Nghìn năm giã bánh dâng Vua Hùng

GD&TĐ - Mộ Chu Hạ - ngôi làng duy nhất của nước Nam được chọn giã bánh giầy dâng Vua Hùng vào mỗi dịp giỗ Tổ mùng 10/3.

Thanh niên làng Mộ Chu Hạ giã bánh giầy dâng Vua Hùng.
Thanh niên làng Mộ Chu Hạ giã bánh giầy dâng Vua Hùng.

Mộ Chu Hạ là một ngôi làng cổ, xưa thuộc phủ Vĩnh Tường, nay thuộc phường Bạch Hạc (Việt Trì - Phú Thọ). Tiếng chày giã bánh của làng đã nổi tiếng rộn ràng cả nghìn năm luôn vang vọng như mùi thơm của thứ bánh nức tiếng trời Nam.

Cội nguồn bánh giầy

Theo tư liệu từ Ban di tích lịch sử đình làng Mộ Chu Hạ, Lang Liêu - hoàng tử thứ 18 của Hùng Hoa Vương đặt chân đến ngã ba Bạch Hạc vào đêm trăng rằm. Chàng đã bỗng ngửi thấy mùi thơm hương lúa nếp, và chợt hiểu ra đây chính là đáp án cho việc kiếm tìm sơn hào hải vị dâng lên vua cha.

Ngày các hoàng tử dâng lễ, Lang Liêu từ tốn bước tới quỳ trước bệ rồng mở khăn điều. Vua và trăm quan văn võ kinh ngạc vì vật lạ chưa bao giờ nhìn thấy. Một chiếc bánh vuông màu xanh và một chiếc bánh tròn màu trắng tinh khiết. 

Nhà vua tươi cười nói: “Hai thứ bánh này quả là những thứ mà ta và các ngươi chưa từng thấy bao giờ. Bánh tròn tượng trưng cho trời, bánh vuông tượng trưng cho đất - đó chính là cội nguồn âm dương sự sống”. 

Là trời nên chỉ một màu trắng tròn gọi là bánh giầy, là đất nên hình vuông có cỏ cây, lúa, đỗ và thịt động vật gói bên trong gọi là bánh chưng. Sản vật đã nói lên sự giàu có của đất nước với bàn tay của con người làm ra. 

Nhà vua vì ưng ý với lễ vật của Lang Liêu mà truyền ngôi báu cho chàng. Hoàng tử thứ 18 lên nối ngôi lấy hiệu là Hùng Huy Vương (Vua Hùng thứ 7). Ngoài ý nghĩa gắn liền với thời kỳ Hùng Vương, bánh giầy làng Mộ Chu Hạ còn gắn với huyền tích hoàng đế nhà Tiền Lê - Lê Đại Hành. 

Trong công cuộc chống quân Tống xâm lược, một lần Thập đạo tướng quân Lê Đại Hành cho quân sĩ rút lui đến làng Mộ Chu Hạ thì trời vừa tối, người ngựa đều mệt mỏi. Vua cho quân sĩ nghỉ ngơi, sáng hôm sau dân làng giã bánh giầy để vua và binh lính mang theo làm lương thực. Hôm đó là ngày mùng 10 tháng Giêng, nhờ những chiếc bánh đó mà tinh thần quân sĩ lên cao, sung sức đánh giặc.

Kể từ đó, mỗi năm hai lần hội thi giã bánh giầy trở thành truyền thống của người dân làng Mộ Chu Hạ. Bốn giáp: Giáp Đông, giáp Tây, giáp Nam, giáp Bắc tương đương với 4 dòng họ lớn trong làng vang lên dần đều để tưởng nhớ vua Lê Đại Hành. Và để chuẩn bị cho dịp lễ giỗ Tổ Hùng Vương, làng lại một lần nữa nhịp nhàng tiếng chày giã bánh.     

Bí quyết nghìn năm giúp cho bột nếp không dính cối và chày.
Bí quyết nghìn năm giúp cho bột nếp không dính cối và chày.

Cao thành, gọn nóc

Theo các cao niên làng Mộ Chu Hạ, ngày xưa rất kỳ công trong việc chọn gạo giã bánh. Người chọn không được dùng tay mà phải dùng đũa, không được chọn hạt không nguyên vẹn. Điều đó thể hiện tấm lòng thành thực của con dân đất Việt đối với Vua Hùng.

Theo các cao niên làng Mộ Chu Hạ, để thể hiện lòng biết ơn đối với ông cha, cội nguồn và đất trời. Gần đến ngày giỗ Tổ mùng 10/3 là dân làng dù đi làm ăn xa xôi cũng trở về bản quán chuẩn bị dụng cụ, thực hành nghi thức giã bánh giầy tiến cúng Vua Hùng.

Sau cả nghìn năm, phong tục ấy của làng vẫn được gìn giữ. Đó là nét đẹp quý báu mà mỗi người đều ghi nhớ. Họ vẫn giã bánh giầy bằng cối đá với chày tre, bằng sức lực và những nghi thức cổ truyền.

Vì thể hiện lòng thành nên người dân Mộ Chu Hạ chuẩn bị một cách chu toàn và rất kỹ lưỡng các công đoạn. Từ chọn gạo nếp hoa vàng, ngâm gạo cho đến cách chọn chày tre đực bánh tẻ, để khi giã bánh đầu chày không bị tòe ra mất thẩm mĩ.

Theo những người có kinh nghiệm, một cối chỉ giã được khoảng 5 bánh giầy, bột khi lấy ra khỏi cối không để thừa. Các bô lão đảm nhiệm khâu quan trọng bắt bánh và tế lễ yêu cầu phải song toàn không vướng bụi. Từ chiều hôm trước ngày thi, phần tế lễ diễn ra tại đình làng với nghi thức quan trọng là lấy nước từ ngã ba sông Bạch Hạc để ngâm gạo và thổi xôi. 

Theo phong tục, trước khi vào giã bánh, các thanh niên tham gia đội giã bánh phải làm thủ tục theo sự hướng dẫn của chủ tế. Mỗi lần chủ tế hô to, theo nhịp thì các thành viên giãn đều, cầm chày dâng cao ngang vai bái theo mệnh lệnh: Nhất thiên bái (bái trời), Nhị địa bái (bái đất), Tam thánh bái (bái người được thờ) và Lễ hội bái.

Sau đó, một hồi trống vang lên, xôi được đưa vào cối, tiếng hò reo ca múa hừng hực. Khí thế của những nam thanh niên xen lẫn tiếng chày nhịp nhàng nâng lên hạ xuống khối bột nếp trắng mịn tinh khiết. 

Một nhóm tham gia giã bánh gồm 5 người, trong đó, một người có nhiệm vụ giữ chày làm trục giữa, 4 thành viên khác có nhiệm vụ cầm chày giã bánh. Nếu giã nhanh và đúng kỹ thuật thì khoảng 10 phút sẽ được một mẻ bánh giầy 5 - 7 cân.

Giã bánh giầy trong một cuộc thi lễ hội không phải là dễ, bởi vậy các giáp phải chọn những thanh niên khỏe mạnh, có sức dẻo dai mới hoàn thành công việc liên tục trong 10 phút. Đó có thể là lời giải cặn kẽ khi từ xưa, phụ nữ không được phép tham gia cầm chày giã bánh.

Cứ đời này nối tiếp đời kia nên sự khéo léo của thanh niên các giáp đã cho ra khối bột nếp dẻo mịn. Cùng với sự khéo tay của các nghệ nhân, chỉ trong thời gian rất ngắn, những chiếc bánh tròn và trắng tinh đã được đặt trên đĩa. 18 chiếc bánh đẹp nhất của 4 giáp được chọn dâng lên đền Thượng, làm lễ cầu Vua Hùng ban phúc cho muôn dân.

Một chiếc bánh giầy đạt tiêu chuẩn phải trong, trắng mịn tinh khiết. Khi đặt lên đĩa, nhìn phải đẹp và tròn “cao thành, gọn nóc”. Đó không chỉ là ý nghĩa tròn đầy viên mãn, mà còn mang tính thẩm mỹ của người Việt xưa.

Trải qua mấy nghìn năm lịch sử, bánh giầy làng Mộ Chu Hạ vẫn được người dân gìn giữ nguyên vẹn về hình dáng, hương vị dâng lên các Vua Hùng - trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống chung của cả dân tộc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ