Bao giờ giá gạo hạ nhiệt?

GD&TĐ - Theo bảng cập nhật giá gạo hàng tháng do FAO công bố, giá gạo toàn cầu trong tháng 7 đã tăng 2,8% lên 129,7 điểm.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Giá gạo tăng vọt lên mức cao nhất trong gần 15 năm qua làm dấy lên lo ngại rằng chi phí lương thực sẽ trở nên đắt đỏ và không thể tiếp cận với những người nghèo nhất thế giới.

Theo bảng cập nhật giá gạo hàng tháng do Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hợp Quốc (FAO) công bố, giá gạo toàn cầu trong tháng 7 đã tăng 2,8% lên 129,7 điểm. Giá gạo đã tăng 19,7% so với năm trước, cao nhất kể từ tháng 9/2011, trong đó giá gạo tăng cao nhất ở Thái Lan.

Đơn cử, giá gạo trắng 100% B của Thái Lan đã tăng 38 USD, nâng mức trung bình hàng tháng lên 562 USD/tấn, mức cao nhất kể từ tháng 2/2021. Theo Bộ Thương mại Thái Lan, lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ cộng với các quốc gia tăng tích trữ do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino đã khiến giá gạo Thái Lan tăng khoảng 20%.

Gạo là lương thực rất quan trọng trong chế độ ăn của hàng tỷ người châu Á và châu Phi. Xung đột Nga – Ukraine kéo dài hơn một năm nay đã tạo sức ép nguồn cung gạo trên toàn cầu nhưng việc giá gạo tăng cao như hiện nay còn có nguyên nhân đến từ thời tiết khắc nghiệt.

Chỉ trong đầu năm 2023, thế giới đã phải chịu đựng các hiện tượng thời tiết cực đoan. Mưa lũ, sóng nhiệt ở Ấn Độ, Pakistan khiến mùa màng bị phá huỷ, còn El Nino đe dọa đến sản xuất gạo tại nhiều quốc gia Đông Nam Á.

Thái Lan, một trong những quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, phải kêu gọi người dân giảm diện tích trồng lúa nhằm tiết kiệm nước. Trong khi Indonesia kêu gọi người dân chuyển sang trồng ngô và cải bắp để đề phòng hạn hán.

El Nino và biến đổi khí hậu sẽ thúc đẩy các quốc gia kích hoạt chính sách bảo hộ lương thực như kiểm soát xuất khẩu. Lấy ví dụ, hồi tháng 7, Ấn Độ ban lệnh cấm xuất khẩu gạo, sau đó, Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và Nga cũng lần lượt thông báo ngừng xuất khẩu gạo. Nếu các nước khác cũng theo sau xu hướng này, giá gạo sẽ còn tiếp tục tăng so với hiện nay.

FAO cảnh báo giá gạo tăng cao sẽ góp phần gây ra lạm phát lương thực, nhất là đối với các hộ gia đình nghèo ở những quốc gia tiêu thụ gạo lớn tại châu Á, châu Phi.

Trong đó, các quốc gia Trung Đông, châu Phi có thể rơi vào tình trạng thiếu hụt lương thực do họ phụ thuộc lớn vào việc nhập khẩu lương thực, thiếu đất canh tác và dân số tăng nhanh. Trong khi đó, lệnh cấm xuất khẩu của Ấn Độ sẽ tạo gánh nặng lên các quốc gia Đông Nam Á, nơi tiêu thụ gạo chiếm tỷ trọng cao trong bữa ăn của người dân.

Hiện nay, các nước đã ban hành nhiều chính sách nhằm giải quyết tình trạng thiếu lương thực do xuất nhập gạo gây ra. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhìn nhận các chính sách chỉ phần nào giải quyết vấn đề chứ khó có thể tác động đến việc giảm giá gạo trên thế giới. Điều duy nhất có thể kìm hãm mức tăng phi mã của giá gạo chính là tác động của hiện tượng El Nino trong những tháng tới.

Đó cũng là lý do vì sao các quốc gia xuất khẩu gạo đang theo dõi “nhất cử nhất động” của hiện tượng thời tiết này. Thái Lan đã thành lập một lực lượng chuyên trách để theo dõi tác động của hiện tượng El Nino đối với giá gạo và các loại cây trồng khác.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Bình dân học vụ số

GD&TĐ - Sáng 18/11, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm có cuộc gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam.