Điều đáng buồn là trẻ em – kể cả những trẻ chỉ mới 12 tháng tuổi cũng bị bạo lực, thường là bởi chính những người được giao phó chăm sóc các em. Lớn hơn một chút, trẻ có thể bị bạo hành ở trường, trong cộng đồng.
Trẻ bị bạo hành ở tất cả giai đoạn tuổi ấu thơ
Báo cáo mang tên Một gương mặt quen thuộc: Bạo lực trong cuộc sống của trẻ em và trẻ vị thành niên của UNICEF cho chúng ta thấy nhiều điều về tình trạng bạo lực với trẻ em.
Theo đó, 3/4 số trẻ em 2-4 tuổi trên toàn thế giới (khoảng 300 triệu trẻ) hàng ngày đang phải chịu các hành vi gây sức ép về tâm lý hoặc bị trừng phạt thân thể bởi chính những người chăm sóc các em ở nhà. Tại 30 quốc gia có dữ liệu, khoảng 6 trong 10 trẻ 1 tuổi thường xuyên bị kỷ luật bằng bạo lực. Gần ¼ trẻ 1 tuổi bị lắc người để trừng phạt và gần 1 trong 10 em bị đánh hoặc bị tát vào mặt, đầu hoặc tai. Tương tự, với trẻ dưới 5 tuổi, thế giới có khoảng 176 triệu trẻ đang sống với mẹ là nạn nhân bị bạo lực từ bạn tình.
Ở nhà thì vậy, đến trường, trẻ cũng gặp không ít trở ngại. Có tới một nửa số trẻ trong độ tuổi đến trường (732 triệu trẻ) sống tại các quốc gia nơi việc trừng phạt thân thể ở trường học chưa bị cấm tuyệt đối. Gần 130 triệu HS độ tuổi 13-15 từng bị bắt nạt. Năm 2016 ghi nhận gần 500 vụ tấn công hoặc đe dọa tấn công trong trường học ở 18 quốc gia và các khu vực khác trên toàn thế giới.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, bạo lực trẻ em luôn để lại hậu quả nặng nề hơn các nhóm có độ tuổi lớn hơn. Số liệu của UNICEF chỉ ra, trên toàn cấu cứ 7 phút lại có 1 trẻ vị thành niên tử vong do bạo lực. Với những trẻ khác, tổn thất về sức khỏe và nguy hại hơn và tin thần sẽ đem bám các em suốt cuộc đời.
Nhận xét về tình trạng bạo lực trẻ em, ông Cornelius Williams, Trưởng Ban Bảo vệ trẻ em của UNICEF cho biết: Tổn hại đối với trẻ em trên toàn thế giới thực sự rất đáng lo ngại. Trẻ nhỏ bị tát vào mặt; Trẻ em gái và trẻ em trai bị ép tham gia các hành vi tình dục; Trẻ vị thành niên bị giết hại tại chính cộng đồng của các em cho thấy bạo lực đối với trẻ em không chừa một ai và không có ranh giới.
Việt Nam không phải ngoại lệ
Những ngày qua, dư luận đang bức xúc, phẫn nộ trước việc bé gái (Hà Nam) chưa đầy 2 tháng tuổi bị người giúp việc tát vào mặt, tai và tung lên để nín khóc. Hay vụ bạo hành trẻ mầm non ở cơ sở GD Mầm Xanh (quận 12, TP. HCM) và gần đây nhất là vụ bà nội do tin lời bói toán đã nhẫn tâm giết cháu nội chưa đầy 1 tháng tuổi ngay tại nhà ở Thanh Hóa…
Những vụ việc trên được phát hiện, đưa trên phương tiện thông tin đại chúng cho thấy Việt Nam không phải ngoại lệ trong việc bạo lực với trẻ em. Thực tế cho thấy bạo lực vẫn diễn ra hàng ngày, hàng giờ và phải chăng do các em còn quá nhỏ, chưa biết phân biệt nên chỉ những vụ việc gây hậu quả đau lòng mới được biết đến.
Thống kê của Bộ LĐ&TBXH, Tổng cục Thống kê những năm trước cho thấy dù Việt nam đã có tiến bộ trong thay đổi quan niệm và thực hành chăm sóc và bảo vệ trẻ em, nhiều hình thức bạo lực đối với trẻ em như bạo lực thân thể, xâm hại tình dục và lạm dụng lao động vẫn phổ biến. Kỷ luật bạo lực đang diễn ra phổ biến với gần 68,4% trẻ em độ tuổi 1-14 được báo cáo là đã từng bị cha mẹ hoặc người chăm sóc bạo lực ở nhà. Khoảng 20% trẻ em gái và trẻ em trai 8 tuổi nói rằng các em bị trừng phạt thân thể ở trường.
Bên cạnh đó, xấp xỉ16% trẻ em (tương đương 1,7 triệu trẻ) độ tuổi 5-17 được coi là lao động trẻ em, trong đó 7,8% làm việc trong các điều kiện nguy hiểm. Tỷ lệ trẻ em gái và nữ thanh niên 15-19 tuổi đã kết hôn tăng từ 5,4% vào năm 2006 lên 11% vào năm 2015. Trong giai đoạn 2011-2015, có 5.300 vụ việc xâm hại tình dục trẻ em, chủ yếu là với trẻ em gái đã được báo cáo.
Thực trạng trẻ bị bạo lực ở Việt Nam cũng như thế giới chứng tỏ cả một thế hệ đang đứng trước nhiều nguy cơ gây tổn hại về sức khỏe, tinh thần. Vậy làm thế nào để bảo vệ các em.Các chuyên gia UNICEF cho rằng đây là trách nhiệm của mỗi người và mọi người. Trên phương diện quốc gia, cần hoàn thiện hệ thống chính sách và đẩy mạnh việc thực thi chúng trên mọi phương diện, với sự tham gia của nhà nước và các tổ chức xã hội dân sự. Trong cộng đồng, gia đình, trường học cần có sự thay đổi các chuẩn mực, hành vi xã hội và văn hóa vốn đã ăn sâu, bám rễ vào tư tưởng nhiều người như việc coi bạo lực là bình thường, là “yêu cho roi” đồng thời nhân lên những mô hình an toàn cho trẻ trong gia đình, nhà trường và ngoài xã hội.