Bảo đảm tính kế thừa trong Chương trình – SGK mới

GD&TĐ - Về sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông (GDPT) mới, một số cử tri đề nghị Bộ GD&ĐT cần có định hướng mang tính kế thừa và nên tổ chức lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân trước khi in phát hành và áp dụng.

Bảo đảm tính kế thừa trong Chương trình – SGK mới

Bộ GD&ĐT trả lời như sau:

Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK GDPT tại Mục 2, Điều 2 yêu cầu chương trình, SGK mới phải “kế thừa và phát triển những ưu điểm của chương trình, SGK GDPT hiện hành”.

Thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư số 14/2017/TT-BGDĐT ngày 6/6/2017 quy định “Tiêu chuẩn, quy trình xây dựng, chỉnh sửa chương trình GDPT; tổ chức hoạt động của Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình GDPT” và Thông tư số 33/2017/TT-BGDĐT ngày 22/12/2017 quy định “Tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa SGK; tiêu chuẩn tổ chức, cá nhân biên soạn SGK; tổ chức và hoạt động của Hội đồng quốc gia thẩm định SGK”.

Khoản 4 Điều 3 Thông tư số 14 đã quy định: Chương trình GDPT mới phải “kế thừa ưu điểm của chương trình hiện hành”. Khoản 2 Điều 3 Thông tư số 33 quy định SGK “Cụ thể hóa mục tiêu, nội dung, phương pháp GD của chương trình GDPT”. Như vậy, việc kế thừa những ưu điểm của chương trình, SGK hiện hành đã được chỉ đạo thực hiện. Việc xây dựng chương trình được thực hiện theo quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật nên trước khi ban hành chính thức, các chương trình môn học được đưa lên mạng để xin ý kiến rộng rãi trong thời gian 60 ngày.

SGK là xuất bản phẩm cụ thể hóa các yêu cầu của chương trình GDPT; được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phê duyệt, cho phép sử dụng làm tài liệu dạy học chính thức trong các cơ sở GDPT. Trước khi được phê duyệt, đưa vào sử dụng, SGK do các tổ chức, cá nhân biên soạn đều phải được Hội đồng quốc gia thẩm định SGK thẩm định theo tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục quy định tại Thông tư số 33 và nhất trí thông qua.

Như vậy, việc đổi mới chương trình, SGK GDPT được tiến hành đảm bảo tính kế thừa, đồng bộ, công khai, minh bạch, tiếp thu rộng rãi ý kiến của nhân dân, các nhà khoa học, nhà giáo và người học, đảm bảo sự phù hợp với xã hội và điều kiện thực tế của đất nước để áp dụng cải cách GD sao cho khi đi vào triển khai thực tế đạt kết quả tốt nhất.

 (Còn nữa)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ