khoa học Việt Nam tương lai không chỉ là nơi tham quan để hiểu về lịch sử khoa học, về các nhà khoa học, mà còn là nơi để tìm hiểu những giá trị, phẩm chất của các nhà khoa học, từ đó tạo niềm cảm hứng trong cuộc sống cho mỗi khách tham quan, nhất là thế hệ trẻ. Đây cũng là nơi học tập và khám phá, bởi các tư liệu trưng bày cũng là sử liệu giúp cho những người quan tâm hiểu rõ hơn về lịch sử ngành, hoặc về các vấn đề khoa học. Đồng thời, đây là nơi khơi dậy tinh thần khoa học cùng niềm tự tôn khoa học của Việt Nam.

Địa chỉ trao gửi niềm tin

Suốt 14 năm kiên trì, bền bỉ và nỗ lực cho một mục tiêu lưu giữ và phát huy di sản nhà khoa học của Meddomd, đến nay, đã có 2000 nhà khoa học ở nhiều lĩnh vực khác nhau đã trao gửi niềm tin của mình bằng việc trao tặng cho Meddom khối tư liệu hiện vật gắn bó máu thịt cả đời hoạt động khoa học của mình.

Bảo tàng Di sản các nhà khoa học Việt Nam - Địa chỉ của niềm tin và sự trân trọng ảnh 2

PGS.TS Lê Văn Truyền – nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, một nhà khoa học có uy tín và nhiều đóng góp trong lĩnh vực Dược học ở Việt Nam, chính là nhà khoa học thứ 2000 đó.

Tại buổi lễ ký kết bàn giao danh mục khối tài liệu hiện vật mà ông đã tin tưởng trao tặng cho Meddom, ông vô cùng xúc động nói: “Gần 5 năm làm việc với các cán bộ của Meddom, tôi hết sức cảm phục ý tưởng của nhà sáng lập Meddom – GS.AHLĐ.TTND Nguyễn Anh Trí. Tôi cũng rất ấn tượng và cảm phục sự tâm huyết của các cán bộ Meddom cũng như phương pháp làm việc khoa học, cẩn trọng, tỉ mỉ, chính xác của các bạn trẻ ở đây. Trong cơn lốc thị trường, nhiều giá trị tinh thần đôi khi bị phai nhạt và có phần lãng quên, thì việc làm có ý nghĩa xã hội và nhân văn rất lớn của Meddom đã khẳng định một điều: nếu không tôn trọng quá khứ thì chúng ta sẽ phải trả giá đắt sau này. Hội nghị toàn quốc về văn hóa lần thứ ba vừa diễn ra càng cho chúng ta thấy ý nghĩa cao cả của các hoạt động mà Meddom đang tiến hành. Tôi rất vinh dự được trao gửi những đứa con tinh thần của mình và hoàn toàn tin tưởng rằng chúng sẽ được trân trọng.

Bộ sưu tập tài liệu hiện vật mà PGS.TS Lê Văn Truyền trao tặng Meddom đều có “linh hồn” bởi gắn với chúng là những câu chuyện, những ký ức trong cuộc đời một nhà khoa học Dược, một thầy giáo.

PGS.TS Lê Văn Truyền giới thiệu về di sản của mình
PGS.TS Lê Văn Truyền giới thiệu về di sản của mình

Trong bộ sưu tập quý giá đó, có cuốn sách “Để nhớ để thương – hồi ức của một thầy giáo” mà PGS.TS Lê Văn Truyền rất thấu hiểu giá trị của di sản ký ức đã tâm huyết viết nên nó bằng tất cả tình yêu thương của mình đối với quê hương, gia đình, bè bạn, những mái trường mà ông đã học tập và công tác, trong đó có Đại học Dược khoa đã 65 năm tuổi mà ông có nhiều năm gắn bó trong vai trò một giảng viên. Một phần những tài liệu hiện vật đó đã được trưng bày trang trọng ngay tại Tòa nhà Quyển sách trong khuôn viên Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

Con số 2000 nhà khoa học trao gửi niềm tin của mình cho Meddom và sẽ được sử dụng trưng bày trong Bảo tàng Di sản các nhà khoa học Việt Nam chắc chắn không dừng lại mà còn tăng lên nhiều hơn nữa. GS Nguyễn Anh Trí đại diện Medlatec Group là đơn vị đầu tư toàn diện cho Meddom đã khẳng định: Vẫn biết rằng, con đường để hiện thực hóa ước mơ về một Bảo tàng Di sản các nhà khoa học Việt Nam độc đáo và đặc sắc mới chỉ là những bước đi ban đầu và còn rất nhiều gian nan. Nhưng Medlatec Group sẽ quyết tâm đầu tư, nỗ lực thúc đẩy để Công viên và Bảo tàng Di sản các nhà khoa học Việt Nam hoạt động ngày càng hiệu quả, phát huy giá trị di sản nhà khoa học cho nhiều thế hệ mai sau.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ