Để việc thực hiện chương trình mới ở những năm tiếp theo thuận lợi, hiệu quả cần những cơ chế, chính sách đặc thù trong tuyển dụng, giữ chân… nhà giáo.
Ông Lê Quang Trí, Giám đốc Sở GD&ĐT Tiền Giang: Hành lang pháp lý thuận lợi
Ông Lê Quang Trí, Giám đốc Sở GD&ĐT Tiền Giang. |
Ngành GD&ĐT tỉnh Tiền Giang đã có nhiều nỗ lực trong thực hiện Chương trình GDPT 2018 và “gặt hái” kết quả tích cực, được dư luận xã hội đồng tình, đánh giá cao. Tuy vậy, việc triển khai chương trình mới cũng bộc lộ một số khó khăn, trong đó lớn nhất là trình trạng thiếu giáo viên.
Theo thống kê, ngành GD&ĐT Tiền Giang có 18.419 cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên, với 328.583 trẻ và học sinh. Hơn 2 năm thực hiện Chương trình GDPT 2018, toàn tỉnh thiếu 397 giáo viên phổ thông bậc Tiểu học và một số bộ môn bậc trung học như Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân, Công nghệ… Để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, Sở GD&ĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục linh động hợp đồng giáo viên nghỉ hưu có nguyện vọng, đảm bảo sức khỏe để giảng dạy; thực hiện tăng giờ, tăng buổi hoặc giáo viên thỉnh giảng để nhằm duy trì chất lượng dạy học. Sở cũng tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành hai Nghị quyết quan trọng trong khuyến khích, tuyển dụng giáo viên.
Nghị quyết số 12/2021 quy định chính sách khuyến khích đối với viên chức quản lý và giáo viên các cơ sở mầm non công lập công tác tại các địa bàn của tỉnh Tiền Giang khó tuyển dụng. Theo đó, giáo viên mới tuyển được hỗ trợ 2,5 triệu đồng/người/tháng thực dạy. Viên chức quản lý và giáo viên được hỗ trợ 1,5 triệu đồng/người/tháng thực dạy, quản lý.
Nghị quyết 21/2022, quy định chính sách khuyến khích đối với viên chức quản lý, giáo viên cơ sở giáo dục mầm non công lập, giáo viên mới tuyển dụng giảng dạy môn học trong cơ sở giáo dục phổ thông công lập tại các địa bàn khó tuyển dụng. Theo đó, giáo viên mầm non mới tuyển dụng được hỗ trợ 2,5 triệu đồng/người/tháng thực dạy. Viên chức quản lý, giáo viên 1,5 triệu đồng /người/tháng quản lý, thực dạy. Giáo viên dạy các môn khó tuyển dụng được hỗ trợ 2,5 triệu đồng đồng/người/tháng thực dạy. Thời gian thực hiện hỗ trợ từ học kỳ II năm học 2022 - 2023 đến hết học kỳ I năm học 2027 - 2028.
Sở GD&ĐT tham mưu và UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1374 ngày 11/5/2022 phê duyệt Đề án Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018 giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh. Việc tổ chức triển khai các Nghị quyết, Đề án đã tạo hành lang pháp lý thuận lợi hơn để ngành GD&ĐT “giải bài toán” thiếu giáo viên; Góp phần đảm bảo đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, chuẩn hóa về trình độ đào tạo… để tiếp tục duy trì nâng cao chất lượng dạy và học trên địa bàn tỉnh Tiền Giang những năm tiếp theo.
Ông Thái Văn Thành, Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An: Cần cơ chế tuyển dụng và hợp đồng giáo viên
Ông Thái Văn Thành, Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An. |
Đội ngũ giáo viên của Nghệ An đang cơ bản đáp ứng thực hiện Chương trình GDPT 2018. Tuy nhiên, cơ cấu giáo viên lại chưa đồng bộ, xảy ra tình trạng thừa - thiếu cục bộ. Cụ thể, cấp tiểu học có hơn 14 nghìn giáo viên, đạt tỷ lệ 1,32 giáo viên/lớp. Số giáo viên tiểu học của Nghệ An so với nhu cầu còn thiếu hơn 2.300 người. Trong đó, thiếu cả giáo viên văn hóa lẫn môn học bắt buộc mới đưa vào Chương trình GDPT 2018 (Ngoại ngữ, Tin học và Công nghệ), các môn chuyên biệt (Thể dục, Âm nhạc, Mỹ thuật ở một vài địa phương).
Đối với bậc THCS hiện có hơn 10.300 giáo viên, đạt tỷ lệ 1,91 giáo viên/lớp, thừa so với nhu cầu thực tế là 415 người. Số giáo viên thừa chủ yếu các môn Toán, Ngữ văn. Trong khi đó ở bậc học này đang thiếu giáo viên Ngoại ngữ, Tin học; các môn mới Công nghệ, Âm nhạc, Mỹ thuật… đặc biệt là Khoa học tự nhiên. Bậc THPT có gần 5.500 giáo viên, đạt tỷ lệ 2,15 giáo viên/lớp, cơ bản đáp ứng nhu cầu dạy học hiện tại và những năm tới.
Nhằm đảm bảo chất lượng giáo dục cũng như thực hiện tốt Chương trình GDPT 2018 theo lộ trình, Nghệ An đã có kế hoạch bồi dưỡng, nâng cao năng lực để sử dụng đội ngũ giáo viên hiện có. Mặt khác, để bổ sung đội ngũ đáp ứng chương trình mới, Sở khảo sát, thống kê, lập dự báo và tham mưu công tác tuyển dụng giáo viên, hợp đồng lao động. Hằng năm, Sở GD&ĐT phối hợp Sở Nội vụ tham mưu UBND tỉnh phân bổ chỉ tiêu biên chế cho các huyện, thành, thị; xây dựng chỉ tiêu tuyển dụng trình UBND tỉnh xem xét ban hành kế hoạch tuyển dụng, tổ chức tuyển dụng theo chỉ tiêu biên chế được giao. Bố trí, luân chuyển giáo viên đảm bảo thực hiện nhiệm vụ tại các cơ sở giáo dục.
Năm học 2022 - 2023, Nghệ An được giao hơn 2.800 định biên và hiện đã phân bổ về từng địa phương, bậc học và triển khai tuyển dụng. Tuy nhiên, trong số này, ngành đề nghị tập trung giải quyết vào biên chế cho hơn 1.700 giáo viên mầm non hợp đồng theo Nghị định 06 và Thông tư 09. Số còn lại, ưu tiên tuyển dụng giáo viên văn hóa tiểu học, các môn Tin học, Ngoại ngữ và môn mới. Tuy nhiên việc tuyển dụng gặp một số vướng mắc như Luật giáo dục 2019 thay đổi quy định về trình độ đào tạo chuẩn của giáo viên tiểu học cao hơn trước (cử nhân) nên nhiều địa phương không đủ nguồn tuyển. Các cơ sở đào tạo sư phạm chưa có sinh viên tốt nghiệp dạy các môn tích hợp theo Chương trình GDPT 2018…
UBND tỉnh Nghệ An đã phê duyệt Đề án Phát triển đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên mầm non và giáo viên phổ thông ngành GD&ĐT tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, dự kiến sẽ đào tạo 1.000 sinh viên. Số đặt hàng chủ yếu là giáo viên các môn khó tuyển như Ngoại ngữ, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật…
Trong thời gian tới, ngành cũng rà soát sắp xếp lại hệ thống trường, lớp để đảm bảo tập trung, hiệu quả trong bố trí nguồn lực, tiết kiệm giáo viên mà không ảnh hưởng đến quyền lợi người học. Tham mưu UBND tỉnh có cơ chế huy động xã hội hóa đảm bảo chi trả lương giáo viên đang thiếu theo định mức khi chưa bố trí đủ biên chế; Đồng thời chỉ đạo các đơn vị trường học hợp đồng giáo viên nhằm đáp ứng yêu cầu tổ chức dạy học theo chương trình GDPT.
Ngành mong muốn các cấp Bộ, ngành Trung ương tiếp tục quan tâm, bổ sung đủ biên chế giáo viên cho Nghệ An theo định mức quy định để đảm bảo đáp ứng Chương trình GDPT 2018.
Ông Minh Luân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau: Đặt hàng gắn liền rà soát nhu cầu sử dụng
Ông Minh Luân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau. |
Xuất phát điểm giáo dục Đồng bằng sông Cửu Long khá thấp. Ngoài yếu tố lịch sử, vấn đề căn cốt là chưa làm tốt công tác đánh giá cơ cấu, phân bổ nguồn nhân lực để có quy hoạch, điều chỉnh đáp ứng kịp thời cho phát triển kinh tế và sự tiến bộ của xã hội.
Bên cạnh đó, những “điểm nghẽn” của giáo dục có thể chỉ ra: Phân bổ nguồn lực đầu tư hạn chế, thiếu đồng bộ, giải pháp chưa đủ mạnh; nguồn lực đầu tư ngoài ngân sách thiếu định hướng, thông tin đưa ra khuyến cáo không kịp thời. Dù tỉnh Cà Mau đã cố gắng, nhiều chính sách an sinh xã hội được triển khai… nhưng tác dụng và hiệu quả chưa đạt như mong muốn.
Để triển khai hiệu quả Chương trình GDPT 2018, tỉnh Cà Mau cần khắc phục tình trạng thiếu giáo viên các bậc học. Trong đó, thiếu trầm trọng giáo viên Ngoại ngữ, Mỹ thuật, Tin học, Âm nhạc bậc Tiểu học, Ngoại ngữ, Giáo dục thể chất, Quốc phòng - An ninh và các môn tổ hợp bậc THCS, THPT.
Về giải pháp tháo gỡ, địa phương cần có chính sách đặt hàng, gắn liền với rà soát nhu cầu trước mắt và cho 5 - 10 năm tới. Chính sách đặt hàng nếu làm tốt chắc chắn sẽ thu hút được học sinh giỏi đi theo nghề Sư phạm. Vấn đề này, Bộ GD&ĐT nên mạnh dạn giao cho địa phương và trường đại học tự phối hợp thực hiện.
Bên cạnh đó, ngành Giáo dục địa phương cần chú trọng công tác sắp xếp giáo viên, rà soát vị trí việc làm; khẩn trương thực hiện các đề án sắp xếp trường lớp, mua sắm cơ sở vật chất, trang thiết bị. Các cơ sở giáo dục cần sớm xem xét, đặt hàng đội ngũ giáo viên đang thiếu để chủ động trong công tác giảng dạy…
Ông Tống Thanh Sơn, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mường Tè (Lai Châu): Giải pháp lâu dài là tuyển dụng giáo viên người địa phương
Ông Tống Thanh Sơn, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mường Tè (Lai Châu). |
Để chuẩn bị cho Chương trình GDPT mới, Phòng GD&ĐT huyện Mường Tè đã lựa chọn đội ngũ giáo viên có năng lực, nhiệt tình, trách nhiệm, cử tham gia Hội thảo giới thiệu SGK mới… Đồng thời, Phòng thành lập Ban Chỉ đạo bồi dưỡng cốt cán Chương trình GDPT mới, lựa chọn đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán tham gia tập huấn do Bộ và Sở GD&ĐT tổ chức. Đội ngũ cốt cán tiếp tục triển khai tập huấn cho toàn thể cán bộ quản lý, giáo viên để nắm bắt chương trình trước khi bắt đầu năm học mới…
Tuy nhiên, đối với một huyện vùng cao, biên giới như Mường Tè, việc “giữ chân” giáo viên đang gặp không ít khó khăn. 5 năm qua, địa phương có gần 140 giáo viên chuyển vùng, trong đó 20 người xin thôi việc. Năm học 2022 - 2023, có tới 30 giáo viên xin chuyển vùng và thôi việc. Do đó, toàn huyện thiếu 126 giáo viên so với biên chế giao và thiếu hơn 160 người so với định mức quy định của Bộ GD&ĐT. Dù đã nỗ lực, nhưng đầu năm học mới ngành Giáo dục huyện chỉ tuyển dụng được 38 giáo viên; số giáo viên còn thiếu tập trung ở cả 3 bậc học mầm non, TH và THCS.
Đặc biệt, tại huyện Mường Tè cũng thiếu nhiều biên chế giáo viên dạy môn Tiếng Anh, Tin học bậc tiểu học. Cụ thể, 15 trường có bậc tiểu học, nhưng môn Tiếng Anh chỉ có 9 biên chế (thiếu 10 giáo viên). Trong khi đó, môn Tin học chỉ 3 trường có giáo viên, 12 trường còn lại kiêm nhiệm.
Phòng GD&ĐT đã bố trí giáo viên bậc THCS giảng dạy kiêm nhiệm và dạy học trực tuyến đối với những trường có thể triển khai. Mặt khác, Phòng chỉ đạo nhà trường phối hợp với UBND các xã, thị trấn huy động học sinh lớp 3 về trung tâm học, hạn chế lớp ghép ở điểm bản...
Thời gian tới, Phòng GD&ĐT tiếp tục rà soát số giáo viên còn thiếu. Trên cơ sở đó, Phòng tham mưu xây dựng kế hoạch, thông báo tuyển dụng, hợp đồng giáo viên. Phòng cũng mong muốn có chế ưu tiên, đặc thù trong tuyển dụng giáo viên người địa phương để khuyến khích thầy cô gắn bó và cống hiến lâu dài với giáo dục vùng cao…