Theo đó, năm sau Hà Nội sẽ tổ chức 3 bài thi, trong đó có 2 bài thi độc lập (Toán, Ngữ văn) và 1 bài thi tổ hợp (tổ hợp 1 gồm Ngoại ngữ, Vật lí, Lịch sử, Giáo dục công dân; tổ hợp 2 gồm Ngoại ngữ, Địa lý, Hóa học, Sinh học).
Lý giải đổi mới này, Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết: Phương thức kết hợp thi tuyển với xét tuyển để tuyển sinh vào lớp 10 THPT không chuyên đã được áp dụng tại Hà Nội từ năm học 2005 – 2006 và đã bộc lộ nhiều hạn chế: tạo nên hiện tượng học lệch các môn, học sinh chỉ tập trung vào học môn Ngữ văn và Toán, các môn còn lại học sinh chưa tập trung học, như vậy chưa đảm bảo mục tiêu giáo dục toàn diện ở bậc THCS.
Bên cạnh đó, trong phương thức kết hợp thi tuyển với xét tuyển, khâu xét tuyển dựa vào việc đánh giá kết quả học tập và rèn luyện của học sinh ở THCS chưa thật sự khách quan do việc đánh giá kết quả học tập và rèn luyện của học sinh phụ thuộc nhiều vào ý kiến chủ quan của mỗi giáo viên; việc đánh giá kết quả học tập và rèn luyện của học sinh giữa các nhà trường khác nhau.
Phương thức thi mới cũng là đề xuất của hầu hết các hiệu trưởng Trường THPT, trưởng phòng GD&ĐT quận, huyện, thị xã, hiệu trưởng trường THCS trong các hội nghị, hội thảo về xây dựng phương án tuyển sinh vào lớp 10 THPT từ năm học 2019 – 2020 do Sở GD&ĐT tổ chức.
Theo Sở GD&ĐT Hà Nội, việc thi thêm bài thi thứ 3 là bài thi tổ hợp nhằm mục đích tránh học sinh học lệch, đảm bảo mục tiêu giáo dục toàn diện ở các cấp học dưới.
Bài thi tổ hợp với mục tiêu tiếp cận chương trình, SGK mới, đó là “tích hợp ở các lớp học, cấp học dưới và phân hóa dần ở các lớp học, cấp học trên”. Bài thi tổ hợp có môn Ngoại ngữ nhằm nâng cao năng lực ngoại ngữ của học sinh, đáp ứng đề án nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ ở trường phổ thông.
Bài thi tổ hợp thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan. Trong bài thi tổ hợp, ngoài môn Ngoại ngữ, 3 môn còn lại vừa có môn tự nhiên, vừa có môn xã hội, điều này đảm bảo tính công bằng, khách quan đói với học sinh.
Sở GD&ĐT Hà Nội nhấn mạnh: Phương thức tuyển sinh vào lớp 10 THPT từ năm học 2019 – 2020 nhằm mục đích khắc phục các hạn chế của phương thức cũ, triển khai mạnh mẽ công cuộc đổi mới giáo dục, chủ động đón nhận chương trình giáo dục phổ thông mới, phù hợp với tình hình thực tế, đáp ứng các yêu cầu về đổi mới dạy học trong nhà trường, đáp ứng nguyện vọng của đông đảo nhân dân.