Mốc thời gian này sớm hơn một thập kỷ so với tính toán trước đó.
Quá muộn để bảo vệ băng
Nhà nghiên cứu Seung-Ki Min chia sẻ, chúng ta có thể coi băng tại Bắc Cực là hệ thống miễn dịch giúp bảo vệ cơ thể khỏi những thứ có hại. Nếu không có giải pháp kịp thời, tình trạng của Bắc Cực sẽ nhanh chóng trở nên tồi tệ hơn.
Theo nhóm nghiên cứu, ngay cả việc hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C theo Hiệp ước Khí hậu Paris cũng sẽ không ngăn được dải băng trôi rộng lớn ở cực Bắc tan chảy vào tháng 9, thời điểm đạt ngưỡng lớn nhất trước khi chu kỳ mới bắt đầu. Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Communications.
Dirk Notz - đồng tác giả nghiên cứu, Giáo sư tại Viện Hải dương học của Trường Đại học Hamburg (Đức) - cho biết: “Đã quá muộn để bảo vệ băng biển mùa Hè ở Bắc Cực như một cảnh quan và môi trường sống. Đây sẽ là thành phần chính đầu tiên trong hệ thống khí hậu mà chúng ta mất đi do phát thải khí nhà kính”.
Lớp băng bao phủ giảm đi có tác động nghiêm trọng theo thời gian đối với thời tiết, con người và hệ sinh thái. Tác động này không chỉ xảy ra trong khu vực, mà còn trên toàn cầu.
Giáo sư Seung-Ki Min - nhà nghiên cứu tại Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Pohang (Hàn Quốc) - cho biết: “Sự nóng lên toàn cầu có thể bị đẩy nhanh, làm tan băng vĩnh cửu chứa đầy khí nhà kính và mực nước biển dâng”.
Nguyên nhân lớn nhất khiến băng biến mất là sự ô nhiễm cùng hoạt động phát thải khí gây nóng lên toàn cầu do con người tạo ra. Các nhà khoa học cũng thừa nhận những mô hình trước đó đã đánh giá thấp xu hướng tan chảy của băng Bắc Cực.
“Chúng tôi rất bất ngờ trước kết quả dự đoán Bắc Cực sẽ không còn băng, bất chấp nỗ lực của các quốc gia trong việc giảm lượng khí thải”, Giáo sư Seung-Ki Min chia sẻ.
Băng tại Bắc Cực thường tích tụ trong mùa Đông và tan chảy vào mùa Hè. Độ bao phủ của băng biển Bắc Cực thường thấp nhất vào tháng 9 - thời điểm cuối mùa Hè, trước khi tăng trở lại vào những tháng mùa Thu và mùa Đông lạnh hơn, đạt đỉnh điểm vào tháng 3. Một khi mùa Hè ở Bắc Cực không còn băng, quá trình tích tụ băng biển trong mùa Đông sẽ chậm hơn nhiều. Khí hậu toàn cầu càng biến động, Bắc Cực càng có nhiều khả năng không còn băng trong mùa lạnh.
Các nhà nghiên cứu cho rằng, biển Bắc Cực không còn băng sẽ tác động lớn đến toàn cầu. Khi sự khác biệt về nhiệt độ giữa Bắc Cực và các vĩ độ thấp hơn thu hẹp lại, sự thay đổi của dòng khí quyển sẽ dữ dội hơn. Bắc Cực ấm hơn sẽ làm băng vĩnh cửu tan nhanh hơn, giải phóng nhiều khí nhà kính hơn vào khí quyển. Dải băng Greenland có thể cũng sẽ tan chảy nhanh hơn, nghĩa là nước biển sẽ dâng cao hơn.
Hậu quả từ hoạt động của con người
Tốc độ băng tan nhanh dẫn đến kết quả tồi tệ sớm hơn 10 năm so với các tính toán trước đó. Ảnh: AFP |
Khoảng 90% năng lượng của Mặt trời chiếu vào băng biển trắng được phản xạ trở lại không gian. Tuy nhiên, khi ánh sáng Mặt trời chiếu vào nước biển tối tăm, không bị đóng băng, gần như cùng một lượng năng lượng đó được đại dương hấp thụ và lan truyền trên toàn cầu. Cả hai khu vực Bắc và Nam Cực đã ấm lên 3 độ C so với mức cuối thế kỷ 19, gần gấp 3 lần mức trung bình toàn cầu.
“Một tháng 9 không có băng vào những năm 2030 là thời gian xảy ra sớm hơn một thập kỷ so với các dự đoán gần đây của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC)”, Giáo sư Seung-Ki Min cho biết.
Trước đó, trong báo cáo mang tính bước ngoặt năm 2021, IPCC dự báo với “độ tin cậy cao” rằng, Bắc Băng Dương sẽ hầu như không còn băng ít nhất vào giữa thế kỷ. Thậm chí, sau đó, khu vực này xảy ra các kịch bản phát thải khí nhà kính khắc nghiệt hơn.
Nghiên cứu mới dựa trên dữ liệu quan sát trong giai đoạn năm 1979 - 2019, nhằm điều chỉnh các mô hình của IPCC. Các nhà nghiên cứu nhận thấy, ngưỡng đó rất có thể sẽ bị vượt qua vào những năm 2040.
Giáo sư Seung-Ki Min và các đồng nghiệp của ông cũng tính toán rằng, hoạt động của con người chịu trách nhiệm tới 90% việc khiến băng biến mất. Trong khi đó, các yếu tố tự nhiên như hoạt động của Mặt trời và núi lửa chỉ gây ra tác động không đáng kể.
Các nhà khoa học mô tả, Bắc Băng Dương sẽ trở thành khu vực “không có băng” nếu diện tích băng bao phủ nhỏ hơn một triệu km2, chiếm khoảng 7% tổng diện tích của đại dương.
Trong khi đó, băng biển ở Nam Cực đã giảm xuống còn 1,92 triệu km2 vào tháng 2. Đây là mức thấp nhất được ghi nhận và thấp hơn gần một triệu km2 so với mức trung bình của giai đoạn 1991 - 2020.
Theo một nghiên cứu vào năm 2022, trong vài thập kỷ qua, Bắc Cực đã nóng lên nhanh gấp 4 lần so với phần còn lại của thế giới. Theo NASA, băng tại Bắc Băng Dương đã biến mất nhanh chóng, đặc biệt là vào tháng 9 của mỗi chu kì.
Một Bắc Cực không có băng trong mùa Hè sẽ gây ra những hiệu ứng gợn sóng khủng khiếp trên khắp thế giới. Lớp băng dày có chức năng phản chiếu năng lượng Mặt trời ra khỏi Trái đất. Vậy nên khi tan chảy, nó sẽ làm lộ bề mặt đại dương, nơi hấp sức nóng lớn, gây gia tăng hiện tượng nóng lên toàn cầu.
Sự nóng lên tại Bắc Cực được cho là sẽ gây ra các hiện tượng thời tiết cực đoan như sóng nhiệt, cháy rừng và lũ lụt ở các vĩ độ trung và cao phía Bắc. Việc Bắc Cực không có băng bắt đầu sớm hơn đồng nghĩa với việc chúng ta sẽ trải qua các sự kiện cực đoan nhanh hơn dự đoán.
Một Bắc Cực không còn băng trên biển cũng có thể dẫn đến sự gia tăng vận chuyển thương mại khi các tuyến đường mới mở ra. Theo báo cáo hằng năm về Bắc Cực của Cơ quan Khí quyển và Đại dương quốc gia, sự gia tăng lưu lượng vận chuyển sẽ gây ra sự ô nhiễm với lượng lớn khí thải trong khu vực.