Từ đầu tháng 12 đến nay, đã có 22 ca nhập viện vì rắn cắn và đều là trường hợp bị rắn độc cắn, nhiều ca nặng có nguy cơ tử vong. Bác sĩ Võ Bảo Dũng - Trưởng khoa Nội tổng hợp - cho biết:
“Số người nhập viện do rắn cắn sau lũ lụt tăng đột xuất. Nếu trước đây cả tuần mới có 1 ca thì bây giờ có ngày tới 3 - 4 ca. Những bệnh nhân này nhập viện trong tình trạng sưng, phồng rộp vết cắn, rối loạn đông máu”.
Một trong những nạn nhân nặng nhất do rắn cắn là bà N.T.T (52 tuổi, ở xã Phước Hiệp, H.Tuy Phước). Bà T. cho biết, cách đây 4 ngày, trong lúc bà đang dọn dẹp nhà cửa ngập sau lũ thì bị một con rắn đuôi đỏ đang có chửa lao từ gầm giường ra cắn.
Sau khi bị cắn, bà đã tự sơ cứu bằng cách buộc chặt phần tay rồi đi viện. Tới nay, cánh tay trái của bà T. vẫn còn sưng phồng, chảy mủ vì vết cắn khá nặng.
Một trường hợp khác là anh N.H.T (41 tuổi, ở huyện Phù Mỹ) bị rắn cắn khi đang ngủ trong kho hàng tại TP Quy Nhơn. Kho hàng này cũng bị ngập nước vì lũ lụt.
Do chủ quan, anh không đến cơ sở y tế mà đợi qua hôm sau, khi bị sốt cao đột ngột mới đi thăm khám. Hiện tại, vết cắn ở chân anh còn khá nặng và chảy dịch.
Bác sĩ Võ Bảo Dũng khuyến cáo: Người dân vùng lũ khi dọn dẹp nhà cửa nên đi ủng, mang bao tay đề phòng rắn cắn. Trong trường hợp bị rắn cắn, phải sơ cứu đúng cách như nặn máu, làm sạch vết thương rồi đến cơ sở y tế sớm nhất có thể.
Tuyệt đối không ga rô (dân gian hay dùng vải, dây thun buộc chặt) theo cách hiểu để “cách ly” phần bị rắn cắn để không cho nọc độc chạy vô người nhưng cách làm này hoàn toàn sai lầm và dễ khiến vùng tổn thương bị hoại tử.