Đối diện với những tình huống sư phạm chưa từng có tiền lệ, nhiều giáo viên không kiềm chế được cảm xúc và phạm lỗi ứng xử.
Lấn át sự tỉnh táo
Để đảm bảo khung thời gian năm học, học sinh, sinh viên cả nước chính thức chuyển trạng thái học tập online từ giữa tháng 8 khi dịch ngày càng phức tạp. Trong thời gian dạy học và tương tác trên lớp học ảo vừa qua đã xảy ra nhiều vụ việc giáo viên có lời lẽ chưa phù hợp với học sinh, thậm chí vì cảm xúc tiêu cực đã có giảng viên đuổi học sinh khỏi lớp học.
Vụ việc thầy L.M.T (giảng viên Trường ĐH SPKT TPHCM) đuổi sinh viên khỏi lớp học vì yêu cầu ông giảng lại bài giảng do mưa quá to không nghe rõ là một ví dụ điển hình.
Không chỉ tức giận với đề nghị chính đáng của sinh viên, giảng viên T còn có những lời lẽ và hành động thiếu kiềm chế khi liên tục có những câu chữ không phù hợp. Đỉnh điểm của cảm xúc tiêu cực chính là việc người thầy yêu cầu tất cả sinh viên trong lớp phải lập lại nguyên văn câu nói: “Tôi tên..., có đủ miệng và tai, giác quan như người bình thường”, gây bức xúc cho sinh viên và dư luận.
Ngay sau khi clip ghi lại vụ việc lan truyền chóng mặt trên mạng xã hội, giảng viên T đã đưa ra lời xin lỗi; đồng thời thừa nhận đã có những câu hỏi, câu nói chưa phù hợp trong bối cảnh sư phạm.
Lý giải về sự nóng nảy, thiếu kiềm chế của mình, giảng viên T cho biết, do đặc thù môn học khó nên khi bắt đầu lớp học có sự thống nhất từ đầu là tất cả phải tập trung nghe giảng, không hiểu phải hỏi ngay. Người dạy sẽ thường xuyên đặt ra câu hỏi để nắm tình trạng tiếp thu của sinh viên. Tuy nhiên, khi hỏi đến sinh viên kia, em nói không nghe rõ và yêu cầu ông giảng lại nên ông đã mời em ra khỏi lớp.
“Thời điểm tôi cho sinh viên kia ra khỏi lớp theo ý kiến chủ quan và suy nghĩ là em đã không tập trung nghe giảng và chưa thực hiện đúng các thống nhất ban đầu của lớp học. Việc làm trên tôi nhằm gây sự chú ý và định hướng các sinh viên tập trung vào bài học, giúp tiết học chất lượng và hiệu quả hơn. Tuy nhiên, do có một chút cảm xúc nên những câu từ tôi dùng chưa phù hợp”, giảng viên T lý giải.
Việc chịu áp lực lớn phải đảm bảo tiết học đúng thời lượng, chuyển tải đủ nội dung, trạng thái học tập của học sinh, sinh viên phải vui tươi, hào hứng qua màn hình laptop đã khiến nhiều giáo viên rơi vào cảm xúc ức chế khi có tình huống trái ý muốn nảy sinh.
Trường hợp một giảng viên Trường ĐH Bách khoa TPHCM mắng sinh viên là đồ “óc trâu” hay một nữ giáo viên dạy Văn của Trường THPT Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị mắng học sinh là “quái thai về tâm hồn”, “một loại rác thải”… xuất phát từ chính những áp lực vô hình mà không mấy người thấy và chia sẻ.
Cô T.T.H.Y, giáo viên Trường THPT Cam Lộ thừa nhận khi nghe lại đoạn clip mắng học sinh lan truyền trên mạng, cô cũng không hiểu vì sao lúc đó cảm xúc của mình lại tức giận và thiếu sự kiềm chế đến vậy. Cô Y nhận thức mình sai khi buông ra những lời lẽ không phù hợp với học sinh.
Giải pháp cân bằng?
Theo các chuyên gia tâm lý, bất cứ công việc nào trong cuộc sống hiện đại đều có áp lực, nghề giáo cũng vậy. Trong bối cảnh dịch bệnh, các phương thức giao tiếp và dạy học phải chuyển đổi trạng thái như thời gian vừa qua, việc cảm xúc tiêu cực chi phối đến hoạt động dạy học là điều khó tránh khỏi.
Theo TS tâm lý Đào Lê Hòa An, áp lực vừa đủ là động lực giúp cá nhân phấn đấu vươn lên để hoàn thiện bản thân và phát triển nghề nghiệp. Tuy nhiên, nếu áp lực quá lớn sẽ dẫn đến ức chế, làm việc kém hiệu quả. Ức chế tích lũy, dồn nén ở mức độ nào đó dẫn đến hành vi bộc phát, tiêu cực.
“Thời gian qua tình hình dịch bệnh tại TPHCM và các tỉnh phía Nam thật sự căng thẳng. Đội ngũ giáo viên hàng ngày phải đối mặt với những thông tin tiêu cực của dịch bệnh, rồi khó khăn của cuộc sống, áp lực khi phải sống trong khu phong tỏa cách ly, có trường hợp người nhà giáo viên và giáo viên bị nhiễm bệnh… Bản thân giáo viên cũng kỳ vọng phải dạy thật tốt, tiết dạy phải thật vui và sinh động để hút học sinh… Khi những cố gắng của bản thân không như kỳ vọng, sự thất vọng, cảm xúc lao dốc nơi giáo viên là khó tránh khỏi. Việc học sinh không tập trung học, có ứng xử không tốt… sẽ gián tiếp làm cảm xúc tiêu cực nơi giáo viên bùng phát”, TS An phân tích.
TS Lê Thị Mai Liên - giảng viên Bộ môn Tham vấn - trị liệu, Khoa Tâm lý học Trường ĐH KHXH&NV - ĐHQG TPHCM cũng cho rằng, để giảm áp lực, giáo viên cần chăm sóc bản thân trước khi lên lớp, đặc biệt là sức khỏe tinh thần. Khi rơi vào trạng thái mệt mỏi, cảm xúc không tốt, giáo viên cần làm những điều khiến mình cảm thấy thoải mái và vui vẻ. Bởi chính điều đó sẽ giúp thầy cô khơi dậy được cảm hứng và giảng bài hay hơn.
“Thầy cô cần quan sát nội tâm, cảm xúc, ngôn ngữ cơ thể của mình và tiến hành “quét” cảm xúc, tâm trạng của mình mỗi ngày trước khi lên lớp. Nếu cảm thấy căng thẳng, khó chịu, thầy cô có thể dành 2 - 3 phút thực hành hít thở để xoa dịu cảm xúc, kích hoạt năng lượng tích cực, niềm vui sống. Đại dịch “đóng” chúng ta với thế giới bên ngoài nhưng cũng là cơ hội để “mở” ra cái bên trong. Quay về với bản thân, lắng nghe cơ thể, lắng nghe tiếng nói bên trong nội tâm có thể giúp chính nội tâm an yên và tích cực”, TS Liên nói.