Các trường học ở Việt Nam đã mở cửa trở lại và xe buýt đã hoạt động bình thường ở Việt Nam – nơi đã qua gần một tháng nhưng không có ca lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng.
Sau khi ngăn được dịch bệnh bùng phát, Hà Nội hiện đang gặt hái được những lợi ích chiến lược từ phản ứng nhanh nhạy của mình.
Các nhà tư vấn kinh doanh cho biết, sự quan tâm của các nhà đầu tư vốn đã tăng lên trong năm nay thì nay lại càng được thúc đẩy trong bối cảnh đại dịch cho thấy cần cấp bách chuyển dịch việc sản xuất ra khỏi Trung Quốc.
Trong khi đó, việc xuất khẩu khẩu trang và bộ xét nghiệm Covid-19 của Việt Nam cũng giảm bớt tác động kinh tế lớn của đại dịch.
“Trong một hai tháng đầu tiên của đại dịch, mọi thứ bị đình trệ” – giám đốc tư vấn kinh doanh quốc tế Trent Davies của công ty Dezan Shira & Associates có trụ sở tại Việt Nam cho biết - "Nhưng chúng tôi bắt đầu thấy có ngày càng nhiều email từ các công ty quan tâm hỏi về việc đầu tư vào Việt Nam”.
Việt Nam xác nhận ca mắc Covid-19 đầu tiên vào ngày 23/1 và bắt đầu nới lỏng giãn cách kéo dài 2 tuần từ giữa tháng 4, đồng thời tăng thêm sự tự do cho Hà Nội và TP HCM một tuần sau đó.
Ngày 9/5, nhà chức trách TP HCM cũng dỡ bỏ các giới hạn đối với quán bar.
So với các nước gần khác như Thái Lan, Malaysia và Singapore - những nơi đang có hàng ngàn ca mắc Covid-19, Việt Nam đến nay vẫn duy trì con số này dưới 300 bằng một loạt các biện pháp kết hợp như sớm giới hạn việc đi lại, cách ly, xét nghiệm và lần dấu vết người nhiễm một cách quyết liệt.
Việc trên được hỗ trợ một phần bởi chính bộ thử tự sản xuất của Việt Nam và hiện nay, chúng được sản xuất hàng loạt để xuất khẩu đi các nước như Iran, Phần Lan và Malaysia.
Tổ chức Y tế thế giới và Anh đã phê chuẩn bộ thử trên vào tháng trước, cho phép bộ thử này được bán ở châu Âu.
Trong khi đó việc sản xuất khẩu trang hàng loạt đã giúp được ngành dệt may vốn đang gặp khó khăn do nhu cầu sụt giảm từ người mua phương Tây.
Thậm chí trước khi các giới hạn xuất khẩu được dỡ bỏ vào tháng trước, Việt Nam đã chuyển 80 triệu khẩu trang trong nửa tháng đầu tiên của tháng 4 tới các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc.
Nhu cầu rất lớn cũng đag đến từ Pháp – nơi bắt buộc mọi người phải đeo khẩu trang khi đi các phương tiện giao thông công cộng và tại các trường trung học sau nới lỏng phong tỏa.
Việt Nam cũng ủng hộ hơn 1 triệu khẩu trang cho các nước láng giềng như Campuchia, Lào cũng như các nước khác xa hơn như Mỹ, Nga.
Là nước đi trước, với vai trò là Chủ tịch ASEAN, Việt Nam khá vững vàng trong việc dẫn dắt và định hình các phản ứng của khu vực về đại dịch.
“Không quốc gia nào có thể tự phục hồi nhưng những nước có định hình tốt hơn và ứng phó khủng hoảng sớm hơn sẽ có vị thế tốt hơn” – Tiến sĩ Le Thu Huong, chuyên gia phân tích cấp cao tại Viện chính sách chiến lược Australia nói với hãng tin Straits Times.
Nói tại một hội nghị kinh doanh trực tuyến vào ngày 9/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đặt ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2020 là hơn 5%, mặc dù dự đoán vào tháng trước của Quỹ tiền tệ quốc tế là 2,7%.
Tuy nhiên, ông Davies cho rằng thời gian đình trệ do đại dịch đã khiến Việt Nam mất thời gian để phát triển cơ sở hạ tầng nên gặp thách thức trong việc xây dựng để kịp phục vụ các nhà đầu tư vào các ngành công nghiệp.