Nghịch lý thừa chỉ tiêu, thiếu nguồn tuyển giáo viên

GD&TĐ - Dù được bổ sung chỉ tiêu nhưng khi thông báo tuyển dụng giáo viên, nhiều địa phương gặp khó khăn do thiếu nguồn tuyển.

Một lớp học của Trường Tiểu học Nậm Pẻ (Sìn Hồ, Lai Châu). Ảnh: Internet
Một lớp học của Trường Tiểu học Nậm Pẻ (Sìn Hồ, Lai Châu). Ảnh: Internet

Nhiều nơi “trắng” hồ sơ

Năm học 2022 – 2023, Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Sủng Trà (Mèo Vạc, Hà Giang) có 597 học sinh, trong đó có 150 học sinh lớp 3 – năm đầu tiên thực hiện Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới. Thầy Phó Hiệu trưởng Chu Văn Vụ cho biết, trường đang thiếu giáo viên Tin học và Tiếng Anh. Mặc dù huyện đã cho cơ chế tuyển dụng hoặc hợp đồng giáo viên 2 bộ môn này nhưng đến nay, trường vẫn chưa tuyển được giáo viên vì không có hồ sơ ứng tuyển.

Phân tích về nguyên nhân thiếu nguồn tuyển, thầy Vụ nhìn nhận: Với người được đào tạo trình độ đại học sư phạm, họ không lựa chọn về vùng khó để dạy học nên không tham gia ứng tuyển. Còn với một số người có nguyện vọng trở thành giáo viên nhưng lại không đủ tiêu chuẩn về trình độ theo quy định của Luật Giáo dục 2019.

Huyện Mèo Vạc (Hà Giang) có hơn 29 nghìn học sinh, học tập tại 53 trường mầm non, tiểu học, THCS. Tình trạng thiếu giáo viên xảy ra với tất cả cấp học. Cá biệt, với bộ môn Tin học và Tiếng Anh cấp tiểu học, toàn huyện chỉ 1 giáo viên/môn.

Theo ông Bùi Văn Thư – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mèo Vạc, phòng đã tham mưu với lãnh đạo huyện để tuyển bổ sung số giáo viên còn thiếu, song địa phương lại đối diện với khó khăn khác là thiếu nguồn tuyển. Thiếu giáo viên và thiếu nguồn tuyển khiến các trường gặp không ít khó khăn khi triển khai nhiệm vụ dạy – học.

Hà Giang thiếu khoảng 1.700 giáo viên, phần lớn là ở bậc mầm non và tiểu học. Nhiều khu vực trong tình trạng thiếu giáo viên và thiếu nguồn tuyển. Theo quy định của Luật Giáo dục 2019, giáo viên tiểu học phải có trình độ đại học; giáo viên mầm non phải có trình độ cao đẳng trở lên. Quy định này khiến các địa phương của Hà Giang gặp khó khăn trong tuyển dụng, hợp đồng giáo viên, vì con em địa phương chủ yếu có trình độ trung cấp.

Giám đốc Sở GD&ĐT Hòa Bình Bùi Thị Kim Tuyến cho biết, toàn tỉnh thiếu 670 giáo viên tiểu học. Một số huyện thiếu giáo viên nên chưa tổ chức học 2 buổi/ngày cho 100% học sinh lớp 1. Ngoài ra, tỉnh còn thiếu 111 giáo viên THPT và 355 giáo viên THCS; trong đó có giáo viên các môn: Khoa học tự nhiên, Toán, Ngữ văn, Tin học, Tiếng Anh…

Bên cạnh đó, theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, địa phương này chưa có giáo viên giảng dạy các môn học: Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 2, Âm nhạc, Mỹ thuật; chưa có giáo viên được đào tạo chính quy, đúng chuyên ngành giảng dạy các môn: Hoạt động giáo dục trải nghiệm - hướng nghiệp, Giáo dục địa phương; thiếu giáo viên các môn: Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật, Giáo dục công dân. Giáo viên giảng dạy môn Giáo dục Quốc phòng và An ninh chưa đảm bảo về trình độ đào tạo.

Ông Vũ Đình Hưng - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Tuyên Quang - cho hay, dù có chỉ tiêu biên chế nhưng nhiều huyện trên địa bàn tỉnh không có giáo viên để tuyển dụng. Lý do mà địa phương đưa ra là, do tiêu chí, tiêu chuẩn tuyển dụng cao hơn so với trình độ của giáo viên đang dạy hợp đồng tại địa bàn.

Học sinh Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Sủng Trà (Mèo Vạc, Hà Giang). Ảnh: Internet

Học sinh Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Sủng Trà (Mèo Vạc, Hà Giang). Ảnh: Internet

Đề xuất tuyển giáo viên “dưới chuẩn”

Theo đại biểu Quốc hội Hoàng Quốc Khánh – đoàn Lai Châu, tình trạng thiếu giáo viên ở các tỉnh miền xuôi đã khó, với miền núi còn khó khăn hơn nhiều. Nếu không có giải pháp căn cơ, sẽ ảnh hưởng lớn đến chất lượng dạy và học. Hiện nay, thiếu nhiều nhất là giáo viên mầm non và giáo viên Tiếng Anh, Tin học đối với cấp tiểu học; giáo viên Âm nhạc, Mỹ thuật đối với THPT. Nguyên nhân do không có nguồn để tuyển dụng. “Đơn cử như tỉnh Lai Châu, nhu cầu cần tuyển dụng gần 100 giáo viên Tiếng Anh nhưng hồ sơ nộp chưa đến 10. Trong khi hằng năm số giáo viên bỏ việc, chuyển việc nhiều” – đại biểu Hoàng Quốc Khánh viện dẫn.

Để từng bước tháo gỡ khó khăn, đại biểu Quốc hội tỉnh Lai Châu cho rằng, nâng lương cơ sở thực hiện từ năm 2023 là hết sức cần thiết. Bộ GD&ĐT rà soát lại chính sách thu hút, hỗ trợ người học và người dạy đã lạc hậu để đề xuất sửa đổi. Chính sách đãi ngộ cần đặc biệt, ưu đãi hơn đối với đội ngũ giáo viên công tác ở miền núi, biên giới. “Trước tiên, để giữ chân người dạy và thu hút đội ngũ sinh viên tốt nghiệp các trường sư phạm lên công tác” - đại biểu Hoàng Quốc Khánh nêu quan điểm.

Để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên nhưng không có nguồn tuyển, Giám đốc Sở GD&ĐT Hòa Bình Bùi Thị Kim Tuyến kiến nghị, khi tuyển dụng các cơ quan liên quan xem xét “hạ” tiêu chuẩn về trình độ được đào tạo. Đồng thời gia hạn để các giáo viên “dưới chuẩn” tiếp tục học tập nâng chuẩn. Ở những vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, ứng viên thi vào làm giáo viên mầm non với trình độ trung cấp, còn giáo viên tiểu học trình độ cao đẳng là được. Sau đó, vừa làm, vừa bồi dưỡng nâng chuẩn.

Tại chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2022, ông Phạm Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) - trao đổi, Luật Giáo dục 2019 quy định, chuẩn trình độ đào tạo của giáo viên mầm non là cao đẳng trở lên thay vì trung cấp sư phạm như trước đây. Giáo viên cấp tiểu học và THCS phải có bằng đại học trở lên. Bộ đang đề xuất với Chính phủ có thể tuyển dụng, hợp đồng những giáo viên “dưới chuẩn” theo Luật Giáo dục 2015. Bởi ở vùng sâu, vùng xa, số lượng giáo viên chưa đạt chuẩn còn rất nhiều.

Theo đại biểu Quốc hội Hoàng Quốc Khánh, thiếu giáo viên và nguồn tuyển còn xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác. Chẳng hạn như: Thu nhập thấp, áp lực công việc. Với tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa, cuộc sống còn khó khăn nên nhiều người không “mặn mà” nộp hồ sơ ứng tuyển làm giáo viên. Trong khi chính sách thu hút, giữ chân giáo viên đã lạc hậu, chậm được điều chỉnh và chưa bổ sung kịp thời. Nhiều nơi, giáo viên không được hưởng do đã ra khỏi xã đặc biệt khó khăn…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ