Băng rừng, lội suối nâng chất lượng phổ cập giáo dục Mầm non

GD&TĐ - Để nâng chất lượng phổ cập giáo dục mầm non vùng khó, nhiều thầy, cô phải băng rừng, lội suối vào tận bản để huy động trẻ ra lớp.

Hoạt động ngoài trời, tham quan vườn hoa của cô trò ở điểm trường bản U (Trường Mầm non Tam Văn, huyện Lang Chánh, Thanh Hóa).
Hoạt động ngoài trời, tham quan vườn hoa của cô trò ở điểm trường bản U (Trường Mầm non Tam Văn, huyện Lang Chánh, Thanh Hóa).

Trường Mầm non nhiều điểm lẻ nhất huyện

Trường Mầm non Yên Thắng (huyện Lang Chánh, Thanh Hóa) là ngôi trường nuôi dạy, chăm sóc trẻ thuộc huyện vùng cao của tỉnh. Hiện nay, trường có 1 điểm chính và 5 điểm lẻ, địa hình phức tạp lắm đồi, nhiều núi, dân cư chủ yếu là đồng bào người dân tộc thiểu số, điều kiện gia đình còn nhiều khó khăn…

Vì vậy, công tác điều tra, nâng chất lượng phổ cập giáo dục mầm non (PCGDMN) những năm qua của Ban giám hiệu (BGH), đội ngũ giáo viên (GV) nhà trường gặp không ít những gian nan, vất vả.

Theo cô Lê Thị Phượng – Hiệu trưởng nhà trường, công tác PCGDMN trẻ 5 tuổi những năm qua được nhà trường thực hiện nghiêm túc. Nhà trường phối hợp với các cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai công tác điều tra, cập nhật trên hệ thống phần mềm PCGD hiệu quả theo từng giai đoạn.

“Với những gia đình sinh sống tại các bản cao, heo hút, GV phải lặn lội vào tận nhà để điều tra, huy động trẻ đến trường đúng độ tuổi. Có gia đình đi làm ăn xa, chúng tôi phải đến nhà 2-3 lần mới gặp được phụ huynh”, cô Phượng bộc bạch.

Bằng sự nỗ lực cố gắng, hiện tại Trường Mầm non Yên Thắng có số lượng trẻ mẫu giáo từ 3-5 tuổi đến trường là 322 trẻ, đạt tỷ lệ 100%. 

Theo cô Phượng, chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ những năm gần đây của nhà trường có nhiều chuyển biến rõ rệt, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng của trẻ ngày càng giảm. Cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng học liệu được cải thiện nhờ sự quan tâm của các cấp lãnh đạo cùng công tác xã hội hóa giáo dục.

Hiện tại, trường có 22 phòng học theo hướng đạt chuẩn phổ cập theo quy định của điều lệ trường mầm non. Tất cả 9/9 phòng học đủ cho lớp 5 tuổi được xây dựng theo hướng kiên cố, bán kiên cố.

Về đội ngũ GV, hiện trường có 45 cán bộ, GV, nhân viên, trong đó có 41 GV đứng lớp. Hàng năm, BGH cũng luôn tạo điều kiện cho GV nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ.

Phương pháp giáo dục lấy trẻ làm trung tâm cũng luôn được nhà trường chú trọng. Với vai trò là nhà quản lý, cô Phượng đã chỉ đạo, khuyến khích GV xây dựng nhiều hoạt động để trẻ được trải nghiệm. Đồng thời, bắt tay vào xây dựng môi trường giáo dục trong và ngoài lớp học luôn lấy trẻ làm trung tâm.

“Chúng tôi đã triển khai đến GV trang trí môi trường bên trong lớp học theo tính mở, trẻ được thực hành, thao tác trên đó. Đồng thời, tạo môi trường trong lớp học với những màu sắc sinh động, hấp dẫn, có không gian với cách sắp xếp phù hợp, gần gũi với cuộc sống thực hàng ngày của trẻ”, cô Phượng chia sẻ.

Giờ học đầy sáng tạo của cô trò Trường Mầm non Yên Thắng (Lang Chánh, Thanh Hóa).
Giờ học đầy sáng tạo của cô trò Trường Mầm non Yên Thắng (Lang Chánh, Thanh Hóa).

Với môi trường ngoài lớp học, nữ Hiệu trưởng còn chỉ đạo GV cải tạo khu vực sân trường, trồng hoa… Đồng thời, tự làm thêm đồ dùng bằng gỗ bổ sung vào khu vực vận động để kích thích trẻ hoạt động, phát triển thể chất.

Với những sáng tạo trong phương pháp dạy học, năm học 2021-2022, Trường Mầm non Yên Thắng vinh dự được Phòng GD&ĐT huyện Lang Chánh lựa chọn để thực hiện chuyên đề điểm "Xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm, giai đoạn 2021-2025".

Bên cạnh những thuận lợi, Trường Mầm non Yên Thắng hiện vẫn còn đối mặt với không ít khó khăn.

Theo Hiệu trưởng Lê Thị Phượng, một trong những khó khăn của nhà trường đó là tỷ lệ học sinh là con em người dân tộc thiểu số chiếm tới 99%. Đa số trẻ có điểm chung là bố, mẹ đi làm ăn xa, nên sự quan tâm cũng như quá trình chăm sóc và giáo dục trẻ của nhà trường gặp nhiều khó khăn.

Ngoài ra, hiện nhà trường cũng đang phải huy động phụ huynh góp tre, luồng, gỗ để làm đồ chơi ngoài trời cho bé tại các điểm trường lẻ.

Nhiều đêm trăn trở

Tháng 6/2021, cô Hoàng Thị Hằng được điều động công tác lên Trường Mầm non Tam Văn (huyện Lang Chánh, Thanh Hóa) giữ vai trò Hiệu trưởng. Ngôi trường thuộc vùng khó khăn của huyện với 1 điểm chính, 2 điểm lẻ và đã hoàn thành PCGDMN trẻ 5 tuổi từ năm 2004.

Tuy nhiên, để nâng chất lượng PCGDMN đối với ngôi trường thuộc vùng khó của xứ Thanh còn gặp nhiều thách thức. Đặc biệt là tại các điểm trường lẻ như bản Phá, đường đi lại khó khăn, cơ sở vật chất còn thiếu thốn, nhiều hạng mục như phòng học có dấu hiệu xuống cấp: ngấm dột, bong tróc trần nhà…

Theo cô Hằng, mặc dù trẻ mẫu giáo đến trường được nhận chế độ hỗ trợ của nhà nước song mức hỗ trợ còn thấp. Trong khi đó, trẻ nhà trẻ chưa được hưởng chế độ đãi ngộ gì, điều kiện gia đình lại khó khăn, vì vậy tỷ lệ ra lớp còn ít và chưa chuyên cần.

Làm thế nào để nâng chất lượng PCGDMN vùng khó trước thực trạng vô vàn những khó khăn đã khiến nữ hiệu trưởng này nhiều đêm trăn trở. Bằng sự đoàn kết trong độ ngũ cán bộ, giáo viên (CBGV) cùng sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, Trường Mầm non Tam Văn đã từng bước đẩy lùi những khó khăn.

Ban giám hiệu nhà trường đã bổ sung các điều kiện về trang thiết bị tài liệu, học liệu. Đồng thời, tăng cường tiếng Việt cho trẻ em người dân tộc thiểu số tại các điểm trường lẻ, để chuẩn bị sẵn sàng cho trẻ vào lớp 1.

Điểm trường bản Phá của Trường Mầm non Tam Văn còn gặp nhiều khó khăn, địa hình phức tạp, nhiều dốc cao, vực sâu.
Điểm trường bản Phá của Trường Mầm non Tam Văn còn gặp nhiều khó khăn, địa hình phức tạp, nhiều dốc cao, vực sâu.

Cải tạo khuôn viên vườn hoa cây cảnh xanh – sạch – đẹp ở tại 3 điểm trường để cho trẻ được hoạt động. Tăng cường tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ GV nên tỷ lệ CBGV chưa đạt chuẩn nghề nghiệp hiện nay không còn.

Không chỉ vậy, trong năm học 2021-2022, nhà trường có 6 GV giỏi cấp huyện, 5 sáng kiến kinh nghiệm được xếp loại cấp huyện, 2 sáng kiến được gửi đi đánh giá, xếp loại cấp tỉnh.

Cũng trong năm học vừa qua, tỷ lệ trẻ mẫu giáo huy động đến trường đúng độ tuổi là 147/145 trẻ, đạt tỷ lệ 101%, riêng lớp 5 tuổi huy động 55/53 cháu, đạt 103,7%. Tuy nhiên, tỷ lệ trẻ nhà trẻ được huy động ra lớp mới đạt khoảng 45%.

“Đặc biệt, năm học 2021-2022 nhà trường đã kêu gọi sự hỗ trợ của một số cá nhân, tổ chức. Trong đó, câu lạc bộ (CLB) Nuôi em Thanh Hóa ủng hộ quần áo, mũ, tất, sách, bút… cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Đến nay có 105 cháu được CLB này hỗ trợ tiền ăn hàng năm với mức 7.000 đồng/cháu/ngày”, cô Hằng chia sẻ.

Theo cô Hằng, hiện tại nhà trường tiếp tục tăng cường công tác huy động trẻ ra lớp; đẩy mạnh trang trí nhóm lớp theo chủ đề giáo dục lấy trẻ làm trung tâm.

Đồng thời, đẩy mạnh việc phối hợp với phụ huynh và cộng đồng trong việc bảo đảm điều kiện thực hiện chế độ sinh hoạt cho trẻ trong thực hiện chương trình giáo dục mầm non…

Trải qua 16 năm gắn bó với sự nghiệp giáo dục, nữ hiệu trưởng Hoàng Thị Hằng cho rằng, đằng sau những khó nhọc chính là niềm hạnh phúc khi nhìn thấy học trò thay đổi tích cực mỗi ngày.

“Niềm hạnh phúc nhất của thầy, cô giáo đang giảng dạy, cống hiến ở vùng sâu, vùng xa theo tôi đó là nhìn thấy học trò thay đổi tích cực hàng ngày, được phụ huynh và địa phương tin yêu… Làm được những điều đó, đã là nguồn động lực lớn nhất đối với những thầy cô đang công tác tại vùng sâu, vùng xa như chúng tôi”, cô Hằng bộc bạch.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ