(GD&TĐ)-Hôm nay (23/2), Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQ VN) đã tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XIII.
Tham dự Hội nghị có Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ VN Huỳnh Đảm; Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội đồng bầu cử Uông Chu Lưu; Tổng Thư ký Hội đồng bầu cử Phạm Minh Tuyên, lãnh đạo các tổ chức thành viên của MTTQ VN.
Đa số các đại biểu đều kiến nghị tăng số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách |
Tại Hội nghị này, các đại biểu của Ủy ban Trung ương MTTQ VN đã thảo luận về dự kiến cơ cấu, thành phần, tiêu chuẩn phân bổ 183 đại biểu Quốc hội Khóa XIII ở Trung ương, trong đó có 31 đại biểu của MTTQ VN và các đoàn thể, trong tổng số 500 đại biểu Quốc hội Khóa XIII.
Qua thảo luận, đa số các đại biểu đều kiến nghị tăng số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách, đại biểu là doanh nhân, người ngoài Đảng, đại diện các dân tộc thiểu số, phụ nữ và giảm đại diện lãnh đạo chính quyền địa phương nhưng vẫn bảo đảm được chất lượng, tiêu chuẩn, tính đại diện tại cơ quan lập pháp cao nhất.
Ông Trương Công Phú, Chủ tịch Hội đồng tư vấn Kinh tế thuộc MTTQ VN cho rằng, trong thời kỳ hiện nay, đại biểu Quốc hội phải thực sự đáp ứng đủ tiêu chuẩn về năng lực, trình độ, phẩm chất rồi đến cơ cấu để bảo đảm thực hiện tốt vai trò của mình trong việc quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, xây dựng pháp luật…
Ủy viên Đoàn chủ tịch UBTW MTTQ Đỗ Duy Thường nêu ý kiến: khi giới thiệu cần chú trọng đến tiêu chuẩn năng lực của đại biểu phải cao hơn khóa trước. Bên cạnh đó, cũng cần tăng cường đại biểu là người ngoài đảng nếu họ có tâm, có tài”.
Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Thanh Hòa kiến nghị tăng số lượng đại biểu là nữ ứng cử lên 35% để khi bầu đạt tỷ lệ 30% đại biểu nữ như dự kiến (khoảng 150 đại biểu).
Tuy nhiên, bà Hòa cũng nêu ý kiến làm sao để phụ nữ không phải “gánh” nhiều cơ cấu như là phụ nữ, trẻ tuổi, người ngoài Đảng, đồng bào dân tộc thiểu số bởi “gánh” nhiều như thế rất khó bảo đảm tỷ lệ 30%.
Phó Chủ tịch MTTQ VN Trần Hoàng Thám nhấn mạnh, trong dự kiến phân bổ cơ cấu, thành phần đại biểu Quốc hội lần này cần căn cứ vào thực tiễn hoạt động của Quốc hội Khóa XII từ đó có cơ cấu, thành phần thích hợp để nâng cao chất lượng hoạt động của đại biểu nhiệm kỳ tới.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, cơ cấu, thành phần đại biểu hợp lý phải bảo đảm chất lượng, đáp ứng các yêu cầu hoạt động của Quốc hội trong tình hình mới.
Phó Chủ tịch Quốc hội khẳng định: sau cuộc họp này sẽ báo cáo đầy đủ ý kiến thảo luận của các đại biểu với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đảng Đoàn Quốc hội và cấp có thẩm quyền xem xét và báo cáo lại với Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ VN.
Cùng ngày, tại Hà Nội, Tiểu ban chỉ đạo công tác thông tin, tuyên truyền về bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 đã họp phiên thứ nhất.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên, Ủy viên Hội đồng bầu cử, Trưởng tiểu ban chủ trì phiên họp.
Tại cuộc họp, các thành viên Tiểu ban đã thảo luận, đóng góp ý kiến vào dự thảo Kế hoạch và nội dung tổng thể công tác thông tin, tuyên truyền cuộc bầu cử đại biểu QH và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016; dự kiến phân công nhiệm vụ của các thành viên Tiểu ban.
Các đại biểu đánh giá, việc tuyên truyền sẽ giúp cử tri cả nước nắm vững những nội dung chủ yếu của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội, Luật bầu cử đại biểu HĐND, đặc biệt là các quy định về quyền và nghĩa vụ của công dân trong bầu cử, ứng cử; các quy định về tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND, giúp cử tri có cơ sở để lựa chọn và bầu được những người có đủ tiêu chuẩn tham gia vào Quốc hội khóa XIII và Hội đồng nhân dân các cấp…
Kết luận cuộc họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên lưu ý các cơ quan, bộ, ngành trong Tiểu ban chủ động trong công tác phối hợp triển khai thực hiện các nhiệm vụ tuyên truyền, không bỏ sót việc, đồng thời hạn chế sự chồng lấn trong phối hợp.
Trên cơ sở tiếp thu các ý kiến đóng góp của các thành viên Tiểu ban, nội dung của dự thảo Kế hoạch và nội dung tổng thể công tác thông tin, tuyên truyền cuộc bầu cử cần được thể hiện gọn, rõ ràng, dễ hiểu.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị giữa các cơ quan chức năng ở Trung ương và địa phương cần có cơ chế phối hợp để đạt hiệu quả tốt nhất trong công tác tuyên truyền về cuộc bầu cử.
Hùng Sơn-Nguyên Phương