Bạo lực học đường, cách nào ngăn chặn?

GD&TĐ - Lứa tuổi học đường không tránh khỏi va chạm. Nhưng nếu có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội sẽ giúp các em kiềm chế bản thân.

Nữ sinh bị đánh hội đồng ngày 5/9. Ảnh: Cắt từ clip
Nữ sinh bị đánh hội đồng ngày 5/9. Ảnh: Cắt từ clip

Ngoài ra, nhà trường thường xuyên tổ chức các hoạt động thể dục, thể thao... cho học sinh sẽ giải tỏa năng lượng tiêu cực, qua đó góp phần giảm thiểu, xóa bỏ tình trạng bạo lực học đường.

Tác động của tâm sinh lý lứa tuổi

Mới đây, mạng xã hội xuất hiện đoạn clip dài khoảng 7 phút ghi lại cảnh nữ sinh mặc áo trắng bị tát liên tục vào mặt. Những người xung quanh không can ngăn mà hò reo, cổ vũ.

Theo tìm hiểu, sự việc xảy ra tại công viên Đồng Tâm, thuộc TP Yên Bái (Yên Bái). Trả lời báo chí, đại diện TP Yên Bái cho biết, vụ việc xảy ra sáng 5/9, sau buổi lễ khai giảng năm học 2021 - 2022, nạn nhân là nữ sinh THPT. Cơ quan chức năng đang củng cố hồ sơ để xử lý vụ việc theo quy định.

Sáng 19/9, Sở GD&ĐT Bắc Giang có văn bản báo cáo UBND tỉnh về sự việc xô xát, đánh nhau quay clip đưa lên mạng xã hội tại Trường THPT Lục Ngạn số 3 xảy ra trước đó một ngày.

Theo đó, trong giờ ra chơi tiết 1 (khoảng 7 giờ 45 phút), em G.V.L, lớp 11A4 sang lớp 11A6 tìm em N.Q.H để giải quyết mâu thuẫn cá nhân xảy ra bên ngoài nhà trường từ trước. Trong khi nói chuyện, do không kiềm chế được cảm xúc, L đá vào sườn H.

Chứng kiến sự việc, em H.M.Q, lớp 11A6 vào kéo em H ra, song lại bị N.V.T, học lớp 12A6 có mặt tại đó đánh. Đến giờ ra chơi tiết 2 (khoảng 8 giờ 45 phút), em Q và P.V.T lớp 11A5 gọi H ra nhà vệ sinh để nói chuyện và xảy ra xô xát, đánh nhau.

Trong lúc xảy ra sự việc, em Đ.V.A lớp 11A10 quay clip, gửi cho một số bạn học trong trường. Sau đó, clip lan truyền trên mạng xã hội thông qua tài khoản Facebook Đỗ Tuấn (người ngoài nhà trường).

Sau khi xem những clip, hình ảnh bạo lực trên mạng xã hội, em Hoàng Văn Sơn – học sinh lớp 11 một trường THPT trên địa bàn huyện Chương Mỹ (Hà Nội) cảm thấy phẫn nộ đan xen lo lắng.

“Rất may, ngôi trường em đang theo học các bạn rất hòa đồng. Bố mẹ luôn dặn dò, không nên trêu đùa bạn qua mức, đẩy mâu thuẫn lên cao, dẫn đến những tình huống ngoài ý muốn. Em cho rằng, đến trường là để học tập, bạn bè và thầy cô cùng chia sẻ, quan tâm và giúp đỡ nhau”, Sơn nói.

Theo thầy Bùi Anh Tuấn – Hiệu trưởng Trường THCS Cổ Nhuế 2 (Bắc Từ Liêm – Hà Nội), mâu thuẫn ở lứa tuổi học sinh khó tránh khỏi, đặc biệt qua quá trình học trực tuyến như hiện nay. Bởi, học sinh được thoải mái sử dụng điện thoại, mạng Internet. Do đó, ngay từ đầu năm học, trường đã có hướng dẫn học sinh, phụ huynh về cách sử dụng và kiểm soát mạng xã hội.

Khi quay trở lại học, trường sẽ quán triệt học sinh không được sử dụng điện thoại khi chưa được sự đồng ý của giáo viên. Việc sử dụng điện thoại chỉ phục vụ cho mục đích học tập.

Bên cạnh đó, môi trường gia đình sẽ tác động rất nhiều đến việc hình thành nhân cách, bản lĩnh xử lý tình huống của mỗi trẻ. Nếu thường xuyên phải chứng kiến cảnh bố mẹ bạo lực với nhau, trẻ sẽ bị ảnh hưởng tâm lý và hành vi sau này.

Ông Hoàng Mạnh Cường – Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Phúc Thọ (Hà Nội) - thông tin: Bạo lực học đường giữa học sinh với nhau chủ yếu do tâm sinh lý lứa tuổi. Giữa giáo viên với học sinh, đa phần xuất phát từ trách nhiệm, do việc nhắc nhở nhiều lần dẫn đến ức chế, không tiết chế được cảm xúc...

“Việc tổ chức các hoạt động lành mạnh, giáo dục kỹ năng sống, giáo dục phẩm chất đạo đức... trong nhà trường rất quan trọng. Phòng GD&ĐT năm nào cũng chỉ đạo các nhà trường xây dựng kế hoạch từ đầu năm. Bên cạnh đó, sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội cũng vô cùng cần thiết, góp phần giảm thiểu, xóa bỏ tình trạng bạo lực học đường”, ông Cường nói.

Cần thường xuyên truyền thông giáo dục kỹ năng phòng ngừa xâm hại, bạo lực, trong đó có bạo lực học đường. Ảnh tư liệu của Hoàng Sơn
 Cần thường xuyên truyền thông giáo dục kỹ năng phòng ngừa xâm hại, bạo lực, trong đó có bạo lực học đường. Ảnh tư liệu của Hoàng Sơn

Giáo dục kỹ năng phòng ngừa bạo lực

TS Vũ Thu Hương - nguyên giảng viên Khoa Giáo dục Tiểu học (ĐH Sư phạm Hà Nội) - cho biết: Nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường, xuất phát từ quan niệm của cha mẹ, coi việc bạo lực, chửi mắng con là cách giáo dục hiệu quả. Hoặc khi người lớn ứng xử với nhau bằng bạo lực trước mặt trẻ nhỏ.

Khi việc học không cân đối, học sinh quá tải về kiến thức, không có thời gian vận động, hay những buổi sinh hoạt cộng đồng, dễ dẫn đến áp lực, cảm xúc tiêu cực bị tích tụ.

Áp lực thành tích đến từ phụ huynh, giáo viên cũng gây ra sự căng thẳng thần kinh dẫn đến làm giảm khả năng kiên nhẫn của trẻ. Rất nhiều gia đình ép con học 10 – 12 giờ/ngày, khiến trẻ có thói quen sinh hoạt, ăn uống tùy tiện, điều này ảnh hưởng đến cân bằng tâm lý.

Bên cạnh đó, việc học sinh xem các chương trình, chơi trò chơi điện tử mang tính bạo lực, cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo lực học đường tăng cao.

“Chúng ta cần xác định rõ mục tiêu học tập cho trẻ, xóa bỏ bệnh thành tích, cân bằng thời gian hoạt động, sinh hoạt. Đồng thời, điều chỉnh các yếu tố môi trường, hành vi trong gia đình và nhà trường cho phù hợp để hạn chế tình trạng bạo lực học đường” – TS Hương nói.

Cho rằng bạo lực học đường xuất phát từ hạn chế hiểu biết, coi thường pháp luật, ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em (Bộ LĐ,TB&XH) - nêu quan điểm: Ngoài việc giáo dục kỹ năng sống chưa tốt, nhiều người không kiềm chế được cảm xúc. Ảnh hưởng của những sản phẩm truyền thông, phim ảnh, game góp phần dẫn đến bạo lực học đường gia tăng.

Số liệu của Bộ LĐ,TB&XH và Bộ Công an cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2021, tình trạng xâm hại trẻ em, chủ yếu bạo lực ở gia đình tăng 11% so với năm 2020.

Để hạn chế tình trạng trên, ông Nam khẳng định: Cần kiên trì thực hiện các giải pháp, thực thi pháp luật, xử lý nghiêm và kịp thời hành vi xâm hại trẻ em. Đồng thời, thường xuyên truyền thông giáo dục kỹ năng phòng ngừa xâm hại, bạo lực, trong đó có bạo lực học đường.

Bên cạnh đó, tham vấn, tâm lý học đường rất quan trọng, đây là cách tháo gỡ tích cực nhất. Kết hợp công tác xã hội trong cộng đồng và trường học để phòng ngừa, giải quyết những vụ việc liên quan đến bạo lực của học sinh và trẻ em.

“Nhà trường sẽ thường xuyên tổ chức các hoạt động thể dục thể thao, dạy kỹ năng sống... để thầy trò cùng tham gia, từ đó tạo sự gắn kết, sẻ chia, giảm dần hành vi bạo lực học đường” - thầy Tuấn nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa INT.

Môn học công cụ

GD&TĐ - Theo kết quả kỳ thi học sinh giỏi quốc gia lớp 12 năm học 2024 - 2025, Hà Nội vẫn dẫn đầu cả nước về số lượng học sinh đoạt giải.