Bảo đảm công bằng

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Bộ GD&ĐT vừa ban hành công văn về thực hiện tuyển sinh lớp 10 THPT năm học 2024 - 2025 gửi các tỉnh, thành.

Ảnh minh họa ITN.
Ảnh minh họa ITN.

Điểm đáng chú ý của văn bản này là Bộ đề nghị lãnh đạo các địa phương chỉ đạo, phê duyệt kế hoạch và phương thức tuyển sinh vào lớp 10 THPT trên địa bàn theo đúng quy định tại Văn bản hợp nhất số 03/VBHN-BGDĐT năm 2019 về Quy chế tuyển sinh THCS và THPT. Đối với các tỉnh đã phê duyệt kế hoạch và phương thức tuyển sinh vào lớp 10 THPT chưa đúng quy định về tuyển thẳng, chế độ ưu tiên phải điều chỉnh và thông báo công khai đến các đối tượng liên quan.

Thời gian qua, hầu hết địa phương thực hiện đúng quy định của Bộ về tuyển sinh vào THCS và THPT. Tuy nhiên, một số nơi đã phê duyệt kế hoạch và phương thức tuyển sinh vào lớp 10 THPT nhưng thêm một số nội dung không đúng quy định. Theo Điều 7 của Văn bản hợp nhất số 03/VBHN-BGDĐT Quy chế tuyển sinh THCS, THPT, trong đối tượng được tuyển thẳng, ưu tiên khi tuyển sinh lớp 10 không có thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ, kể cả chứng chỉ ngoại ngữ IELTS.

Thế nhưng vừa qua, một số nơi lại thực hiện ưu tiên cho đối tượng này. Chẳng hạn năm 2021, Nghệ An là địa phương đầu tiên trên cả nước áp dụng chính sách tuyển thẳng thí sinh có chứng chỉ IELTS vào lớp 10 công lập, năm 2022 có tỉnh Tuyên Quang, năm 2023 là Phú Thọ... Năm học 2024 - 2025 tiếp tục có thêm nhiều tỉnh, thành khác áp dụng ưu tiên cộng điểm hoặc miễn môn thi Tiếng Anh cho học sinh có chứng chỉ IELTS hay chứng chỉ ngoại ngữ bậc 3 như Vĩnh Long, Bình Dương, Lào Cai…

Lý giải nguyên nhân áp dụng tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển thí sinh có chứng chỉ IELTS, những địa phương trên cho rằng chính sách này nhằm tạo động lực, giúp các em học tốt ngoại ngữ hơn, nhất là tỉnh có điểm thi tốt nghiệp THPT môn Tiếng Anh còn thấp, cần cải thiện. Ưu tiên tuyển sinh học sinh có chứng chỉ IELTS cũng được xem là cách nhằm giảm áp lực thi cử không cần thiết với những thí sinh có chứng chỉ.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, việc thúc đẩy học ngoại ngữ ở bậc phổ thông là cần thiết. Tuy vậy, thực hiện ưu tiên chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, đặc biệt là IELTS trong việc tuyển sinh vào lớp 10 như cách một số địa phương đang áp dụng chưa thật sự phù hợp. Các ý kiến bức xúc trước chính sách ưu tiên sai quy định này cho rằng tiếng Anh chỉ là một ngôn ngữ.

Bài thi IELTS chưa đủ để phản ánh chất lượng giáo dục toàn diện cũng như nền tảng kiến thức của học sinh ở các môn học. Trong khi đó, cấp THCS đòi hỏi học sinh phải có kiến thức cơ bản, nếu xét tuyển thẳng thí sinh có chứng chỉ IELTS dễ dẫn đến việc học sinh học tủ, học lệch, lơ là các môn học cơ bản khác.

Mặt khác, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 ở nhiều địa phương có tính cạnh tranh cao, mức độ gay gắt hơn tuyển sinh đại học, nếu rộng cửa cho thí sinh có chứng chỉ IELTS cũng sẽ tạo nên sự bất bình đẳng đối với học sinh vùng khó, con em các gia đình nghèo không có điều kiện ôn luyện. Bởi hiện nay chi phí học luyện và thi IELTS không hề thấp.

Đến nay, sau khi Bộ GD&ĐT ban hành văn bản chấn chỉnh, lãnh đạo một số sở GD&ĐT cho biết sẽ rà soát, điều chỉnh kế hoạch, phương án tuyển sinh lớp 10 năm học 2024 - 2025 vì đã thông báo về việc cộng điểm hoặc tuyển thẳng học sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế IELTS. Bước chuyển động này được dư luận hoan nghênh, bởi đó là việc cần phải làm để bảo đảm kỷ cương, quy định, công bằng cho thí sinh.

Tin tiêu điểm

Hệ thống HIMARS của Ukraine sẽ được sử dụng để phóng ATACMS.

Canh bạc nguy hiểm với ATACMS

Thế giới
GD&TĐ - Theo chuyên gia quân sự kỳ cựu Nga, Andrey Koshkin, hệ thống phòng thủ nhiều tầng của Moscow luôn sẵn sàng đánh chặn mọi tên lửa, kể cả ATACMS tầm xa.

Đừng bỏ lỡ