Bảo hiểm y tế là lựa chọn số 1 giúp người mắc bệnh tiếp tục được điều trị, duy trì sức khỏe.
Thanh niên chiếm phần lớn
Số liệu của Cục phòng chống HIV/AIDS cho thấy, 9 tháng đầu năm, cả nước phát hiện mới 6.883 người nhiễm HIV, 3.484 người chuyển sang giai đoạn AIDS. Trong số những người được báo cáo xét nghiệm mới phát hiện nhiễm HIV trong 9 tháng đầu năm 2017, nữ chiếm 22%, nam chiếm 78%.
Tình dục là con đường lây truyền chủ yếu (58%) nên số người mắc dần trẻ hóa. 40% người nhiễm HIV mới phát hiện trong năm 2017 trong độ tuổi từ 30 - 39; 30% người nhiễm trong độ tuổi từ 20 - 29. 19% người nhiễm trong nhóm tuổi từ 40 - 49; trên 50 tuổi chiếm 6%; nhóm tuổi từ 14 - 19 tuổi chiếm 3% và nhóm trẻ em từ 0 - 13 tuổi là 2%.
Trong tổng số người nhiễm HIV/AIDS, nhóm 0 - 19 tuổi chiếm tỷ lệ 5% cho thấy một phần nhỏ người bệnh là HSSV. Có nhiều nguyên nhân gây bệnh cho các em, trong đó phần lớn do mẹ truyền sang con.
Theo ông Đỗ Hữu Thủy, Trưởng phòng Truyền thông và huy động cộng đồng (Cục phòng chống HIV/AIDS), tỷ lệ trẻ mắc bệnh từ mẹ giảm nhiều trong những năm qua. Có được kết quả trên nhờ Chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con được thúc đẩy mạnh với các hoạt động từ truyền thông nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, đến cung cấp các dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con từ tuyến Trung ương đến tuyến cơ sở...
“Chúng ta đã làm giảm đáng kể tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con, có địa phương tỷ lệ này đã giảm xuống dưới 5%, nếu không can thiệp, tỷ lệ này ở mức 36 - 40%. Đến nay, tổng số trẻ đẻ sống từ mẹ nhiễm HIV là 1.261 trẻ được tiếp tục điều trị dự phòng ARV. Trong số 808 trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV được làm xét nghiệm trong vòng 2 tháng sau sinh, có 15 trẻ được xét nghiệm HIV dương tính, tỷ lệ dương tính là 1,87%”, ông Đỗ Hữu Thủy cho biết.
Cứu cánh cho người bệnh
Thống kê cho thấy hiện tỷ lệ HSSV lây nhiễm HIV trong môi trường học đường gần như chưa được ghi nhận. Tuy nhiên, vẫn còn những bà mẹ mang thai mắc bệnh không được điều trị dự phòng dẫn đến việc truyền bệnh cho con sau này. Hơn nữa, với quan niệm về tình yêu, tình dục ngày càng cởi mở cũng là nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ giới trẻ, trong đó có HSSV nhiễm HIV tăng.
Theo khuyến cáo của cơ quan chức năng, tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm đồng tính, đặc biệt nhóm tuổi trẻ là cảnh báo quan trọng về nguy cơ lây truyền HIV trong nhóm này sẽ chiếm tỷ trọng chính trong tương lai.
Tỷ lệ mắc bệnh trong giới trẻ tăng trong khi thuốc điều trị bị cắt giảm, lúc này, người bệnh chỉ còn trông chờ vào bảo hiểm y tế hỗ trợ họ trong việc khám, điều trị bệnh. Theo ông Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS, với hàng loạt giải pháp được liên ngành bảo hiểm - y tế đưa ra, đến nay, độ bao phủ bảo hiểm y tế trong bệnh nhân tham gia điều trị thuốc kháng HIV tăng lên từ 64% (tháng 2/2017) lên 76% (tháng 6/2017) và 82% (tháng 9/2017). Đáng chú ý có 6 tỉnh đạt mục tiêu 100% người nhiễm HIV có thẻ bảo hiểm (Bạc Liêu, Bình Định, Cà Mau, Cao Bằng, Lai Châu, Lạng Sơn) và có tới 23 tỉnh có tỷ lệ bao phủ BHYT trong bệnh nhân điều trị trên 90%.
Thuốc điều trị ARV đến ngày dừng viện trợ đã cận kề. Tuy nhiên, lúc này chúng ta vẫn gặp không ít khó khăn. Đó là làm thế nào để người nhiễm HIV có thẻ bảo hiểm y tế bởi còn một số ít người nhiễm HIV vẫn khó tiếp cận do họ không có bất cứ giấy tờ tùy thân nào hoặc lo ngại bị tiết lộ danh tính nên vẫn chưa sẵn sàng tham gia bảo hiểm y tế. Việc này đòi hỏi cơ quan chức năng tiếp tục phải tìm các giải pháp tháo gỡ sao cho bất kỳ người nào khi phát hiện bệnh đều có thuốc điều trị.
- Tính đến hết tháng 8/2017, đã có 121.399 người đang điều trị ARV trên tổng số khoảng 209.000 người sống chung với HIV chiếm 58,1%. Như vậy, Việt Nam có tỷ lệ người nhiễm HIV được điều trị ARV cao hơn tỷ lệ chung toàn thế giới.
- Bảo hiểm y tế được xác định đây là giải pháp bền vững cho việc đảm bảo điều trị HIV/AIDS nói chung và điều trị bằng thuốc ARV cho người nhiễm HIV. Cả nước hiện có 403 cơ sở điều trị HIV/AIDS (không kể cơ sở cấp phát thuốc ARV). Cho đến hết quý 3/2017 đã có 296 cơ sở điều trị HIV (chiếm 73%) được kiện toàn tức là đã ký được hợp đồng và sẵn sàng thanh toán các chi phí điều trị HIV/AIDS thông qua bảo hiểm y tế.