Hậu quả từ những vết thương nhỏ

GD&TĐ - Tử vong do dịch bệnh mùa nào cũng có và được cảnh báo thường xuyên. Nhưng có những bệnh tưởng chừng như rơi vào quên lãng vẫn để lại hậu quả nặng nề khi không may mắc phải. Cũng có bệnh quen thuộc đến mức người dân chủ quan và cái giá phải trả đôi khi khiến nhiều người giật mình.

Nhiều bệnh nhân gặp nguy hiểm đến tính mạng chỉ vì coi thường vết thương nhỏ
Nhiều bệnh nhân gặp nguy hiểm đến tính mạng chỉ vì coi thường vết thương nhỏ

Những trường hợp điển hình

Bệnh viện Nhi Trung ương vừa điều trị thành công cho bệnh nhân 15 tuổi người Nghệ An mắc bệnh uốn ván. Trước đó, trong lúc đá bóng cùng bạn, bệnh nhân không may giẫm vào chiếc gai bưởi. Mặc dù đã rút chiếc gai bưởi ra và sinh hoạt bình thường sau đó nhưng đến ngày thứ 8, bệnh nhân bắt đầu thấy mệt, đau người và chỗ gai đâm bắt đầu mưng mủ kèm triệu chứng cứng hàm.

Sau khi chẩn đoán mắc uốn ván, bệnh nhân được chuyển lên tuyến trên trong tình trạng co giật, cứng quai hàm. Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, các bác sĩ đã mở nội khí quản cấp cứu và điều trị theo phác đồ.

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) cũng liên tục tiếp nhận bệnh nhân mắc uốn ván. Điểm chung của những bệnh nhân này là nhập viện trong tình trạng nặng và nguyên nhân gây bệnh từ vết thương nhỏ, thường gặp trong sinh hoạt hàng ngày.

Tương tự, khoa Hồi sức cấp cứu (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM) có lúc rơi vào tình trạng quá tải bệnh nhân uốn ván nặng, phải thở máy.

Điển hình như bệnh nhân Đ.T.N (16 tuổi ở Bình Phước) được đưa vào cấp cứu trong tình trạng mê man, thở máy, chân tay co cứng. Theo người nhà, bệnh nhân bị tai nạn giao thông, có một vết thương ở mu bàn chân trái, thương tích không nặng nên tự chăm sóc tại nhà.

5 ngày sau, bệnh nhân đột ngột lên cơn co giật khiến chân tay co quắp, tím tái, không thể ăn uống. Được xác định mắc uốn ván thể nặng, bệnh nhân ngay lập tức chuyển lên tuyến trên.

Đừng chết vì chủ quan

Theo ghi nhận của Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận hàng chục ca tử vong do các loại dịch bệnh. Nhiều nhất là sốt xuất huyết với 36.437 trường hợp mắc, trong đó có 10 trường hợp tử vong. Bệnh ho gà có 220 trường hợp mắc, 5 trường hợp tử vong. Bệnh viêm não do virus có 129 trường hợp mắc và 5 trường hợp tử vong. Bệnh liên cầu lợn ở người làm 34 trường hợp mắc và 3 trường hợp tử vong. Ngoài ra còn nhiều trường hợp mắc viêm não mô cầu, tay chân miệng, Zika, sốt rét, uốn ván…

Trong số những trường hợp mắc bệnh phải vào viện cấp cứu, số bệnh nhân bị uốn ván có dấu hiệu tăng so với những năm trước. Đây là điều đáng báo động, cho thấy sự chủ quan của người dân bởi uốn ván là bệnh được kiểm soát từ lâu.

Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương), uốn ván là một bệnh nhiễm trùng cấp tính do ngoại độc tố của trực khuẩn uốn ván (Clostridium tetani) gây ra. Chúng tồn tại ở trong đất, phân người và súc vật. Khi có tổn thương da dù rất nhỏ như vết kim tiêm, gai đâm, ngoáy tai, xỉa răng đến các vết thương to, rộng, nhiều ngóc ngách nha bào gây bệnh uốn ván có thể xâm nhập.

Phần lớn bệnh nhân bị vết thương nhỏ thường chủ quan, tự điều trị và không tiêm phòng và bệnh tự khỏi. Tuy nhiên, có trường hợp không may bị trực khuẩn uốn ván xâm nhập vào cơ thể. Sau khi nhiễm từ 7 - 10 ngày, trực khuẩn phát triển gây tình trạng co cứng cơ liên tục. Khởi đầu là co cứng cơ nhai, sau lan ra các cơ mặt, thân mình và tứ chi.

Là bệnh nguy hiểm, nhưng uốn ván lại có thể chủ động phòng ngừa bằng cách tiêm vắc xin. Hiện trẻ từ 1 tháng trở lên được tiêm vắc xin 5 trong 1, trong đó có thành phần ngừa uốn ván. Tuy nhiên, theo khuyến cáo, sau khi trẻ tiêm đủ các mũi nên tiêm nhắc lại định kỳ 10 năm/lần để duy trì lượng kháng thể trong người.

Tương tự, người lớn cũng nên tiêm nhắc lại vắc xin này bởi trong sinh hoạt và trong lao động cần tránh không để tổn thương, nhất là các loại tổn thương sâu, kín, bẩn như giẫm phải đinh, gai, chấn thương phần mềm.

Việc tiêm phòng sẽ giúp người dân ngừa nguy cơ mắc bệnh không đáng có. Bên cạnh đó, nên vệ sinh môi trường sống sạch sẽ, không để tình trạng ao tù nước đọng, bùn thải xung quanh nhà bởi đây là môi trường trú ngụ lý tưởng của nhiều vi khuẩn gây bệnh.

Theo lời khuyên của các bác sĩ, nếu không may bị dị vật đâm vào cơ thể, tổn thương dù nhỏ như bong dập móng chân do vấp ngã, do ngã sát tay, chân, do rơi vật nặng vào chân… cần xử lý ngay vết thương bằng cách giải phóng hết dị vật trong vết thương (như bùn, đất, cát, mảnh sành, đinh, gai…); Rửa vết thương bằng xà phòng nhiều lần, sát khuẩn bằng dung dịch như cồn 70 độ, oxy già hoặc dung dịch bêtadin….; Tham khảo ý kiến bác sĩ về việc tiêm kháng thể uốn ván nếu trong khoảng 5 - 10 năm chưa chủng ngừa lại vắc xin uốn ván.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ