Lan tỏa yêu thương

GD&TĐ - Ngày 22/12, tại Hà Nội, Trung tâm Nghiên cứu Quản lý và Phát triển bền vững (MSD) phối hợp với tổ chức Cứu trợ trẻ em quốc tế tổ chức đối thoại “Lan tỏa Yêu thương - Chấm dứt những hình phạt thể chất và tinh thần & Thúc đẩy phương pháp kỷ luật không bạo lực”.

Tọa đàm Đối thoại Lan tỏa yêu thương
Tọa đàm Đối thoại Lan tỏa yêu thương

Nhằm mục đích truyền thông nâng cao nhận thức về chấm dứt các hình thức bạo lực với trẻ em bao gồm việc sử dụng những hình phạt bạo lực, từ đó, trao đổi và thúc đẩy những giải pháp sử dụng phương pháp kỷ luật không bạo lực với trẻ em thay thế.

Tham dự sự kiện có Đại diện Cục trẻ em, Bộ Lao động thương binh và xã hội, Đại diện Đại sứ Quán Thụy Điển tại Việt Nam, đại diện các tổ chức xã hội trong nước và quốc tế, các nhân viên công tác xã hội làm về mảng trẻ em, các giáo viên, phụ huynh, và các tổ chức và cá nhân quan tâm đến chủ đề của sự kiện.

Phát biểu khai mạc, bà Nguyễn Phương Linh, Giám đốc MSD cho biết: “ Đối thoại “Lan toả yêu thương” đúng theo tên gọi để chia sẻ và trao đổi các góc nhìn khác nhau và các giải pháp để thúc đẩy việc chấm dứt những hình phạt thể chất và tinh thần trẻ em, đưa ra các giải pháp Phương pháp kỷ luật tích cực. Chúng tôi mong muốn truyền tải một thông điệp cụ thể rằng: MỌI HÀNH VI BẠO LỰC TRẺ EM, DÙ DƯỚI DANH NGHĨA GÌ CŨNG LÀ SAI TRÁI và CẦN ĐƯỢC CHẤM DỨT. Chúng ta hãy cùng nhau lan toả yêu thương, giáo dục không sử dụng bạo lực cho cha mẹ và các thầy cô giáo, đồng thời vận động chính sách để CẤM tuyệt đối tất cả các hành vi trừng phạt trẻ em dù là nhân danh giáo dục hay kỷ luật”.

 Các hình phạt thể chất và tinh thần vẫn chưa được hiểu đúng mức

Bà Victoria Rhodin Sandström, Bí thư thứ Nhất, Đại sứ quán Thuỵ Điển tại Việt Nam nhấn mạnh: “Không có quốc gia nào trên thế giới có thể mang lại sự an toàn, tự do cho trẻ em nếu sử dụng đến các hình thức bạo lực đối với trẻ em. Và để bảo vệ trẻ em, cần có sự tham gia của các bên liên quan. Một đất nước quan tâm đến trẻ em cần phải tạo ra hành lang pháp lý để trẻ em được lớn lên an toàn, phát triển toàn diện”.

Thụy Điển là quốc gia đầu tiên trên thế giới thông qua đạo luật về chống bạo lực với trẻ em vào năm 1979. Đạo luật bảo vệ trẻ em khỏi mọi hình thức bạo lực để trẻ được lớn lên trong một môi trường an toàn. Theo đạo luật, các hình thức sử dụng bạo lực đều bị nghiêm cấm ở Thụy Điển trong môi trường gia đình cũng như học đường; trẻ em được đối xử công bằng. Luật Cha mẹ và Trẻ em vào năm 1979, ở Điều 6.1, quy định Trẻ em được tôn trọng và không phải chịu mọi hình thức bạo thực về thể chất và tinh thần. Điều 5, Chương 2 Quy định về Chính phủ quy định “Tất cả mọi người được bảo vệ khỏi các hình thức trừng phạt về thể chất và tinh thần”.

Ảnh minh họa (nguồn internet)
Ảnh minh họa (nguồn internet)

Đề cập đến Khung pháp lý về bảo vệ trẻ em trên Thế giới và ở Việt Nam, bà Hoàng Thị Tây Ninh - Đại diện SC làm rõ “Liên quan đến vấn đề bảo vệ trẻ em khỏi các hình thức bạo lực, các Ủy ban của Liên Hợp quốc quan tâm đến vấn đề bảo vệ trẻ em khỏi các hình thức bạo lực”. Công ước Quốc tế về Quyền trẻ em cũng đề cập đến các vấn đề về bảo vệ Quyền trẻ em. Việt Nam cũng đã ký cam kết thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, trong đó có mục tiêu 16.2 về các vấn đề bảo vệ trẻ em. Thụy Điển là quốc gia đầu tiên đưa ra các đạo luật cấm các hình thức bạo lực đối với trẻ em. Trong gần 4 thập kỷ, số lượng các quốc gia có luật cấm hoàn toàn các hình phạt thể chất và tinh thân đã tăng lên. Hiện nay, đã có 52 nước đã chính thức đưa vào luật cấm các hình thức bạo lực đối với trẻ em. Tiến trình toàn cầu đang hướng đến một thế giới phát triển bền vững, không có bạo lực”.

Ở Việt Nam, liên quan đến khung pháp lý về bảo vệ trẻ em có Luật Trẻ em 2016, Luật Hôn nhân và Gia đình 2017, Luật Giáo dục 2005, Luật phòng chống bạo lực gia đình 2007 và Luật Hình sự. Điều 26, Luật trẻ em 2016 ghi rõ trẻ em có quyền được bảo vệ dưới mọi hình thức để không bị bạo lực, không bị bỏ rơi, bỏ mặc, được phát trển an toàn. Tuy nhiên, trong tất cả các luật liên quan đến trẻ em, các hình phạt thể chất và tinh thần vẫn chưa được hiểu đúng mức, chưa được làm rõ ở bất kỳ điều luật nào. Trên thực tế, việc bố mẹ đánh con, quát mắng như một hình thức giáo dục là một hình thức bạo lực với trẻ em và vi phạm pháp luật.

Có khả thi khi đưa vào luật cấm các hình phạt về thể chất và tinh thần đối với trẻ?

Phiên Đối thoại thứ nhất xoay quanh thảo luận cho câu hỏi “CÓ CẦN, hay có khả thi khi đưa vào Luật Việt Nam cấm các hình phạt về thể chất và tinh thần đối với trẻ?” có sự tham gia của Bà Hoàng Thị Tây Ninh - Tổ chức Cứu trợ Trẻ em (SC); Bà Phan Thị Hiền Anh - Phòng Bảo vệ Trẻ em, Cục Bảo vệ Trẻ em; Ông Trần Ban Hùng - Chuyên gia Bảo vệ Trẻ em và Bà Lê Thị Thanh Thủy - Doanh nhân Giáo dục và Truyền thông, đại diện phụ huynh.

Có quan điểm cho rằng mọi người xác định một số vùng an toàn để đánh trẻ và nghĩ đó không ảnh hưởng đến trẻ. Tuy nhiên, tất cả các hình phạt đó đều ảnh hưởng đến trẻ. Việc sử dụng các hình phạt về tinh thần như quát mắng trẻ là thể hiện sự không tôn trọng nhân phẩm của trẻ. Trẻ em nhiều khi bị xem như là “cái thớt” để bố mẹ xả vào những sự căng thẳng, áp lực của mình. Người khác đánh con, mắng con là không được, nhưng tại sao bố mẹ có thể đánh, mắng? Đó chỉ là sự thể hiện quyền lực của bố mẹ. Và không có đánh mắng an toàn.

Ông Trần Ban Hùng nhấn mạnh: “Trong những lần dạy về Kỷ luật tích cực, tôi có nghe các học viên chia sẻ rằng họ đánh mắng học sinh một cách có giáo dục. Vậy có anh/ chị nào có thể chỉ ra cho tôi tài liệu quy định đánh mắng có giáo dục? Chúng ta cần phải đưa các điều khoản cụ thể vào Luật. Nếu các điều khoản về chống các hình phạt thể chất và tinh thần đối với trẻ em chỉ dừng ở mức quy định thì nó chưa đủ mạnh. Tôi đề xuất nên xử lý nghiêm việc sử dụng các hình phạt thể chất và tinh thần đối với trẻ em theo các Nghị định”.

Tuy nhiên, nói về tính khả thi của việc đưa ra Luật cấm các hình phạt thể chất và tinh thần đối với trẻ em, Bà Phan Thị Hiền Anh cho biết “Đối với Luật trẻ em 2016, để ra được Luật, Cục trẻ em cũng đã trải qua 2 năm để thay đổi từng câu chữ. Quan niệm truyền thống vẫn xem việc đánh, mắng con là việc gia đình là một trong những khó khăn để thay đổi vấn đề. Có 3 cấp độ bảo vệ trẻ em: Cấp độ phòng ngừa - Cấp độ hỗ trợ - Cấp độ can thiệp. Do đó, chúng ta nên tập trung vào 2 cấp độ đầu tiên, trước tiên nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng, Việc đưa các Luật cấm các hình phạt thể chất và tinh thần đối với trẻ có thể được xem là phương án cuối cùng. Vấn đề đặt ra ở đây là cần các tài liệu truyền thông và đảm bảo việc tiếp nhận thông tin của công chúng”.

Trẻ cần được yêu thương (ảnh minh họa -nguồn internet)
Trẻ cần được yêu thương (ảnh minh họa -nguồn internet)

Phương pháp kỷ luật tích cực - “cây đũa thần” trong giáo dục trẻ

Bà Hoàng Thị Kim Huệ - Giảng viên, Phó trưởng bộ môn - Trường Đại học Sư phạm Hà Nội  nhấn mạnh: “Một trong những đối tượng mà chúng ta cần lan tỏa đến nhất đó chính là giáo viên”. Giáo dục kỷ luật tích cực chính là giáo dục dựa trên nguyên tắc vì lợi ích tốt nhất của trẻ. Nếu giáo viên sử dụng biện pháp kỷ luạt tích cực sẽ có lợi cho học sinh, giúp các em phát huy năng lực của mình; giáo viên cũng sẽ giảm được áp lực quản lý lớp học, xây dựng được mối quan hệ tốt đẹp với học sinh; gia đình và cộng đồng cũng sẽ có những công dân tốt.

Nuôi dạy trẻ là một hành trình nhiều niềm vui, hạnh phúc nhưng cũng có nhiều khó khăn vất vả và kỷ luật tích cực là công cụ hữu ích giúp tạo ra con người trưởng thành.

“Kỷ luật tích cực là một hành trình dài, nhiều khó khăn nhưng cũng nhiều niềm vui. Chính vì thế, chúng ta cần có người bạn đồng hành. Đó có thể là các nhóm, các hội … cùng khích lệ nhau, bước đi cùng nhau với sự tự tin”, chị Lê Thị Thanh Thủy, GĐ DNXH Ô Xinh chia sẻ.

Cần hiểu bản chất của kỷ luật tích cực. Đó không phải là 2 nguyên tắc, 3 phương pháp mà đó là sự sáng tạo của tình yêu thương dành cho con. Mỗi đứa trẻ là một vấn đề và mỗi bố mẹ sẽ có những cách giải quyết vấn đề khác nhau. Và khi chúng ta cho các con tham gia vào công việc chung, chúng ta sẽ thấy trẻ làm được rất nhiều điều tuyệt vời.

Đối thoại cũng ghi nhận nhiều chia sẻ của các bậc cha mẹ đang hoạt động, công tác ở những lĩnh vực khác nhau hướng đến giải pháp chấm dứt hình phạt thể chất và tinh thần đối với trẻ em và thúc đẩy phương pháp kỷ luật tích cực.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ