Chỉ tính riêng tháng 6/2017, đã có tới 21 trẻ nhập viện vì căn bệnh này. Điều đáng nói là dù nhiều trẻ đã được tiêm phòng đầy đủ vắc xin phòng bệnh, nhưng vẫn còn một số trường hợp trẻ mắc bệnh do sức đề kháng kém, chưa tiêm vắc xin hoặc tiêm không đủ số mũi.
Di chứng nặng nề
Nằm trên giường bệnh, bệnh nhi N.Q.Đ (4 tuổi, Bắc Ninh) rơi vào tình trạng hôn mê, liệt nửa người phải. Theo các bác sĩ ở khoa Truyền nhiễm, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do bệnh nhân mắc viêm não Nhật Bản bị biến chứng. Khi được đưa đến Bệnh viện Nhi Trung ương, cháu đã bị liệt nửa người bên phải.
Sau khi tiến hành thăm khám, chọc dịch não tủy, làm các xét nghiệm, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi mắc viêm não Nhật Bản. Đến nay, sau 17 ngày được điều trị bằng thở oxy, dùng thuốc chống phù não, bệnh nhi đã tỉnh táo, không sốt nhưng có di chứng về vận động. Người nhà tiết lộ, Đ chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh viêm não Nhật Bản.
Cùng nằm điều trị với bệnh nhi Đ, bệnh nhi Đ.K.L (7 tuổi, Nghệ An) mang nhiều di chứng viêm não nặng nề. Theo các bác sĩ, dù bệnh nhi đã qua 14 ngày điều trị bằng thở máy, thuốc chống viêm, chống phù nhưng vẫn xuất hiện những di chứng nặng như liệt cơ hô hấp, liệt tứ chi.
Gia đình bệnh nhân vô cùng lo lắng vì từ lúc đưa con vào điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nghệ An, bệnh nhi đã được các bác sĩ chẩn đoán là viêm não Nhật Bản. Bệnh nhi sau đó được tiến hành điều trị kháng sinh, chống phù não nhưng tình trạng sức khỏe không tiến triển.
Sau 3 ngày, bệnh nhi xuất hiện hôn mê, thở ức chế. Các bác sĩ bệnh viện tỉnh đã tiến hành đặt nội khí quản và cho bệnh nhi thở máy. Ngày 12/6, bệnh nhi được chuyển tuyến đến Bệnh viện Nhi Trung ương khi bệnh đã diễn biến đến ngày thứ 10, cháu phải đặt nội khí quản và liệt vận động toàn thân.
Theo TS.BS Nguyễn Văn Lâm, Trưởng khoa Truyền nhiễm, viêm não Nhật Bản được xem là một trong những bệnh nguy hiểm, có tỉ lệ tử vong và để lại di chứng cao ở trẻ nhỏ. Có em thì lệ thuộc máy móc, phải thở máy kéo dài, cuối cùng thì viêm phổi tử vong. Có em thì sống đời sống thực vật, cuối cùng thì cũng bị bội nhiễm phổi và tử vong. Có em thì chậm phát triển về trí tuệ, khả năng hòa nhập cộng đồng rất kém. Thậm chí có em bị động kinh hoặc yếu liệt chi. Những di chứng này khiến người bệnh giảm khả năng giao tiếp, giảm hoặc mất khả năng lao động, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Đã đến mức báo động
Theo ông Trần Đắc Phu – Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), hàng năm vào khoảng tháng 5, tháng 6 đến đầu tháng 10 là mùa mưa, cũng là mùa của bệnh viêm não Nhật Bản. Bệnh bùng phát ở nhiều tỉnh thành, nhất là những nơi tập trung nhiều vật nuôi như lợn, gia cầm…. Muỗi đốt các vật trung gian như lợn, chim, gia cầm rồi mang mầm bệnh truyền sang người, do đó ở vùng nông thôn vừa làm ruộng vừa có nuôi lợn là nơi bệnh dễ gặp nhất.
Kết quả nghiên cứu của Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư cho thấy, ở Việt Nam, muỗi Culex tritaeniorhynchus, loại muỗi truyền bệnh viêm não Nhật Bản thường sinh sản mạnh vào mùa hè (nhất là từ tháng 3 - tháng 7); do đó, thời điểm này, người dân cần chủ động phòng, chống bệnh dịch cho gia đình, nhất là trẻ nhỏ.
Ông Phu cho rằng, hiện tại nhiều trẻ đã được tiêm phòng đầy đủ nhưng vẫn còn rải rác các trường hợp trẻ mắc bệnh do sức đề kháng kém, chưa tiêm vắc xin phòng bệnh hoặc tiêm không đủ số mũi. Trong khi đó, tiêm chủng là biện pháp tốt nhất để phòng viêm não Nhật Bản.
Các bậc cha mẹ cần tiêm cho trẻ 2 lần cách nhau từ 7 - 14 ngày, sau đó 1 năm nhắc lại mũi thứ 3, cứ mỗi 3 - 4 năm tiêm nhắc lại. Bên cạnh đó, cần ăn uống hợp vệ sinh, nâng cao thể trạng, nằm màn tránh muỗi đốt. Chủ động vệ sinh môi trường, tích cực diệt muỗi, bọ gậy nhằm tránh các căn bệnh có nguy cơ lây bệnh như sốt xuất huyết, viêm não...