Đáng chú ý, báo cáo của hai trung tâm kinh tế - xã hội của đất nước là Hà Nội và TPHCM đều cho thấy, các công tác chuẩn bị đã được cơ quan chức năng rốt ráo triển khai, từ nguồn cung hàng hóa cho đến yêu cầu bình ổn giá cả, tập trung vào các mặt hàng thiết yếu như bánh kẹo, bia, sữa, xăng dầu, thực phẩm, rau củ quả…
Đại diện Sở Công Thương Hà Nội cho biết, tổng lượng hàng hóa chương trình Bình ổn giá của Hà Nội năm nay đạt 2.556 tỷ đồng, trong đó tập trung chủ yếu vào các mặt hàng thiết yếu như bánh kẹo, bia, sữa, xăng dầu, thực phẩm, rau củ quả...
Hà Nội đã dành 15.000 tỷ đồng để dự trữ hàng hóa cho dịp Tết Bính Thân 2016, với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp lớn nhằm mục tiêu chính là bình ổn giá trong dịp cuối năm và Tết.
Còn theo đại diện Sở Công Thương TPHCM, đến thời điểm này, TP đã cơ cấu đủ nguồn hàng, trong đó nguồn hàng dành cho chương trình Bình ổn thị trường chiếm 30 - 40%, với số tiền lên đến 16.208 tỷ đồng, tăng 42 tỷ đồng so với năm trước.
Cũng theo lãnh đạo Sở Công Thương TPHCM, trong tháng 12, TP sẽ thực hiện chương trình kết nối hàng hóa với các tỉnh Đông Nam Bộ và một số tỉnh phía Bắc, trên cơ sở đưa các sản phẩm nông sản, thực phẩm, rau củ quả, nhất là sản phẩm an toàn đưa vào chuỗi.
Bên cạnh đó, hàng bình ổn thị trường có chất lượng tốt cũng được đưa ra các tỉnh lân cận, nhằm mở rộng tính kết nối hai chiều. Báo cáo của Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cũng cho biết, đến thời điểm này đã có 7 tỉnh, thành hoàn tất phương án thực hiện chương trình Bình ổn giá, đặc biệt theo báo cáo của 2 TP lớn là Hà Nội và TPHCM, việc triển khai sẽ có tác dụng tốt, nhất là trong việc liên kết vùng.
“Chương trình Bình ổn theo như cách mà các địa phương thực hiện là tốt, nếu triển khai đồng bộ ngay từ đầu năm sẽ có tác dụng kiềm chế chỉ số giá tiêu dùng cho cả năm 2016” - ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước nói. TRẦN THƯỜNG