Mặt trời đứng bóng cũng là lúc cái bụng thúc giục. Ghé gian hàng ẩm thực nằm trong khuôn viên triển lãm, nó tần ngần trước menu quá quen: Phở, bánh cuốn, xôi, bánh giầy, bánh mì... Chỉ khi nhìn tới cái tên lạ lẫm “bánh dợm”, lần đầu được nghe cô bán hàng mô tả “giống bánh giầy nhưng có thêm nhân”, nó liền náo nức chọn. Mẹ đồng tình vì mẹ cũng là người luôn thích mới lạ.
Ba chiếc chứ không phải hai, thêm nữa “về nhà cùng ăn với em cho vui nhé!”, mẹ nhắn nhủ khi đưa phiếu thanh toán cho nó đến quầy nhận bánh. Thực ra lúc đó nó không để ý mẹ dặn gì mà phải đến khi nhận từ cô bán hàng thì cứ nghĩ đi nghĩ lại xem cô ấy có đưa nhầm 2 thành 3 chiếc không, rồi nhanh chân tìm mẹ ngồi bàn nào. Ơ kìa, mẹ vẫn đứng phía cửa, vẫy tay ý bảo nó rảo bước về nhanh.
45 phút chạy xe từ Đông sang Tây thành phố thì mới đến nhà. Khi trước, cái bụng réo rắt vậy mà suốt quãng đường ấy bỗng ngoan ngoãn im bặt.
“Bánh dợm này nhóc ơi”, nó reo vang từ cổng. Ba tấm bánh vẫn ấm áp, mềm mại. Khéo léo bóc lớp áo (lá chuối) sao cho gọn ghẽ, không dính tay, nó khoan khoái thưởng thức mà không quên bí mật làm phép so sánh với bành giầy mà khi trước cô bán hàng mách nhỏ.
Quả là giống về lớp bột nếp mịn màng được đồ chín bọc phía ngoài và khác biệt khi có nhân đỗ bên trong. Chẳng thế mà bên cạnh độ dẻo thơm của gạo nếp thì ở loại bánh này còn là vị bùi cùng chút béo ngậy của đỗ xanh. Thực là, quen mà lạ.
“Bánh dợm/rợm cũng là bánh nếp đó anh ơi. Này nhé, xứ Đoài (Sơn Tây, Hà Nội) có bánh dợm tiến vua vào Tết cơm mới (10/10 âm lịch). Người Tày ở Tây Bắc thì gọi là bánh rợm – cái tên xuất phát từ việc nói lái từ “rơm”, được làm vào dịp Tết Nguyên đán, có đủ nhân mặn, ngọt…”, đứa em nhoẻn miệng mách chuyện, “là em đọc sách để nay được cùng mẹ và anh thưởng thức. Mẹ ơi, Xuân đến, nhà mình có tính thêm những chuyến “phượt” lên Sơn Tây hay về Tây Bắc không?”.