Phát triển Bảo hiểm Y tế trong HSSV: Trách nhiệm không của riêng ai

GD&TĐ - Xấp xỉ 7,5% HSSV chưa tham gia Bảo hiểm Y tế (BHYT) so với tỷ lệ chung trong cả nước không phải quá lớn nhưng để đạt mục tiêu 100% các em có thẻ bảo hiểm trong năm học này lại không dễ. Bởi phần lớn đây là trường hợp khó khăn về kinh tế.

Phát triển Bảo hiểm Y tế trong HSSV: Trách nhiệm không của riêng ai

Thiệt thòi do BHYT bị ngắt quãng

Bắt đầu từ tháng 7, lương cơ sở tăng trên phạm vi cả nước đồng nghĩa với việc phí đóng bảo hiểm cũng tăng. Theo tính toán của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, mức chênh lệch tăng thuộc phần trách nhiệm phải đóng của HSSV tăng 2.835 đồng/học sinh, sinh viên/tháng so với năm trước nhưng cũng tạo ra những tác động nhất định, làm ảnh hưởng đến lộ trình bao phủ BHYT tới 100% HSSV.

Tính chung trong cả nước, tỷ lệ HSSV tham gia bảo hiểm có dấu hiệu chững lại. Điển hình như Cần Thơ, tính đến ngày 31/7, tỷ lệ tham gia BHYT HSSV so với năm học 2016 - 2017 giảm 14,87%. Theo đó, cuối năm 2016 tỷ lệ tham gia BHYT của HSSV chiếm đến 99,87% nhưng tính đến ngày 31/7, tỷ lệ này giảm xuống còn 85%. Liên quan đến tình trạng trên do một số em chỉ tham gia bảo hiểm đến cuối cấp nên bị ngắt quãng vào dịp hè...

Việc bảo hiểm bị ngắt quãng sẽ không có gì để nói nếu như sức khỏe các em ổn định. Tuy nhiên, thực tế có nhiều trường hợp bị bệnh, tai nạn vào dịp này. Vừa qua, có nhiều phản ánh của phụ huynh về việc con em họ khi vào viện điều trị không được Bảo hiểm thanh toán. Nguyên nhân do bảo hiểm hết hạn mà gia đình không biết.

Chị Lê Thị Thành (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết: Nghỉ hè gia đình đưa con về quê chơi với ông bà, không may cháu bị ngã phải vào viện điều trị. Lúc nhân viên y tế hỏi bảo hiểm, gia đình mới đi tìm thì đã hết hạn mà chưa kịp mua bổ sung. Kết quả, gia đình phải thanh toán toàn bộ chi phí mà lẽ ra chỉ cần để ý một chút sẽ được giảm trừ rất nhiều. Theo chị Thành, cũng may con thương tật nhẹ nên chi phí không nhiều chứ bệnh nặng, chi phí lớn thì không biết xoay sở ra sao. Đây là bài học cho gia đình vì sự chủ quan của mình.

Tăng tốc để đạt mục tiêu

Năm học 2017 - 2018 đã đi được gần nửa chặng đường. Đây là thời gian để các đơn vị liên quan cùng tăng tốc trong việc huy động HSSV mua BHYT.

Từ kết quả phân tích nguyên nhân khiến cả nước còn khoảng 7,5% HSSV chưa tham gia BHYT, Phó trưởng Ban thu (Bảo hiểm Xã hội Việt Nam) Nguyễn Xuân Tư cho biết: Do nhận thức của một bộ phận người dân còn nhận thức chưa đầy đủ về chính sách BHYT nói chung và BHYT đối với HSSV nói riêng. Bên cạnh đó, một số cơ sở giáo thiếu quan tâm thích đáng đến BHYT, công tác y tế trường học nên việc rà soát, đối chiếu số HSSV chưa tham gia BHYT cũng như vận động các em, phụ huynh còn hạn chế...

Bản thân cơ quan Bảo hiểm Xã hội, ở một số nơi còn tình trạng chưa thật sự sâu sát trong quá trình triển khai thực hiện BHYT HSSV, chưa tham mưu kịp thời cho cấp ủy, chính quyền địa phương trong chỉ đạo thực hiện công tác này. Các cơ quan chức năng cũng chưa phối hợp chặt chẽ với ngành Giáo dục trong công tác rà soát, đối chiếu số HSSV đã tham gia và chưa tham gia BHYT để xây dựng kế hoạch tuyên truyền vận động, đồng thời đề xuất giải pháp để phát triển BHYT trong HSSV.

Là nhóm đặc thù bởi HSSV phần lớn phụ thuộc kinh tế vào cha mẹ nên để bao phủ BHYT cho các em thì đối tượng tác động không chỉ là HSSV mà còn là phụ huynh của các em. Tại Cần Thơ, để giữ chân HSSV cũng như nâng tỷ lệ tham gia BHYT toàn dân, UBND tỉnh đã yêu cầu các sở, ban ngành thành phố nghiêm túc tìm giải pháp hiệu quả để nâng cao tỷ lệ tham gia bảo hiểm. UBND thành phố sẽ điểm danh các đơn vị không hoàn thành chỉ tiêu tỷ lệ người dân tham gia BHYT và có biện pháp xử lý từng trường hợp một.

Với bản thân ngành bảo hiểm, theo ông Tư, thực hiện mục tiêu 100% HSSV tham gia BHYT trong năm học này, Bảo hiểm xã hội tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp như giao chỉ tiêu tỷ lệ tham gia bảo hiểm của HSSV đối với từng cơ sở giáo dục; Đưa tiêu chí về tỷ lệ tham gia BHYT HSSV là một trong các tiêu chí đánh giá phân loại tổ chức cơ sở Đảng, đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ và việc chấp hành pháp luật của HSSV.

Ngành Bảo hiểm cũng đề xuất sửa đổi một số nội dung quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật còn chưa phù hợp thực tế. Ngoài ra, đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chính sách, pháp luật BHYT bằng nhiều hình thức đến HSSV và các bậc phụ huynh.

Ngoài kinh phí trích lại từ nguồn thu BHYT cho công tác y tế trường học, Bảo hiểm xã hội cũng tính phương án dành một nguồn kinh phí hỗ trợ HSSV tham gia BHYT, ngoài phần kinh phí đã được ngân sách Trung ương hỗ trợ. Đồng thời phát huy vai trò các tổ chức Đoàn Đội trong việc tuyên truyền, vận động, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của HSSV, phụ huynh về ý nghĩa, tầm quan trọng và trách nhiệm thực hiện BHYT cho con em mình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ