Báo Giáo dục và Thời đại: 64 năm đồng hành cùng ngành Giáo dục

GD&TĐ - Ngày 5/12/1959, Báo Người Giáo viên Nhân dân, tiền thân của Báo Giáo dục và Thời đại ra đời.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn và Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh trao giải Cống hiến cho các đơn vị tại Lễ trao giải báo chí toàn quốc 'Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam' năm 2023.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn và Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh trao giải Cống hiến cho các đơn vị tại Lễ trao giải báo chí toàn quốc 'Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam' năm 2023.

Trải qua các thời kỳ phát triển, gắn bó với sự nghiệp “trồng người”, Báo Giáo dục và Thời đại đã không ngừng đổi mới và phát triển, hoàn thành xuất sắc sứ mệnh vẻ vang của mình.

Người bạn đồng hành của nhà giáo

64 năm qua, Báo Giáo dục và Thời đại đã không ngừng cải tiến, đổi mới nội dung, hình thức. Từ một tờ báo xuất bản mỗi tháng 2 kỳ, chỉ có 8 trang; đến nay, Báo Giáo dục và Thời đại xuất bản 7 kỳ mỗi tuần, bao gồm các ấn phẩm: Báo ngày, số thứ Hai, số giữa tháng và cuối tháng, số đặc biệt 52 trang, số Chủ nhật.

Giữa năm 2009, với việc khai trương Báo Giáo dục và Thời đại điện tử (giaoducthoidai.vn), các thông tin của ngành Giáo dục được cập nhật, chuyển tải đến đông đảo bạn đọc kịp thời, nhanh chóng và chính xác. Hiện, Báo điện tử xuất bản 24/24h, với lượng truy cập từ 10 – 15 triệu lượt đọc/tháng.

64 năm qua, Báo Giáo dục và Thời đại luôn gắn bó sâu sắc với sự nghiệp giáo dục, đào tạo, trở thành người bạn đồng hành, thân thiết, tin cậy của nhà giáo trên mọi miền Tổ quốc. Báo đã trở thành cầu nối giữa giáo dục với xã hội và ngược lại.

Nhiều cán bộ, giáo viên dù đã về nghỉ hưu nhưng vẫn rất yêu mến và đón đọc các ấn phẩm của Báo Giáo dục và Thời đại.

Nhiều cán bộ, giáo viên dù đã về nghỉ hưu nhưng vẫn rất yêu mến và đón đọc các ấn phẩm của Báo Giáo dục và Thời đại.

Báo Giáo dục và Thời đại đã và đang phấn đấu hằng ngày, hằng giờ để xứng đáng là tờ báo chính thống của ngành Giáo dục, diễn đàn của các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, nhà khoa học và toàn xã hội vì sự nghiệp giáo dục; phấn đấu để ngày càng phát hành rộng rãi đến các nhà trường, thầy, cô giáo, học sinh, sinh viên và đông đảo bạn đọc trên cả nước.

Nhà báo Nguyễn Ngọc Chụ - nguyên Tổng Biên tập Báo Giáo dục và Thời đại nhấn mạnh, đây là tờ báo ngành đầu tiên của cả nước ra đời khi miền Bắc bước vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Có thể tự hào, Giáo dục & Thời đại là một trong ít tờ báo đi đầu trong công cuộc đổi mới báo chí về nội dung và hình thức.

Ngược dòng lịch sử, nhà báo Nguyễn Ngọc Chụ nhớ lại, Báo Người Giáo viên Nhân dân có tiền thân là Tạp chí Giáo dục Nhân dân xuất bản từ năm 1953 tại chiến khu Việt Bắc. Để đáp ứng yêu cầu của công cuộc đổi mới báo chí, năm 1991 Báo Người Giáo viên Nhân dân được đổi tên là Giáo dục và Thời đại.

Trong lịch sử đổi mới và phát triển, Báo luôn là người bạn đồng hành đáng tin cậy của nhà giáo, được Nhà nước tặng thưởng 2 Huân chương Lao động (1 hạng Nhất, 1 hạng Nhì), 2 Huân chương Độc lập (1 hạng Nhì, 1 hạng Ba).

Báo đã trải qua 9 thời kỳ các Tổng Biên tập. Tổng Biên tập đầu tiên (thời đó gọi là Chủ nhiệm) là Giáo sư Nguyễn Khánh Toàn - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Thứ trưởng, Bí thư Đảng Đoàn Bộ Giáo dục. Tổng Biên tập hiện nay là nhà báo Triệu Ngọc Lâm.

Luôn bám sát tôn chỉ mục đích

Báo Giáo dục và Thời đại đã và đang từng bước mở rộng đối tượng bạn đọc, tiếp cận thị trường báo chí rộng rãi... Không chỉ tập trung phản ánh những vấn đề quan trọng của ngành Giáo dục, Báo còn đẩy mạnh tuyên truyền, định hướng dư luận xã hội về các sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội… của đất nước, từng bước khẳng định vị thế trong hệ thống báo chí của cả nước.

Nguyên Tổng Biên tập Nguyễn Ngọc Chụ chia sẻ, động viên quần chúng “Mua, đọc và làm theo báo” là công việc thường xuyên của các tòa soạn. Tuy nhiên, biến nó thành phong trào thi đua trong cả nước có sự chỉ đạo của Bộ và Công đoàn ngành thì chỉ có ở Báo Người Giáo viên Nhân dân.

Đầu những năm 60 của thế kỷ trước, xuất hiện lá cờ đầu ngành Giáo dục là Trường Cấp 2 Bắc Lý (Hà Nam), rồi phong trào thi đua Hai tốt (Dạy tốt, Học tốt) do chính Bác Hồ phát động được sự hưởng ứng trong toàn xã hội. Các mô hình giáo dục tiên tiến như: Bắc Lý, Hải Nhân, Cẩm Bình… trở thành những chuẩn mực cho các nơi phấn đấu, làm theo.

Đây là phong trào thi đua trong toàn ngành Giáo dục, có sức lôi cuốn và bền vững cho đến ngày nay. Báo Người Giáo viên Nhân dân đã bám sát, phản ánh các mô hình này, vì thế đông đảo nhà trường háo hức tìm đọc để học hỏi kinh nghiệm.

Sự ra đời của Báo Người Giáo viên Nhân dân là nguồn cổ vũ mạnh mẽ, đóng góp vào việc phát hiện, bồi dưỡng và nhân lên các điển hình tiên tiến trong ngành Giáo dục. Từ đó Bộ Giáo dục và Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã có chỉ thị phát động phong trào thi đua này.

Từng có 9 năm công tác ở Bộ GD&ĐT (1997 - 2006), nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Minh Hiển có dịp đến thăm và làm việc trực tiếp với tập thể lãnh đạo, cán bộ, phóng viên của Báo Giáo dục và Thời đại 4 lần.

Nguyên Bộ trưởng Nguyễn Minh Hiển vẫn giữ ấn tượng tốt và tình cảm quý mến đối với anh chị em công tác ở Báo; đồng thời vui mừng khi thấy Báo có nhiều khởi sắc, ngày càng được độc giả, trước hết là anh/chị em trong ngành Giáo dục đánh giá cao.

“Khi tôi mới làm Bộ trưởng, vùng Đồng bằng sông Cửu Long gặp trận bão lớn. Phóng viên Báo Giáo dục và Thời đại đã đồng hành cùng tôi suốt một tuần giữa vùng sông nước mênh mông. Hay những chuyến đi công tác vùng khó trong thời tiết khắc nghiệt luôn có sự đồng hành của đồng chí Tổng Biên tập và phóng viên của Báo… Những chuyến đi đó, tôi còn nhớ mãi…”, nguyên Bộ trưởng Nguyễn Minh Hiển chia sẻ.

Hòa nhịp với công cuộc đổi mới của đất nước, Báo Giáo dục và Thời đại mở rộng nội dung, giới thiệu cách làm giáo dục mới phù hợp với yêu cầu của đất nước, đáp ứng với xu thế của thời đại.

Trong suốt quá trình đổi mới và hội nhập của đất nước, Báo luôn bám sát tôn chỉ mục đích, thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền cho sự nghiệp phát triển giáo dục, đào tạo; phản ánh các sự kiện chính trị lớn của đất nước và những vấn đề kinh tế, văn hóa, xã hội có liên quan đến giáo dục, đào tạo.

Bắt nhịp cùng đổi mới giáo dục

Đứng trước nhiệm vụ, yêu cầu về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo, mà điểm nhấn là triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Báo Giáo dục và Thời đại đã chủ động bắt nhịp cùng công cuộc đổi mới. Theo đó, Báo đã thể hiện vai trò là đơn vị truyền thông chủ lực của ngành Giáo dục. Nhiều diễn đàn thảo luận, lấy ý kiến nhân dân được lãnh đạo Bộ GD&ĐT tin tưởng giao cho Báo là đơn vị thường trực và được cán bộ, phóng viên của Báo hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Cùng với hoạt động chuyên môn, Báo đã tổ chức thành công nhiều cuộc thi, để lại ấn tượng tốt trong dư luận. Nổi bật là các cuộc thi viết với chủ đề: Trường học thân thiện, học sinh tích cực; Cô giáo của tôi; Ký ức thời đi học; Cuộc thi viết “Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường”; Giải bóng bàn Người giáo viên nhân dân...

Tổng kết và trao giải Cuộc thi viết "Những kỉ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường".

Tổng kết và trao giải Cuộc thi viết "Những kỉ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường".

Đặc biệt, từ năm 2018 đến nay, Báo được lãnh đạo Bộ GD&ĐT tin tưởng, giao trọng trách tổ chức các chương trình, chuỗi sự kiện lớn của ngành Giáo dục; trong đó điểm nhấn là Giải Báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam”; Chương trình Thay lời tri ân...

Qua 5 năm tổ chức, đã có gần 4 nghìn tác phẩm tham dự Giải Báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam”. Đây là con số biết nói và cũng là điểm nhấn qua mỗi mùa Giải. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, Giải đã đi được chặng đường 5 năm.

Đó là quãng thời gian chúng ta chứng kiến sự trưởng thành về uy tín và ảnh hưởng của Giải. “Mỗi tác phẩm là gạch nối của quá khứ, hiện tại và tương lai, nhịp đập, hơi thở của đời sống giáo dục… để bồi đắp, gieo thêm niềm tin, lòng trắc ẩn và sự lan tỏa những điều tốt lành, tình yêu thương, lòng bao dung đến với mỗi người”, Bộ trưởng nhìn nhận.

Có thể nói, các cuộc thi, chương trình, sự kiện do Báo Giáo dục và Thời đại tổ chức đã để lại ấn tượng tốt đẹp và tạo tiếng vang lớn trong xã hội. Qua đó, góp phần nâng cao vị thế của Báo với bạn đọc cả nước. Đồng thời thay đổi cách nhìn, đánh giá của xã hội với giáo dục. Từ đó tiếp tục củng cố niềm tin của nhân dân với sự nghiệp đổi mới giáo dục và đào tạo.

Các văn phòng đại diện của Báo Giáo dục và Thời đại. Thiết kế: Tiến Thành.

Các văn phòng đại diện của Báo Giáo dục và Thời đại. Thiết kế: Tiến Thành.

Song song với việc thực hiện, cải tiến nâng cao chất lượng nội dung, hình thức, Báo đã bước đầu thực hiện cơ chế liên thông, hội tụ giữa các ấn phẩm, giữa các nhóm phóng viên trong tòa soạn và các văn phòng đại diện.

Cán bộ, phóng viên luôn có bản lĩnh chính trị vững vàng, trách nhiệm với công việc, lòng tự trọng nghề nghiệp, khả năng viết chuyên sâu, được lãnh đạo Bộ GD&ĐT tin cậy và được bạn đọc ghi nhận, đánh giá cao.

Bên cạnh phẩm chất chung của một nhà báo, phóng viên Báo Giáo dục và Thời đại còn có chất riêng đó là tính mô phạm của nhà giáo và đậm chữ tình của người làm giáo dục. Do đó, các bài viết trên Báo thường giàu lòng trắc ẩn, mang hơi thở cuộc sống, phản ánh chân thực đời sống giáo dục; đặc biệt là giáo dục vùng khó.

Chính những bài báo từ thực tiễn sinh động đã có sức lan tỏa sâu rộng và tạo hiệu ứng tích cực trong xã hội. Và cũng qua phản ánh trên Báo, lãnh đạo Bộ GD&ĐT có thêm kênh thông tin, cơ sở thực tiễn để đưa ra những chủ trương, quyết sách phù hợp hơn cho giáo dục nước nhà.

Có thể nói, thành quả ngày hôm nay, có đóng góp to lớn của thế hệ đi trước, những người luôn dõi theo từng bước trưởng thành, lớn mạnh của tờ Báo; từ đó tiếp thêm niềm tin, bồi đắp tình yêu nghề nghiệp cho thế hệ trẻ. Đó cũng là truyền thống đoàn kết, nhất trí, luôn yêu thương, giúp đỡ nhau của đại gia đình Báo Giáo dục và Thời đại.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Bình dân học vụ số

GD&TĐ - Sáng 18/11, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm có cuộc gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam.

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.