Vì vậy thấy bánh khoai Thị Cầu là thấy hương vị Tết. Bánh được làm từ những nguyên liệu tự nhiên: Gạo nếp cái hoa vàng, khoai sọ, nước cây vông vang, cỏ bấc (một vị thuốc bắc có tên là thông thảo), rượu trắng, đường phèn.
Gạo nếp cái hoa vàng tròn mẩy, căng bóng đem ngâm 6 đến 7 tiếng rồi đồ chín tới để giữ được vị thơm của nếp. Tiếp đó, cho thêm nước cây vông vang, cỏ bấc và rượu trắng và đồ lần 2.
Khoai sọ luộc chín, bỏ vỏ, phần lõi trắng ngần của khoai đem giã cùng xôi vừa đồ. Khi bột nhuyễn, mịn, sánh thì đổ ra và cán, cắt thành những viên nhỏ. Người thợ không cắt bằng dao mà dùng thanh tre nhỏ như chiếc đũa tẩm bột áo, đưa đi đẩy lại khéo léo xắt những viên bột tròn đều tăm tắp như những viên bi.
Những viên bánh sống được xếp trên giàn đem phơi thật khô, mất chừng 10 ngày. Mẻ bánh ngon hay không phụ thuộc nhiều vào thời tiết, nếu trời có gió bấc, hanh hao thì bánh khô nỏ, ăn sẽ giòn, xốp tan trong miệng.
Trời nồm, ẩm ướt, bánh không khô kỹ, khi ăn sẽ bị sượng bên trong, mất đi độ giòn, xốp. Hiện, đa số những hộ làm bánh đã đầu tư giàn sấy lạnh để hong khô nên luôn đảm bảo có những mẻ bánh thơm ngon.
Bánh phơi khô đem thả sôi trong chảo dầu cho nở bung, xốp, giòn và ngả sang màu vàng nhạt là được. Tiếp đó cho vào chảo đường đun sôi, đảo đều, sao cho lớp đường mỏng phủ kín bề mặt.
Chiếc bánh thành phẩm cầm trên tay có mùi thơm dịu, cho vào miệng thưởng thức giòn rụm, vị ngọt thanh tan trên đầu lưỡi. Để không đơn điệu, người làm bánh kết hợp với các nguyên liệu tự nhiên tạo màu như quả gấc, củ dền… cho ra đời những mẻ bánh màu sắc, bắt mắt.
Mùa Tết đang về trên mọi miền Tổ quốc, đặc sản bánh khoai Thị Cầu, Bắc Ninh góp phần làm phong phú ẩm thực quê hương.