Bảo đảm an toàn khi mở cửa trường học; tin vui về xếp hạng đại học quốc tế

GD&TĐ - Liên Bộ GD&ĐT – Y tế tăng cường phối hợp bảo đảm an toàn khi mở cửa trường học; Tin vui về xếp hạng trường đại học; Lần đầu HS Việt Nam là "Đại sứ trẻ về Sở hữu trí tuệ của WIPO”…là thông tin GD nổi bật tuần qua.

Ảnh minh hoạ/INT.
Ảnh minh hoạ/INT.

Liên Bộ phối hợp bảo đảm an toàn khi mở cửa trường học

Tuần qua, lãnh đạo Bộ GD&ĐT, Bộ Y tế có buổi làm việc, đề cập công tác phối hợp bảo đảm an toàn khi mở cửa trường học. trong cuộc làm việc chiều 1/11.

Về việc triển khai tiêm vắc xin cho học sinh từ 12-17 tuổi, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục sẵn sàng phối hợp, lập danh sách, khảo sát lấy ý kiến đồng ý của phụ huynh học sinh và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tổ chức tiêm tại trường học. Hiện một số địa phương đã thực hiện tiêm vắc xin cho học sinh, như  TP. Hồ Chí Minh với khoảng 305 nghìn học sinh, Bình Dương là 42.330, Ninh Bình là 32.938 em.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn và Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long thống nhất cho rằng: Việc học sinh, sinh viên trở lại trường là nhu cầu chính đáng, do đó các bộ, ngành liên quan, đặc biệt là UBND các tỉnh, thành phố cần phải coi đó là việc quan trọng, tạo điều kiện tối đa cho học sinh, sinh viên đến trường đảm bảo an toàn.

Hai Bộ trưởng đồng thời trao đổi, thống nhất một số nội dung nhằm tăng cường triển khai Nghị quyết 128 của Chính phủ, đảm bảo các điều kiện an toàn sức khỏe học sinh, an toàn học đường cho việc đi học trực tiếp. Tổ chức tập huấn cho hệ thống trường học các kỹ năng về dự phòng, quản lý, chăm sóc và phòng chống Covid-19.

Hai Bộ trưởng cũng nhất trí cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Y tế nhằm triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn sức khỏe trong trường học khi học sinh, sinh viên trở lại trường, theo đúng tinh thần của Nghị quyết 128. Đồng thời, thúc đẩy các địa phương ứng xử phù hợp với mở cửa trường học ở từng xã, phường tương đương với các cấp độ kiểm soát dịch bệnh.

Nhóm tác giả giới thiệu sản phẩm Vihelm.
Nhóm tác giả giới thiệu sản phẩm Vihelm.

Học sinh Việt Nam nhận danh hiệu "Đại sứ trẻ về Sở hữu trí tuệ của WIPO”

Nhóm học sinh Việt Nam vừa được trao danh hiệu Đại sứ trẻ về Sở hữu trí tuệ của Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới năm 2021, là danh hiệu đại sứ đầu tiên về sáng chế công nghệ ở Châu Á - Thái Bình Dương.

Thông tin từ Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại thế giới và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva cho biết: Đại diện Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới WIPO thông báo quyết định trao danh hiệu “Đại sứ trẻ về Sở hữu trí tuệ của WIPO” (WIPO’s IP Youth Ambassador) cho 3 nhà sáng chế trẻ Việt Nam đã sáng chế và phát triển thành công sản phẩm mũ Vihelm.

Nhóm học sinh gồm: Đỗ Trọng Minh Đức (Sinh năm 2003, hiện đang học tại Montverde Academy, Florida, Hoa Kỳ); Trần Nguyễn Khánh An (sinh năm 2006, học sinh lớp 10 trường Dewey Schools, Hà Nội); Nguyễn Hoàng Phúc (sinh năm 2007, học sinh lớp 9 Trường Trường quốc tế Pháp Lfay, Hà Nội)

Theo đại diện WIPO, đây sẽ là những Đại sứ trẻ về Sở hữu trí tuệ của WIPO đầu tiên về sáng chế công nghệ ở Châu Á - Thái Bình Dương. Còn đại diện WHO cho biết, đã trao đổi trực tuyến với nhóm 3 nhà sáng chế trẻ và thầy hướng dẫn của nhóm, đánh giá cao sản phẩm mũ Vihelm.

Trong thời gian được nghỉ học để tránh dịch Covid-19, 3 học sinh Việt Nam đã sáng chế ra chiếc mũ bảo hộ chống dịch Covid-19 mang tên Vihelm, có tác dụng giảm nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh lên tới 99,9%.

Được biết, ý tưởng của các bạn trẻ ra đời từ việc giải quyết một đề bài được các thầy cô giao cho - tìm cách làm một mũ lọc không khí có nhiều tính năng, tạo được sự tiện nghi và thoải mái để tăng cường năng suất lao động cho người tiêu dùng, trong bối cảnh có thể cuộc chiến với dịch Covid-19 còn kéo dài.

Sau rất nhiều nỗ lực tìm tòi, các bạn đã hoàn thành chiếc mũ và đặt tên Vihelm (tên viết tắt tiếng Anh), trong đó "Vi" là Việt Nam còn "Helm" là mũ. Theo đó, Vihelm là "mũ chống dịch của Việt Nam".

Ảnh minh hoạ/INT.
Ảnh minh hoạ/INT.

11 trường đại học Việt Nam vào bảng xếp hạng châu Á

Theo kết quả xếp hạng của Tổ chức Quacquarelli Symonds (QS AUR) ngày 2/11, có 11 cơ sở giáo dục Việt Nam vừa lọt vào bảng xếp hạng các trường đại học châu Á.

Đứng đầu là Trường ĐH Tôn Đức Thắng với vị trí thứ 142. Năm ngoái, trường này xếp thứ 163, đứng thứ 3 Việt Nam. Xếp thứ 2 là ĐH Quốc gia Hà Nội với vị trí 147 - cùng thứ hạng đã đạt được ở QS AUR 2020 nhưng đã vươn lên top 21,4%; sau đó là ĐH Quốc gia TP.HCM ở vị trí 179, Trường ĐH Duy Tân ở vị trí 210, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội trong nhóm 281-290.

Ngoài ra, ĐH Huế trong nhóm 401-450, ĐH Cần Thơ và ĐH Đà Nẵng ở trong nhóm 501-550; Trường ĐH Sư phạm Hà Nội và Trường ĐH Kinh tế TP.HCM ở trong nhóm 551-600; Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM ở trong nhóm 601-650.

Trong bảng xếp hạng QS châu Á năm nay, Singapore tiếp tục duy trì vị trí dẫn đầu với 2 cơ sở giáo dục là ĐH Quốc gia Singapore với hạng 1 châu Á; hạng 11 thế giới và ĐH Công nghệ Nanyang với hạng 3 châu Á; hạng 12 thế giới.

Ngoài ra, trong khu vực Đông Nam Á, Malaysia có nhiều cơ sở giáo dục đại học trong top 50 nhất với 5 cơ sở giáo dục, trong đó, ĐH Malaya có thứ hạng tốt nhất, xếp thứ 8 châu Á.

Sau Malaysia là Thái Lan với 23 cơ sở giáo dục đại học được xếp hạng, trong đó có 2 cơ sở giáo dục đại học được xếp hạng trong top 50; Philippines có 15 cơ sở giáo dục đại học được xếp hạng và Indonesia có 34 cơ sở giáo dục đại học được xếp hạng.

QS AUR 2022 giữ nguyên phương pháp xếp hạng khi đánh giá các cơ sở giáo dục đại học theo 11 chỉ số: Đánh giá của học giả; Đánh giá của nhà tuyển dụng; Tỷ lệ giảng viên/ sinh viên; Tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ; Số bài báo khoa học/giảng viên; Tỷ lệ trích dẫn/ bài báo khoa học; Mạng lưới nghiên cứu quốc tế; Tỷ lệ giảng viên quốc tế; Tỷ lệ sinh viên quốc tế; Tỷ lệ sinh viên đến trao đổi và Tỷ lệ sinh viên đi trao đổi.

QS AUR năm 2022 xếp hạng cho 675 cơ sở giáo dục đại học thuộc châu Á (năm 2022 có 38 cơ sở giáo dục đại học lần đầu tiên tham gia xếp hạng). Kết quả xếp hạng này được thu thập từ phản hồi của hơn 130.000 học giả và 75.000 nhà tuyển dụng trên toàn thế giới cùng với phân tích kết quả thu thập từ khoảng 96 triệu trích dẫn (trong giai đoạn 2015-2020) từ 14,7 triệu công bố khoa học (trong giai đoạn 2015-2019) sau khi đã loại bỏ tự trích dẫn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ